Giang hồ Sài Gòn (Kỳ 2): Du đãng Sài Gòn đụng dân chơi Đà Lạt
Thứ năm, 08/05/2014 18:38

Như đã nói, hồi ấy có một số tay tài phiệt thường “tài trợ” cho dân du đãng, trong số đó đáng kể nhất là Hoàng Kim Qui, thường được gọi “vua kẽm gai”.

Đại Cathay và vợ thời hoàng kim

Đại Cathay và vợ thời hoàng kim

Đó là do Kim Qui làm giàu nhờ chiến tranh Việt Nam: Ông ta trúng thầu cung cấp toàn bộ dây kẽm gai để làm hàng rào ấp chiến lược, hàng rào phòng thủ cho đồn bốt, rào cản ngăn chặn sinh viên học sinh biểu tình tranh đấu... Về sau Kim Qui còn trúng thầu làm lưới sắt bảo vệ B40, nên lại càng giàu thêm.

Hoàng Kim Qui có một quí tử là Hoàng Kim Lân, thuộc loại công tử bột ăn chơi có hạng. Lân thường kết bạn với số con nhà giàu khác và các “dân chơi” nổi tiếng, ngày ngày lui tới các vũ trường, nhà hàng, tiêu tiền như rác, lâu lâu nổi hứng “chơi trội” để “giựt le”.

Có lần, buổi tối Lân vô một nhà hàng lớn nằm trên đường Lê Lợi, tuyên bố sẽ bao toàn bộ khách đang ăn trong nhà hàng, trả tiền cho hết thảy mọi người. Maitre d’hôtel lên thông báo trên micro, ai dè bữa đó có một toán biệt động quân từ chiến trường về Sài Gòn nghỉ phép vô quán nhậu từ xế chiều nay đã ngà ngà say. Bọn này nhao nhao phản đối: “Tụi tao có tiền, vô đây ăn uống. Lân là thằng nào mà dám trả tiền bao tụi tao?”. Lời qua tiếng lại, bọn lính rút lựu đạn ra. Lân đang cầm chiếc hộp quẹt máy châm thuốc lá hút nổi sùng lên, quăng bỏ luôn hộp quẹt máy, te te bỏ ra khỏi nhà hàng. Nhân viên cả nhà hàng vội nháo nhào đi tìm chiếc hộp quẹt vì hộp quẹt của Lân ai cũng biết làm bằng vàng 18.

Lân rất khoái chơi với bọn Đại Cathay. Thường hắn ký sẵn séc tại các nơi Đại Cathay thường lui tới ăn chơi, lâu lâu kiểm tra lại, khi nào thấy Đại và bọn đàn em xài gần hết lại ký tiếp.

Trong băng công tử bột của Lân có hai anh em người Hoa là Dách Bửu và Dì Bửu, là con của chủ nhà hàng Mékong. Khi ấy chủ Mékong không những có hai nhà hàng sang trọng tại Sài Gòn và Chợ Lớn, mà còn mở cả nhà hàng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, và tại thủ đô PhnomPenh, Campuchia. Đang lúc ăn nên làm ra, Mékong lập thêm một nhà hàng nữa ở Đà Lạt. Nhân dịp khai trương nhà hàng này, Dách Bửu và Dì Bửu mời Hoàng Kim Lân lên Đà Lạt dự lễ, nhờ Lân mời luôn Đại Cathay và một số tay em của hắn - mà hai anh em người Hoa này cũng đã biết sơ sơ qua giới thiệu của Lân và đôi lần gặp gỡ trên sàn nhảy.

Gặp hồi đang phấn khởi vui vẻ trước lời hứa giúp đỡ của “ông chủ”, Đại kéo luôn một lô đàn em thân tín lên cao nguyên đổi gió. Đi cùng tay trùm du đãng này có đến hơn chục tên: Lâm Chín ngón, Hải Súng, Cu Quì, Sáng, Phong, Năm Công... chất lên hai xe du lịch Mustang và Traction không hết, phải đi nhờ cả xe của Hoàng Kim Lân.

Dách Bửu, Dì Bửu đón tiếp giới du đãng rất long trọng, không thua gì so với các nhà chính trị sa-lông có máu mặt và khách nước ngoài đến dự lễ khai trương. Chúng được dành nguyên một tầng lầu riêng để tiện việc ăn ở, đi lại. Đúng thời gian ấy có đoàn cải lương từ Sài Gòn lên Đà Lạt lưu diễn tại nhà hát ngay khu chợ Hòa Bình thuộc trung tâm thành phố sương mù. Các kép chính trong đoàn vốn cũng không xa lạ gì với Đại Cathay vì Thành Được, Hữu Phước hay lui tới hút thuốc phiện (hồi đó thường gọi là “đoong thóc”) tại tiệm Khang Thành nằm gần góc đường Đồng Khánh và đã nhiều lần gặp Đại Cathay cùng đám nhà văn Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy... cũng thường đến đây đi mây về gió.

Liên tiếp hai đêm, đoàn cải lương không ngớt kêu khổ vì đám du đãng Đà Lạt đến gây rối. Đám du đãng này đâu khoảng trên dưới 20 tên, do Xi Rỗ cầm đầu, câu kết với bọn lính địa phương quân. Băng nhóm Xi Rỗ không chỉ coi khu chợ Hòa Bình mà còn tung hoành khắp thị xã Đà Lạt, từ bến bãi xe đến nhà hàng, khách sạn, vũ trường... hễ ai dám không “nộp thuế” cho bọn chúng là gặp chuyện ngay.

