Hôm qua 2/11, theo nguồn tin từ Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, sở này đã chính thức báo cáo UBND TP.HCM về vụ mặt đường tự nổ và bốc cháy xảy ra vừa qua.
Hiện trường vụ cháy nổ mặt đường |
Sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã ghi nhận hố nổ có dạng hình ống, đường kính miệng 33 cm, đường kính đáy 25 cm, chiều cao từ đáy lên đến miệng (mặt đường) khoảng 50 cm, cách lề đường (trước địa chỉ 236 Bình Lợi, P.13, Q.Bình Thạnh) 70 cm. Trong lòng hố (cách mặt đường 40 cm), có hệ thống đường dây dẫn điện gồm nhiều dây dẫn được luồn trong ống nhựa đường kính 60 mm đã bị đứt, vỏ ống nhựa và vỏ bọc dây dẫn ở chỗ đứt bị cháy hóa than không đều. Ở đầu lõi đồng dây dẫn điện có dấu vết sần sùi, thậm chí có một số vị trí các dây dẫn nóng chảy dính vào nhau. Đáng chú ý, dưới đáy hố có nhiều hạt đồng tròn, sáng bóng với nhiều kích cỡ khác nhau (đặc trưng của sự cố điện).
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ nhà 236 Bình Lợi, hệ thống dây dẫn điện từ đường dây chính của công ty điện lực khu vực đến các hộ dân ở đây được ngầm hóa. Cách đây 2 tháng, có một đơn vị thi công đến trước nhà ông đào đường (có dấu vết đào và lấp lại) để lắp đặt dây cáp điện. Từ chiều tối 26/10, tại khu vực này đã xảy ra hiện tượng các thiết bị điện không ổn định lúc tắt, lúc sáng; có lúc bị mất điện phải gọi điện lực xuống khắc phục sự cố, nhưng ngay sau đó hiện tượng điện chập chờn vẫn xảy ra với tần suất dày hơn. Trong ngày 27/10, điện cũng bị mất nhiều giờ liền. Đến ngày 28/10, mặt đường trước nhà ông Mạnh bất ngờ bị nứt và bốc khói kèm theo tiếng nổ lách tách, rồi phát ra tiếng nổ lớn tạo một cái hố; cùng lúc xuất hiện ngọn lửa có màu xanh, màu vàng đỏ. Đáng chú ý, lúc xảy ra tiếng nổ lách tách, thiết bị điện của nhiều nhà dân tại khu vực này bị chập chờn nghiêm trọng.
Từ khi xảy ra vụ việc, Công an P.13 (Q.Bình Thạnh) đã tổ chức bảo vệ hiện trường và đến nay không xuất hiện hiện tượng tương tự.
Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường vụ cháy nổ mặt đường
Do chập điện
Sau vụ cháy nổ mặt đường này, một số sở ngành của thành phố đã vào cuộc điều tra và kết luận nhiều khả năng hiện tượng cháy nổ là do khí mê tan phát sinh và tích tụ cục bộ trong lòng đất... Tuy nhiên, Sở Cảnh sát PCCC đã sử dụng máy đo tại hố xảy ra cháy nổ và 3 miệng hố ga ở gần đó nhưng không phát hiện thành phần khí cháy.
Đến nay, Sở Cảnh sát PCCC đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân xảy ra vụ việc là do lớp cách điện bị hở (có thể do trước đó 2 tháng đơn vị đào đường chạm vào) dẫn đến phóng hồ quang điện giữa dây nóng và dây nguội, nhiệt độ từ hồ quang điện đốt nóng vỏ dây dẫn điện làm tình trạng phóng hồ quang điện ngày càng mạnh hơn. Những lúc phóng hồ quang điện đã làm điện áp tụt, gây hiện tượng các thiết bị điện trong khu vực này bị chập chờn, mất điện. Khi lớp vỏ của các dây dẫn bị cháy, dây nóng chạm vào dây nguội gây ra tiếng nổ.
Do điện áp trên đường dây chính cao nên đã phá vỡ kết cấu đường nhựa tạo ra hố nhỏ. Quá trình hồ quang điện dẫn đến chạm chập đã để lại nhiều hạt đồng hình tròn sáng với nhiều kích cỡ dưới hố lẫn trong lớp đất, đá.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?