Hà Nội: Lái xe taxi từ chối cứu người nguy kịch là phạm tội
Thứ ba, 25/06/2013 11:23

"Khi tai nạn xảy ra, nhiều taxi dừng lại xem do hiếu kỳ nhưng khi người dân đề nghị chở hai người tai nạn đi bệnh viện thì lái xe nào cũng lắc đầu...".

Tài xế xe tải gây tai nạn

Tài xế xe tải gây tai nạn

Trước đó vào khoảng 17h15 ngày 22/6, trước của nhà số 68 Đức Thượng (Hoài Đức) xảy ra vụ tại nạn nghiêm trọng khiến hai mẹ con trong gia đình nằm bất tỉnh tại chỗ với vết thương rất nặng ở đầu.

Sau khi tai nạn xảy ra, nhiều người dân ở bên ven đường đã tụ tập đến rất đông, gọi xe để đưa 2 nạn nhân đi cấp cứu nhưng "người dân gọi đến hơn chục cái xe taxi trong vòng 20 phút mà chẳng có chiếc xe nào chịu chở hai mẹ con đi cấp cứu".

Hiện trường vụ tai nạn tại xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội vào chiều ngày 22/6.

Đến cấp cứu 115 cũng từ chối?

Ông Nguyễn Văn Đạo, làm bảo vệ ở xưởng gỗ gần nơi xảy ra tai nạn kể lại: "Lúc đó trời mưa vừa mới ngớt hạt, tôi ngồi trong phòng bị giật mình bởi tiếng phanh xe. Khi chạy ra, tôi thấy một chiếc xe ô tô tải nằm ngang giữa đường, bên vệ đường là hai người con gái đi xe Honda Lead đâm vào cột điện, đầu bê bết máu, nằm bất tỉnh dưới đất".

Thấy thế, ông Đạo tri hô người dân đến để đưa hai mẹ con nạn nhân đi cấp cứu. Người dân nhận thấy vết thương của hai mẹ con rất nặng nên đã phải gọi ô tô chở đi nhưng khi mọi người vẫy xe taxi thì "không lái xe nào chịu dừng lại".

Thậm chí, nhiều người dân đã gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, để cho xe cứu thương đến đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhưng chỉ nhận được câu trả lời của trung tâm "Chúng tôi chỉ hỗ trợ cho khu vực nội thành...".

"Vụ tai nạn xảy ra khiến cho giao thông lúc ấy ùn tắc nên trong lúc chờ cơ quan chức năng đến chính tôi phải đứng ra để phân làn giao thông đồng thời thấy bất kỳ chiếc taxi nào đi qua cũng yêu cầu họ dừng lại để đưa hai mẹ con nạn nhân đi cấp cứu nhưng các tài xế đều từ chối vì bận chở khách...

Những taxi đi về hướng Hà Nội thì lấy lý do cấp cứu thì nên đưa đến bệnh viện huyện Đan Phượng cách đó 1km gần hơn là đến bệnh viện trung ương (đi về Hà Nội thì ngược đường), còn những taxi đi về hướng huyện Đan Phượng lại lấy lý do nạn nhân bị chấn thương nặng cần đưa lên bệnh viện lớn để cấp cứu... mà đang chạy ngược đường nên không chở được", anh Phan Văn Nam, nhân viên một nhà hàng gần nơi xảy ra tai nạn kể lại.

Anh Phan Văn Nam kể chuyện.

Anh Nam cho biết thêm, khi vụ tai nạn xảy ra được khoảng 20 phút, thấy mẹ con nạn nhân vẫn đang nằm bất tỉnh dưới đất mà không có chiếc xe nào chở đi nên đích thân một người đàn ông đi đường đã dừng lại, chặn "bừa" lấy một chiếc xe ô tô 4 chỗ ngoài đường, yêu cầu họ "buộc" phải chở hai mẹ con nạn nhân trong vụ tai nạn đến bệnh viện huyện Đan Phượng, Hà Nội để cấp cứu.

"Người thân của họ trong hoàn cảnh như thế thì họ nghĩ thế nào?"

Một bác sĩ ở khoa Cấp cứu - bệnh viện huyện Hoài Đức cho biết: "Cả 2 mẹ con nạn nhân trong vụ tai nạn chiều ngày 22/6 được xác nhận nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng vùng đầu, hôn mê nên sau khi trải qua các biện pháp sơ cứu ban đầu bệnh viện đã chuyển hai bệnh nhân đến bệnh viện Xanh Pôn để tiếp tục chữa trị".

Ông Nguyễn Văn Đạo bức xúc nói.

Nói về hành động của những lái xe, bà Nguyễn Thị Hiền, người dân chứng kiến sự việc bức xúc nói: "Tôi cũng không hiểu hành động của những lái xe lúc đó. Không biết họ sợ đen đủi hay sợ chịu phiền phức với công an... mà không chở mẹ con đang chấn thương không biết sống chết thế nào đi cấp cứu".

Cùng với quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Đạo chia sẻ: "Tôi có trực tiếp gọi 2 chiếc taxi dừng lại, nói rõ tình hình sự việc và yêu cầu họ chở hai mẹ con cô ấy đi cấp cứu nhưng họ - lái xe đều từ chối vì đang chở khách và có hướng dẫn tôi tìm xe khác. Lúc đó, tôi đã rất bức xúc có mắng mỏ nhưng rồi tài xế vẫn bình thản lái xe đi tiếp mà không dừng lại...".

Nói đoạn, ông Đạo lại kể đến những chuyện lái xe cố tình đâm cho nạn nhân đến chết để tránh phiền hà rồi chuyện ba người đàn ông ngồi trên chiếc xe ô tô tông chết 3 người trong một gia đình tại quốc lộ 32, đoạn qua địa bàn xã Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) vào ngày 6/6 vừa qua.

"Lúc đó, 3 người ngồi trên xe ô tô gây tai nạn cũng bỏ đi không cần biết nạn nhân sống chết thế nào. Giờ đến chuyện nhiều lái xe taxi bỏ mặc người tai nạn... không biết nếu người thân của họ trong hoàn cảnh như thế thì họ nghĩ thế nào", ông Đạo lắc đầu nói.

Chở khách không cứu người vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Trần Công Minh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự: "Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu người không cứu giúp là người là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm".

"Trong trường hợp hai mẹ con bị tai nạn tại xã Đức Thượng vào chiều 22/6, khi các lái xe biết được hai mẹ con nạn nhân đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và có điều kiện để cứu giúp nhưng đã không cứu giúp trong trường hợp 1 trong 2, hoặc cả hai mẹ con đều đến hậu quả tử vong thì các lái xe đã từ chối đó đã phạm tội: Không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, Luật sư Minh nói.

Datviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Tai nạn giao thông , Cứu người , Từ chối cứu người , Hà Nội , Tai nạn xe tải