Giải mã 'lương 2,6 tỷ' của GĐ công ty thoát nước
Thứ tư, 28/08/2013 07:57

Thông tin GĐ một số DN công ích ở TP.HCM nhận lương hàng tỷ đồng mỗi năm trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người bất ngờ.

Lãnh đạo Công ty cấp nước đô thị TPHCM nhận huân chương Lao động hạng ba. Các vị này lãnh lương cao ngất, hàng tỷ đồng/năm

Lãnh đạo Công ty cấp nước đô thị TPHCM nhận huân chương Lao động hạng ba. Các vị này lãnh lương cao ngất, hàng tỷ đồng/năm

Kẻ “đỉnh cao”, người “vực sâu”

Như đã thông tin, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định về pháp luật về lao động, tiền lương tại một số doanh nghiệp công ích trên địa bàn.

Theo kết luận này, tại 4 doanh nghiệp công ích (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh) đã có hàng loạt sai phạm.

Mặc dù, tình hình kinh tế khá khó khăn nhưng những “sếp” ở đây mỗi năm vẫn ung dung bỏ túi hàng tỷ đồng tiền lương.

Cụ thể: năm 2012, tại Công ty TNHH thoát nước đô thị, lương của giám đốc: 2,6 tỷ đồng/năm, lương Chủ tịch HĐTV: 1,6 tỷ đồng/năm, kế toán trưởng: 1,67 tỷ đồng/năm, Phó Giám đốc 969 triệu đồng/năm.

Tại Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng công cộng TP.HCM, mức lương của Giám đốc năm 2012 là 2,2 tỷ đồng/năm, Chủ tịch HĐTV là 2,4 tỷ đồng/năm, Phó giám đốc là 1,9 tỷ đồng/năm, kế toán trưởng là 1,7 tỷ đồng/năm.

Tương tự, tại Công ty TNHH một thành viên công trình giao thông Sài Gòn và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh, “sếp” có mức lương thấp nhất cũng đạt tới 584 triệu đồng/năm, cao nhất cũng ở mức 856 triệu đồng/năm.

Bên cạnh khoản tiền lương cao ngất ngưởng của các “sếp”, mức lương của người lao động thường xuyên tại các doanh nghiệp này cũng rất cao, trung bình đạt tới con số hơn 22,2 triệu đồng/tháng, cao hơn gấp 4 lần so với mức lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM (7,3 triệu đồng/tháng).

Trong đó, lương bình quân của lao động thường xuyên ở Công ty chiếu sáng công cộng là 55,3 triệu đồng/tháng, Công ty thoát nước đô thị là 25,6 triệu đồng/tháng, Công ty công trình giao thông Sài Gòn là 25,7 triệu đồng/tháng, Công ty công viên cây xanh là 15,5 triệu đồng/tháng

Tuy nhiên, nếu tất cả người lao động tại các doanh nghiệp trên đều có mức thu nhập “ấn tượng” như vậy hẳn sẽ không có nhiều điều phải bàn cãi.

Vấn đề ở đây là bên cạnh những khoản lương “khủng” của các “sếp” và mức kha khá của các công nhân viên thì mức lương của những người lao động mang tính chất thời vụ ở đây chỉ đạt mức từ 4,5 đến 9 triệu đồng/tháng.

Từ những con số trên có thể nhẩm tính thấy rằng mức chênh lệch tiền lương giữa “sếp” và “lính” tại các doanh nghiệp này là không hề nhỏ. Ví dụ: mức chênh lệch giữa lao động thời vụ và Chủ tịch HĐTV tại Công ty chiếu sáng công cộng là 44,4 lần/năm.

Nhờ đâu?

Vậy nhờ đâu, chiêu gì mà trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các “sếp” ở những doanh nghiệp trên vẫn nhận mức lương "khủng"?

Theo kết quả thanh tra cho biết, tại Công ty thoát nước đô thị có 163 người là lao động thường xuyên nhưng chỉ được công ty này ký hợp đồng thời vụ với thời hạn dưới 3 tháng. 355 người lao động đủ điều kiện ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nhưng chỉ được công ty này ký hợp đồng xác định thời hạn.

Lương bình quân của người lao động mùa vụ chỉ 5,43 triệu đồng/tháng, trong khi lương của giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị lên đến hơn 200 triệu đồng/tháng

Tại Công ty công trình giao thông cũng xảy ra tình trạng trên. 120 người lao động thường xuyên làm việc ở đây cũng chỉ được ký hợp đồng thời vụ 3 tháng, 94 người lao động đủ điều kiện ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn chỉ được ký hợp đồng xác định thời hạn.

Đối với người lao động làm việc với hợp đồng thời vụ, đương nhiên “số phận” của họ rất bấp bênh.

Tại sao lại xảy ra tình trạng này?

Nhìn vào những khoản lương “như mơ” của bộ phận lãnh đạo, có thể nhận ra rằng việc trốn tránh, không ký hợp đồng lao động đúng theo luật là một trong những chiêu “tiết kiệm” hữu ích của doanh nghiệp.

Với khối lượng và nhu cầu công việc, các doanh nghiệp thay vì ký hợp đồng lao động chính thức họ lại đi tuyển lao động thời vụ làm những công việc này.

Từ việc “né” ký hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp sẽ “né” luôn nhiều khoản (chi phí bảo hiểm, phúc lợi xã hội) cho người lao động.

Từ đó, những khoản này trong quỹ lương doanh nghiệp sẽ được “tiết kiệm” để chia cho các “sếp”.

Có dấu hiệu phạm tội hình sự

Xung quanh vấn đề trên, luật sư Trần Công Li Tao – Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng:

Theo kết luận thanh tra thì các doanh nghiệp trên đã có sai phạm. Theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ, hậu quả xảy ra có thể xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo thông tin báo chí phản ánh thì hành vi của một số quan chức trong những doanh nghiệp trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bởi lẽ, các công ty trên đều là doanh nghiệp nhà nước, tài sản là tài sản nhà nước. Những cá nhân trong ban giám đốc là người có chức vụ, quyền hạn trong công ty, chịu trách nhiệm quản lý doanh nghiệp.

Trong khi đó, thanh tra cho thấy các doanh nghiệp này xảy ra tình trạng chi tiền cho viên chức quản lý sai quy định hàng tỷ đồng (cụ thể như công ty thoát nước chi sai 3,2 tỷ đồng) nghĩa là đã gây ra thiệt hại cho tài sản nhà nước.

Bản thân các thành viên ban giám đốc cũng hưởng lợi từ việc thu chi sai quy định này. Do đó, hành vi trên có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, để xử lý hình sự cần phải trải qua quá trình điều tra, thu thập chứng cứ…theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Huỳnh Tấn Dũng – Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: Từ trước đến nay, chưa có đợt thanh tra chuyên sâu nào về việc chấp hành pháp luật lao động, tiền lương tại các doanh nghiệp công ích.

Trong thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi, biên độ thanh tra với những doanh nghiệp đã phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục theo dõi, phát hiện những doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm và phối hợp các cơ quan quản lý chuyên ngành xem xét, trình UBND thành phố để có chỉ đạo cụ thể.

Vietnamnet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Thoát nước , Lương cao , Tiền lương , Lương 2 , 6 tỷ , Lương giám đốc , Sai phạm , Doanh nghiệp , TPHCM