Chiều qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về nhiều vấn đề của giáo dục Hà Nội.
|
Cùng dự với bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận xét: “Giáo dục Hà Nội có nhiều ưu điểm so với các địa phương nhưng cũng có nhiều tiêu cực có trước địa phương khác, như tình trạng học sinh đánh nhau, việc dạy thêm, học thêm tràn lan, trong đó nổi cộm là dạy trước lớp 1... Là nơi có điều kiện thuận lợi so với cả nước nhưng cho đến nay, Hà Nội nằm trong số ít các tỉnh thành chưa có đề án chi tiết về việc dạy học ngoại ngữ theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT”.
Còn nhiều cái “chậm”
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Hà Nội có cơ sở giáo dục kiên quyết không chấp nhận việc dạy trước học sinh lớp 1. Việc này được dư luận ủng hộ. Nhưng bên cạnh đó, có những trường khác lại cổ xúy việc học sinh học trước lớp 1. Hà Nội cần phải nhân rộng những mô hình tốt, cách làm tốt để hạn chế dần tình trạng “dạy trước” lan tràn ở nơi khác. Ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết: “Sẽ tiếp thu góp ý của Bộ GD-ĐT và chỉ đạo ngành GD-ĐT Hà Nội có giải pháp hiệu quả hơn để khắc phục những bất cập”.
Trao đổi về nỗ lực của Hà Nội trong việc giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, trình bày: “Tính trong bốn năm trở lại đây, Hà Nội đã xóa gần 6.000 phòng học tạm, xây dựng mới trên 1.000 phòng học, đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho việc xây dựng lại công trình nhà vệ sinh, nước sạch, hệ thống thư viện”.
Tuy vậy, Hà Nội vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu chỗ học và giảm sĩ số học sinh/lớp. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, “tỉ lệ 69,9% học sinh tiểu học học hai buổi/ngày vẫn chưa phải là nhiều”.
Giờ học của học sinh Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội)
Cơ sở giáo dục của người nước ngoài chưa theo luật VN
Đề cập mô hình giáo dục chất lượng cao, ông Hiển nói: “Việc quản lý các cơ sở giáo dục chất lượng cao còn chưa tốt, nhất là việc quản lý các chương trình giáo dục”. UBND TP. Hà Nội đề nghị bộ sớm có quy định hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí cho trường thực hiện mô hình cung ứng chất lượng cao đối với mỗi cấp học để xác định mức thu đối với mô hình này.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Bộ đang xây dựng thông tư và sẽ sớm ban hành”. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết vấn đề quan trọng là cần phải xác định mặt bằng giáo dục của từng bậc học thế nào mới có căn cứ để xác định một mô hình chất lượng cao hơn mặt bằng chung.
UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm tổ chức các trường quốc tế do người VN là chủ đầu tư, dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài và học sinh VN (một kiểu du học tại chỗ), đề nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh, bổ sung điều lệ trường học các cấp về việc quản lý doanh nghiệp nước ngoài được phép kinh doanh lĩnh vực giáo dục. Hiện tại do bất cập về quy định quản lý, “các cơ sở giáo dục này không có quyết định thành lập trường, không có quyết định công nhận hội đồng quản trị, hiệu trưởng, hiệu phó nên việc tổ chức và quản lý không theo Luật giáo dục VN” - ông Độ cho biết.
13 năm chuẩn bị mở trường ĐH của thủ đô
Bên cạnh trao đổi với Bộ GD-ĐT về việc giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc để xây dựng trường ĐH khoa học công nghệ, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội bày tỏ mong muốn được Bộ GD-ĐT ủng hộ trong việc xây dựng Trường ĐH thủ đô Hà Nội trên nền của Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội bây giờ.
Đại diện Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội cho biết: “Đã có 13 năm chuẩn bị việc nâng trường cao đẳng lên ĐH, xây dựng thành một trường ĐH xứng tầm thủ đô”. Ông Phạm Vũ Luận băn khoăn: “Tôi ủng hộ việc xây dựng một trường ĐH của thủ đô để cung cấp nhân lực trình độ cao. Nhưng với những gì Hà Nội trình bày thì chưa thấy rõ việc này. Nếu mở trường ĐH chỉ để đào tạo giáo viên như nhiệm vụ Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội đã làm thì e rằng trường của thủ đô không thể vượt qua được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hiện nay, một trường trọng điểm đào tạo giáo viên cho cả nước được đặt tại Hà Nội. Bởi vậy, Hà Nội cần tiếp tục chuẩn bị về nhân lực và các điều kiện khác để xây dựng trường ĐH đa ngành, có khả năng cung cấp nhân lực có chất lượng, bổ sung cho các lĩnh vực đang cần người có trình độ cao ở thủ đô và cả nước”.
Xin đào tạo học sinh dân tộc thiểu số tại Trường Chu Văn An Tại cuộc làm việc, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo hệ học sinh dân tộc thiểu số tại Trường THPT Chu Văn An theo cơ chế cử tuyển. Vì Trường THPT Chu Văn An là trường trọng điểm quốc gia, phục vụ khu vực phía Bắc. Ông Nguyễn Thế Thảo giải thích: “Không phải mở lớp dạy tiếng dân tộc mà chỉ mở một số lớp cho học sinh miền núi phía Bắc dạy học theo chương trình chung của Bộ GD-ĐT”. |
- Cận cảnh cây gỗ Kim Tơ Nam Mộc được bán với giá gần 9.000 tỷ đồng, báu vật có '1-0-2' trên đời
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?