'Đêm ấy, tôi mơ thấy cha mình, sau ông là những người bị tai nạn. Từ đó, tôi bị ám ảnh và tình nguyện làm công việc này', anh Hiền kể.
Gần 20 năm nhặt và canh xác người gặp tai nạn |
Mỗi lần nghe tin có tai nạn giao thông, anh Võ Như Hiền (sinh năm 1980, trú tổ 8, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lại nhớ tới cái chết của cha cách đây gần 20 năm. Hôm đó, mẹ anh bị ốm phải điều trị tại bệnh viện. Trong một lần đi đưa cơm cho vợ, cha anh gặp tai nạn và qua đời.
Đang mang bệnh lại thêm nỗi đau mất chồng, một tháng sau đó, mẹ anh cũng ra đi khi đứa con trai mới 14 tuổi. Không còn cha mẹ, anh tự lực mưu sinh bằng công việc phụ xe, bán kem ở TP Đà Nẵng. Cũng trong thời gian này, anh chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra trên trục đường quốc lộ 1A.
“Đêm ấy, tôi đang chập chờn trong giấc ngủ thì chợt mơ thấy hình bóng cha. Rồi phía sau ông, có cả những người bị tai nạn trên cung đường này nữa. Lúc ấy, trong không gian xa xăm, đôi mắt mọi người trông thật ám ảnh. Giật mình tỉnh dậy, tôi thấy sống lưng mình lạnh toát. Suốt đêm hôm đó, tôi thức chờ trời sáng trong suy nghĩ miên man. Rồi không hiểu sao từ hôm đó, tôi tình nguyện đi làm công việc này. Họ cũng như mình, dù có chết cũng phải được toàn thây, nếu không người thân nhìn thấy sẽ đau lòng lắm!”, anh Hiền tâm sự.
Anh Hiền tâm sự, nỗi ám ảnh về cái chết khiến anh vô cùng sợ hãi và thấy cảm thương cho những người không may gặp tai nạn. Chính vì thế không kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, cũng không cần biết nạn nhân là ai, ở đâu, chỉ cần nghe có tai nạn giao thông là anh chạy đến và làm công việc mà hầu như không ai muốn làm. Đó là lượm lặt những phần thi thể của nạn nhân. Chính vì công việc lạ lùng trên mà anh Hiền được người dân địa phương gán cho biệt danh Hiền “Khùng”.
Đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Nam hàng năm có đến hàng chục vụ tai nạn, khiến hàng trăm người phải bỏ mạng. Trong đó, có nhiều nạn nhân bị ôtô đâm nên thi thể bị biến dạng, nhiều người nhìn thấy đều vô cùng sợ hãi, không ai dám tiến đến gần. Những lúc đó người dân quanh khu vực này lại nhớ đến Hiền “Khùng”.
Anh Hiền kể, năm 2012, một tai nạn trên đoạn đường qua khu vực chợ Quán Gò (huyện Thăng Bình) khiến nạn nhân tử vong tại chỗ, toàn thân không còn nguyên vẹn nằm dưới gầm xe tải. Nhận được tin, anh tức tốc đến nơi. Không ngần ngại, một mình anh bò xuống dưới gầm xe và cố gắng nhặt nhạnh từng bộ phận thi thể, tay, chân cho đến từng mảng tóc... gom lại. Xong, anh đi mua chiếu, chõng tre rồi hương đèn để cầu cúng cho vong linh người xấu số có chỗ nằm tươm tất trước khi được người nhà đến nhận đưa nạn nhân về.
Cuối năm 2013, cũng trên đoạn đường qua địa phận xã Bình Nguyên (huyện Thăng Bình) xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc. Một thai phụ đang điều khiển xe máy bị ôtô đâm trực diện khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Nhiều người qua lại nhìn thấy cảnh này không khỏi rùng mình, có người bật khóc thương cảm nhưng cũng chẳng dám lại gần vì sợ.
Lúc nhận được tin báo, anh Hiền liền vội vàng chạy đến hiện trường. Nhìn các phần thi thể của nạn nhân văng ra khắp nơi, máu me lênh láng khắp mặt đường, anh lao ra đường chặn xe cộ đang lưu thông ầm ầm, không cho đụng chạm đến người bị nạn. Sau ít phút lấy lại bình tĩnh, anh đã tự tay nhặt nhạnh từng phần thi thể của nạn nhân xấu số...
“Sau lần đó, tôi mất ngủ cả tuần. Mọi người cho rằng, tại vong hồn thai phụ chưa siêu thoát. Nhưng thực sự là vì tôi thấy xót thương người phụ nữ xấu số nên nghĩ nhiều, khiến đêm nào cũng mơ thấy nạn nhân rồi giật mình tỉnh giấc thôi. Cuộc sống mong manh lắm, chỉ một tai nạn thôi là bao nhiêu hệ lụy xảy ra”, anh Hiền lý giải.
