Giật mình nghe "nhạc chế" của học sinh tiểu học
Thứ tư, 14/11/2012 22:37

"Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo, cô thương cháu vì có ba đón về, ba đón về là về nhà cô giáo, te tò te tí tò...", đó một câu nhạc "chế" của cậu học sinh lớp 2.

Giờ ra chơi là lúc nhiều học sinh trường Đoàn Thị Điểm thích hát nhạc chế

Giờ ra chơi là lúc nhiều học sinh trường Đoàn Thị Điểm thích hát nhạc chế

Mẹ con cùng hát

Chị Nguyễn Thanh Lâm (310 Nghi Tàm, Hà Nội) cho rằng việc con hát những bài nhạc chế đó chỉ là như một trò tiêu khiển của trẻ thôi. Chị Lâm thậm chí nghe con hát cũng thuộc và thi thoảng còn hát cùng con. Vì theo chị Lâm, nhiều bài nhạc chế rất vui, như: "Đi lang thang trong sân, bắt con gà, ướp tiêu hành, ăn xong lăn quay ra, chết tui rùi, cúm gia cầm"... "Cũng phải để cho con vui vui một tí, chứ cái gì cũng cấm chưa chắc đã hay", chị Lâm cười nói.

Anh Nguyễn Huy Bắc (tập thể D2 Ngọc Khánh, Hà Nội) cho rằng, việc trẻ chế nhạc hay nhại lời thơ thậm chí còn thể hiện khả năng ngôn ngữ của trẻ. "Chủ yếu bọn trẻ học nhau, thấy hay thì hát theo, nhưng đứa nào sáng tác được lời chế cũng phải nói là thông minh chứ". Tuy nhiên, anh Bắc cũng cho rằng cha mẹ nên hạn chế những bài hát có lời chế mang nội dung xấu, không phù hợp lứa tuổi.

Các bạn nhỏ khi được hỏi vì sao hát nhạc chế thì đều có câu trả lời là "cháu thích vì nó vui”. Nguyễn Minh Tiến, học lớp 3 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết: "Bọn cháu thường hát vào giờ chơi thôi nên cô giáo không để ý. Còn về nhà thỉnh thoảng cháu cũng hát, có khi mẹ cháu nhắc, có khi mẹ cháu thấy vui còn hát theo".

Trần Nam Khánh, một "cây" nhạc chế, học lớp 4 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho hay: "Các bài nhạc chế cháu học từ anh cháu rồi đến lớp hát cho các bạn nghe, bạn nào cũng thích. Thỉnh thoảng bọn cháu có thể thay đổi lời một tí cho những bài chế mà bọn cháu học được hoặc tự chế những câu ngắn...".

Không chấp nhận biến tấu thái quá

TS Đỗ Mộng Tuấn, giảng viên cao cấp Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, với trẻ con, việc hát nhạc chế chỉ như một trò đùa, trò chơi vui, chứ chúng chưa có ý thức về nội dung. Cha mẹ có thể để con thoải mái hoặc cùng chơi với con và lựa cách giúp con điều chỉnh lại cho đúng nội dung bài hát gốc. Không nên đi vào giải thích cho con nội dung sai. Bởi cách làm đó có thể khiến trẻ lại chú ý khai thác nội dung sai lệch mà nó đang hát.

Đối với những đứa trẻ đã hiểu nội dung theo chiều hướng tiêu cực, cha mẹ có thể nói cho con hiểu nhưng cách giải thích phải mang tính khôi hài, không nên đi vào phân tích bản chất. Tuyệt đối không dùng đến hình thức quát mắng, cấm đoán con. Cách này chỉ làm trẻ thêm xa lánh và càng chống đối.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Phó TBT Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, việc bỏ đi lời thật của bài hát, bắt chước giai điệu và biến tấu lời hát, nếu nhìn nhận nghiêm chỉnh về mặt văn hóa thì đây là việc không hay. Nhưng nó vẫn tồn tại vì nó như một trò chơi, học nhanh, lan tỏa nhanh, nó giúp người chơi giải tỏa, khẳng định cái tôi. Đối với những biến tấu không đến mức quá đáng thì có thể chấp nhận, để trẻ được vui vẻ trong chốc lát như một trò tiêu khiển vô hại.

Nhưng dù sao nhạc chế cũng là một cái gì đó không chính thống. Vì vậy, cha mẹ không nên cổ súy để con lạm dụng thái quá trò chơi này. Với những nội dung biến tấu thái quá, xuyên tạc, làm vẩn đục ngôn ngữ, suy nghĩ của trẻ thì cha mẹ nên có biện pháp nhắc nhở, hạn chế trẻ.

Kiến Thức
Tag: Học sinh tiểu học , Nhạc chế , Giáo dục , Văn hóa học đường , Phụ huynh , Ngôn ngữ