Giai thoại chuyện ngôi miếu 'con vua' và rắn thần hiển linh
Thứ tư, 10/12/2014 20:53

Miếu "bà" nằm tọa lạc trên một ngọn đồi, chính diện quay về hướng Biển Đông. Bên trong miếu có “đội quân bảo vệ” gồm bốn con hạc và 10 cây đao, kiếm.

Ngôi miếu được xây dựng lại vào năm 2009

Ngôi miếu được xây dựng lại vào năm 2009

Phía trước miếu, có một hòn đá được dân trong vùng gọi là "đá bà" - nơi các ngư dân trong vùng đến làm lễ, thắp hương xin "bà" trước khi ra khơi và cũng là điểm khởi nguồn của nhiều câu chuyện kỳ lạ...

Rắn thần đầu hổ xuất hiện giữa ban ngày?

Miếu "bà" hay còn gọi là miếu bà Chúa Ngọc, nằm ở triền đồi núi Mân, thuộc xóm 1, thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ông Nguyễn Tròn (76 tuổi), thủ từ ngôi miếu cho biết, đây là miếu bà Phạm Thị Ngọc Chơn (gọi là miếu bà Chúa Ngọc - PV), con của vua và là chị của Nam Hải Đại tướng quân đang thờ trong lăng vạn chài Phước Thiện.

"Vị Đại tướng quân nọ là con cá voi khổng lồ dạt vào bờ, được dân chài ở đây lấy bộ xương thờ cúng, nhờ thần hiển linh giúp dân chài ra khơi trời yên biển lặng. Còn bà Chúa Ngọc là người khởi xướng ra nghề đi biển cho dân làng chài này, nên khi bà mất đi, họ bắt đầu lập miếu để thờ cúng", ông Tròn nói. Còn chuyện bà Chúa Ngọc là con vua nào thì ông Tròn lắc đầu. Ông cho biết, từ nhỏ nghe ông bà kể lại "bà" được thờ ở miếu này là con của vua, còn vua nào thì không ai biết.

Chính điện miếu quay mặt về hướng Biển Đông, quanh năm sóng vỗ. Xung quanh vách miếu xây bằng đá ong và mái miếu lợp ngói âm dương, còn đỉnh mái miếu trang trí lưỡng long tranh châu. Bên trong có một gian để đặt bàn thờ thần, trước bàn thờ có đội quân bảo vệ gồm 4 con hạc và 10 cây kiếm gỗ. Theo lời kể của ông Tròn, trước năm 1975, miếu này rất thịnh, nhưng sau đó thì do mưa bão, chẳng ai ngó ngàng đến, miếu trở nên hoang lạnh.

Đến khoảng năm 1988 - 1990, vợ chồng ông Phan Bộ (80 tuổi) và vợ là Đặng Thị Thưa (77 tuổi), nhà ở gần miếu thấy hiu quạnh nên dọn dẹp và hương khói hằng ngày. Từ đó, miếu bà Chúa Ngọc mới nhiều người lui tới hương khói. Vào giữa đêm 12/2 âm lịch hằng năm, vạn chài ở đây đến cúng miếu bà, rồi sáng hôm sau mới cúng ở lăng Đại tướng quân. Theo tài liệu nghiên cứu về Di tích vùng đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) của TS. Đoàn Ngọc Khôi, bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, thì miếu này được xây vào khoảng thế kỷ 16 - 17. Rất có khả năng là miếu thờ Vương phi Mỵ ê, vợ vua Chiêm Thành là Trà Toàn chứ không phải của "con vua" nào, vì chưa có con vị vua nào mất trên đất này.

Cũng theo nghiên cứu của TS. Khôi, vào năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông mang quân Nam chinh Chiêm Thành, tấn công thành Trà Bàn và bắt sống vua Trà Toàn cùng toàn bộ vương phi, nghệ nhân đưa về đất Bắc. Vua Lê lúc này đã đam mê sắc đẹp nàng Mỵ Ê. Khi ngang qua vùng biển Phước Thiện, vua Lê sai người đưa nàng Mỵ Ê đến hầu, nên nàng nhảy xuống biển tự vẫn để giữ vẹn danh tiết với quân vương. Xin nói thêm là trên vùng đất nơi có miếu thờ Mỵ Ê là vùng biển xưa có rất nhiều thuyền buôn qua lại. Xét về mặt kiến trúc, theo TS. Khôi, miếu thờ bà Chúa Ngọc là một trong những miếu cổ nhất trong hệ thống miếu thờ ở Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Hữu, một người dân trong thôn Phước Thiện cho hay, bởi quá linh thiêng mà đường vào miếu cây cối um tùm, nên xưa nay người dân rất tin và rất hiếm người lai vãng một mình ra đây. Phía dưới miếu là bóng cây mát mẻ, vào mùa hè có người ngủ trưa ở đây hốt hoảng chạy về, nhưng hỏi thì không dám nói. "Cách đây hai năm, có bà Nguyễn Thị Cảnh (78 tuổi) và bà Ao Thị Xúc (65 tuổi) là người địa phương đi lấy củi ban trưa ở phía sau miếu. Vài giờ sau cả hai bà hốt hoảng, mặt tái mét chạy về. Bà con hỏi vì sao, hai bà nói thấy thần rắn đầu hổ, rất to và dài nằm gác phía sau miếu. Một số người dân xung quanh đây cho rằng đó là rắn thần nên từ đó nhiều người sợ không dám tới gần", ông Hữu kể.