Anh Hiền nhớ lại, có những vụ tai nạn giao thông nạn nhân tử vong tại chỗ nhưng gặp đúng hôm trời mưa, anh phải chống ba cái cọc tre chéo nhau, buộc lại thành lều tạm để phủ áo mưa mỏng lên cho xác nạn nhân khỏi ướt rồi mới tiến hành “làm việc”. Có những khi tử thi nằm ở chỗ đường thấp, nước mưa xuống khiến máu chảy lênh láng, anh lại phải ôm xác lên trên chỗ cao hơn để làm.
“Cái nghề này không có giờ giấc cụ thể. Có nhiều đêm trời mưa gió, đang ngủ say mà nhận được tin có tai nạn tôi cũng sinh ngại. Nhưng sau đó nghĩ lại, nếu mình không đi, lỡ nạn nhân bị bỏ quên bộ phận nào đó của cơ thể thì tội họ lắm. Thế là lại vùng dậy đi. Ngay cả trong mơ, tôi cũng không dám nghĩ mình lại theo cái “nghề” chẳng giống ai này. Nhưng lạ lắm, khi đã “dính” vào thì không thể bỏ được. Có lẽ đây là việc làm để tôi trả nợ cho tiền kiếp”, anh Hiền bộc bạch.
Nhiều người dân thị trấn Hà Lam cho biết, họ nhớ mãi cảnh anh Hiền nằm cả đêm để canh... xác chết. Về chuyện này, anh Hiền nhớ lại: “Hôm đó trời đã vào khuya, lại vào giữa mùa mưa nên trời lạnh như cắt da cắt thịt. Tôi nhận được tin báo có tai nạn nên vội vã đi ra hiện trường luôn, chỉ khoác vội chiếc áo mỏng. Do chưa xác định được danh tính người bị nạn nên cả đêm, tôi phải ở lại canh gác xác chết. Trời lạnh, tôi phải dùng một mảnh chiếu đắp lên người rồi lại gần xác nạn nhân để canh”.
Có người thương, khuyên anh Hiền về nhà nằm ngủ cho ngon giấc. Nhưng anh vẫn một mực ngủ cạnh thi thể cho đến khi có người nhà đến nhận. Không những thế, anh còn mua nhang đèn hương khói cho họ bớt tủi thân, lạnh lẽo. Kể từ đó, người ta đồn ầm lên là anh “thích ngủ với xác chết”.
“Lúc ấy là giữa đêm khuya, trời lạnh lại ở với xác chết, tôi cũng muốn về nhà chăn ấm đệm êm lắm chứ. Nhưng ai cũng như thế thì để nạn nhân nằm lạnh lẽo cả đêm sao? Vậy nên tôi mới ở lại túc trực. Kệ người ta nói gì thì nói, tôi làm vì tôi thấy thương cho nạn nhân thôi!”, anh Hiền tâm sự.
Hơn 20 năm qua, anh Hiền không nhớ đã tự tay khâm liệm cho bao nhiêu nạn nhân. Cũng không biết bao nhiêu lời đồn kỳ quái được tung ra về người đàn ông này. Nhưng anh nói mình không quan tâm, cũng không lấy làm buồn lòng bởi cái “tâm” của anh luôn được thanh thản.
Anh chia sẻ: “Những việc tôi làm chưa thấm vào đâu so với nỗi khổ của những nạn nhân không may bị tai nạn chết đi. Làm việc gì cũng cần lương tâm, đặc biệt là đối với người chết mình lại càng không thể qua loa được! Đằng sau những xác người xấu số là những gia đình đau khổ. Trước đây mỗi lần gặp nạn nhân có gia cảnh quá khó khăn, tôi lại tất bật đi xin quan tài. Nơi này không cho, tôi lại đạp xe đi nơi khác, chừng nào có mới thôi!”.
Người đàn ông làm công việc kỳ lạ này không mưu cầu gì cho riêng mình. Bởi vậy, ai hỏi anh tiền công cho những lần nhặt xác là bao nhiêu, anh đều thấy chạnh lòng. Anh chưa lấy của ai một đồng bạc nào. Nhiều người mang tiền đến trả ơn, anh cũng nhất quyết không nhận.
Anh bảo: “Nhiều lần đi “nhặt” xác, tôi phát hiện trên người nạn nhân có tiền, vàng. Lúc đó giấu đi cũng không ai biết nhưng tôi không bao giờ làm như thế. Tôi chỉ mong mọi người đi xe trên đường cẩn thận, làm chủ tay lái của mình để không gây ra những tai nạn giao thông đáng tiếc khiến nhiều gia đình đau thương”.
Ngoài công việc trên, thời gian còn lại anh Hiền thường chở hàng hóa thuê cho người khác, hoặc ai gọi đi xe ôm chở. Cuộc sống của anh từng ngày trôi qua rất nhẹ nhàng, không bon chen, tranh giành với ai.
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%