Gặp đoàn cải lương, đêm nào chúng cũng đòi “coi cọp” (không mua vé), không chỉ cho riêng chúng mà còn cho cả bọn lính địa phương và... luôn họ hàng, bạn bè thân thuộc của chúng, với số người “ăn theo” lên đến hàng trăm. Đã thế, chúng lại yêu cầu ngược: Đoàn cải lương phải trả “tiền bảo vệ” cho mỗi suất hát. Bầu cải lương tuy méo mặt vẫn ráng è cổ ra chịu mà trong lòng tức anh ách.

“Tha hương ngộ cố tri”, bất ngờ đất lạ quê người gặp ngay Đại Cathay trùm du đãng - mà anh em văn nghệ sĩ khi ấy hay gọi là Zimbô - Hữu Phước và Thành Được đều vô cùng mừng rỡ (Đại có tên “Zimbô” vì vào khoảng thời gian 1965 ở Sài Gòn có chiếu một bộ phim Tarzan Ấn Độ với nhân vật chính là Zimbô rất ăn khách. Do Đại mang một phần tư máu Ấn - cha lai Ấn, mẹ Việt Nam - nên được mang tên này luôn). Cả hai tài tử cải lương đều xổ bầu tâm sự, than phiền không ngớt về dân chơi Đà Lạt chơi không đẹp và nhờ Đại ra tay giúp đỡ. Nghe qua lời kể, phần vì được nịnh phổng mũi, phần vì nghĩa khí giang hồ “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (thấy việc nghĩa không làm là không phải kẻ dũng khí, gặp nguy chẳng cứu chẳng phải anh hùng), Đại Cathay ưỡn ngực hứa: “Để đấy tôi lo cho!”.

Chưa hết. Nghe tin nhà hàng Mékong khai trương làm lễ rất lớn, Xi Rỗ viết thư gởi đến chủ nhà hàng, yêu cầu nội nhật chiều hôm ấy phải gởi cho hắn một con heo quay, hai chai rượu ngoại và năm két bia (hồi đó chỉ có bia La Rue con cọp) để bọn hắn nhậu, ghi chú rõ ràng ở cuối thư “nếu không, chủ nhà hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” (?). Mời bọn Đại Cathay lên Đà Lạt dự lễ khai trương, đụng chuyện này mà nhờ vả đến thì thật là đắc sách, Dách Bửu và Dì Bửu đưa thư của Xi Rỗ cho Đại Cathay coi và “xin ý kiến chỉ đạo”. Vốn đã có sẵn chủ ý, Đại phẩy tay:

- Cứ gởi rượu, bia, heo quay cho chúng. Tôi sẽ nói chuyện phải quấy với thằng Xi Rỗ sau.

Khoảng 8h tối hôm ấy, Đại Cathay kéo nguyên băng ra bến xe gần chợ Hòa Bình tìm Xi Rỗ, thì Xi Rỗ đang ngồi nhậu với bầy lâu la ngay quán nhậu kế bến xe chớ đâu. Ngoài khoảng hơn chục tên du đãng xứ hoa anh đào còn có cả tiểu đội địa phương quân cũng túm tụm uống rượu, bia với mồi là con heo quay béo ngậy. Súng cạc-bin, ga-răng dựa ngay bên bàn nhậu. Riêng Xi Rỗ cởi trần trùng trục mặc dù trời tối Đà Lạt trời lạnh, có lẽ một phần hắn muốn khoe thân hình lực lưỡng cuồn cuộn cơ bắp, một phần do nhờ rượu tỏa năng lượng sưởi ấm cơ thể (?).

Đại Cathay dẫn đầu băng du đãng Sài Gòn, tiến thẳng đến trước tiệc nhậu, lớn tiếng (tuy hắn dễ dàng nhận ngay ra Xi Rỗ với khuôn mặt rỗ đặc trưng):

- Ai là Xi Rỗ đâu?

Thấy có kẻ kêu đích danh mình, lại có vẻ hống hách, Xi Rỗ không thèm đứng dậy, hếch mặt, tay không buông ly rượu đang uống dở:

- Tao đây! Có chuyện gì vậy?

Đại Cathay gằn giọng:

- Tao muốn nói chuyện với mày về vụ nhà hàng Mékong và đoàn cải lương. Mày có biết tao là ai không?

Xi Rỗ hừ một tiếng, dằn mạnh ly rượu xuống bàn:

- Biết chớ! Biết cả chuyện mày lên đây đã mấy ngày rồi mà không lại chào tao. Giờ mày muốn gì?

Đại Cathay cố nén giận:

- Nhà hàng Mékong và đoàn cải lương là chỗ bạn bè của tao, mày vuốt mặt phải nể mũi.

Xi Rỗ vụt đứng dậy:

- Mày là cái thá gì mà tao phải nể? Rừng nào cọp nấy. Sài Gòn của Đại Cathay. Đà Lạt này của Xi Rỗ, không được lôi thôi gì hết!

Nãy giờ đã hầm hầm trong bụng, Sáng người nhái nghe đến đây tức khí móc luôn khẩu Colt 45 giấu bên hông ra, thẳng tay quật bá súng vô sau ót Xi Rỗ.

Vũ Quang Hùng (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Giang hồ sài gòn , chế độ cũ ở sài gòn , chuyen ve giang ho sai gon , chem giet , tranh gianh dia ban , con do , song bac , xa hoi den , TP.HCM , Sài Gòn , tin , bao