Về chuyện rắn thần, ông Nguyễn Tròn cho biết, vợ ông là bà Ao Thị Giống (65 tuổi) cũng một lần thấy rắn thần. Hôm đó là chiều tối, ông Tròn bị đau nên vợ ông ra đây để thắp hương. Vừa mở cửa, bà Giống thấy rắn thần màu đen tuyền gác ngang phía trên. Bà Giống sợ quá khấn: "Nếu để người dân thường xuyên đến đây hương khói thì thần đừng xuất hiện vì mọi người sẽ sợ". Thế là rắn thần nhẹ nhàng trườn xuống thấp ra cửa đi luôn. Theo lời ông Tròn, cha ông kể lại trước kia con rắn này xuất hiện rất nhiều nhưng chưa làm hại ai bao giờ, chỉ cần nhẹ nhàng thắp hương là nó đi ngay.

ngoi-mieu-con-vua1

Hòn "đá bà" là nơi tàu thuyền ghé thắp hương, làm lễ trước khi ra khơi.

Miếu cổ và tấm lòng của người dân biển

Ông Tròn cho biết, ngôi miếu được xây dựng trên khu đất bà Chúa Ngọc trước kia sinh sống. Miếu nằm trên một ngọn đồi cao, chính diện hướng về Biển Đông nên dân chài ở đây cho rằng bà Chúa Ngọc được giao trọng trách trông giữ vùng biển này, giúp ngư dân ở đây tránh mọi tai ương trên biển. Chính vì lẽ đó mà trước ngày xuất thuyền đi biển làm ăn, thuyền trưởng cùng với bạn thuyền sẽ sắm một mâm lễ gồm trái cây, bánh và vàng mã lên đây để làm lễ xin "bà" cho phép xuất quân và cầu "bà" phù hộ cho chuyến đi làm ăn thuận lợi.

Trước miếu "bà" có hòn đá rất to và màu đen được dân ở đây gọi là "đá bà" (tùy tùng giúp bà trông giữ biển - PV), đây là nơi để tàu thuyền làm lễ trong buổi sáng ra khơi làm ăn. Trước khi ra khơi ngư dân cho thuyền đến đây quay đầu mũi thuyền và đốt vàng bạc khấn vái, sau đó mới được quay thuyền đi. ông Tròn cũng cho biết: "Thiệt tình là dân chài ở đây rất ít người gặp bão biển nên mọi người càng tin vào sự linh thiêng ở miếu bà Chúa Ngọc. Có nhiều ngư dân lên đây cầu nguyện làm ăn thuận lợi đã quay lại để cảm tạ như đóng góp tiền tu sửa miếu, đóng góp tiền để cúng hàng năm...".

Theo lời ông Tròn, miếu bà Chúa Ngọc không chỉ phù hộ cho dân chài làm ăn mà còn ban nước để chữa bệnh. Năm 2006, vợ ông Tròn là bà Ao Thị Giống bị sốt rét phải nằm viện 10 ngày nhưng không khỏi. ông Tròn bèn lấy một chai nước lọc đặt trước bàn thờ "bà" thắp nhang cầu "bà" cho vợ mình bớt bệnh. Sau đó, bà Giống uống hết chai nước này thì thấy bớt bệnh. Sau này, dân trong vùng ai bị cảm nhẹ đều đem nước lên đây thắp hương, cầu nguyện, uống hết nước này thì khỏi liền. "Điều này thì không ai lý giải được cả nhưng chuyện người dân bị cảm uống nước sau khi cúng trên miếu bớt bệnh là có thật. Tuy nhiên, chỉ những người bị cảm hay đau bụng, đau đầu nhẹ, còn đã mắc bệnh nặng hơn thì không bớt", ông Tròn nói.

Ông Tròn kể thêm, năm 2010, cháu nội của ông Ao Thìn, người cùng thôn, hay khóc vào ban đêm. Người dân trong vùng cho rằng đứa nhỏ bị cô, cậu phạt nên mách ông Thìn lên miếu bà Chúa Ngọc xin để cháu ông bớt khóc. Sau khi được hướng dẫn, ông Thìn đem lên miếu bà Chúa Ngọc hai chai nước lọc cùng trái cây và trầu cau để cúng xin "bà" che chở cho cháu nội mình. Lạ thay, đứa nhỏ uống hết hai chai nước lọc cúng trên miếu "bà" thì không còn khóc đêm nữa.

Những câu chuyện trên ít nhiều đều mang màu sắc tâm linh, thật ra chuyện người dân chữa khỏi bệnh, cũng như làm ăn may mắn đều chỉ là sự ngẫu nhiên, cũng như sự cố gắng của con người chứ đâu phải nhờ thần thánh... Nhưng với người dân nơi đây miếu “bà” nơi họ thờ cúng tín ngưỡng cũng là điều dễ hiểu, mang lại phần nào niềm tin, ít nhất về mặt tinh thần trước những điều chưa lý giải được...

Miếu cổ cần được bảo tồn

Ông Nguyễn Văn Hai, Phó Chủ tịch xã Bình Hải cho biết, việc thờ cúng bà Chúa Ngọc là tín ngưỡng có từ lâu đời của người dân thôn Phước Thiện. Miếu bà Chúa Ngọc là ngôi miếu cổ đã tồn tại khoảng mấy trăm năm. Trước kia, ngôi miếu chỉ là một cái am nhỏ, đến năm 2009 người dân thôn Phước Thiện cùng nhau đóng góp để xây dựng lại ngôi miếu này.

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: ngoi mieu con vua , ran than , mieu ba chua ngoc , mieu ba , ngoi mieu o quang ngai , quang ngai , tin , bao