Bắt đầu từ ngày 1-2, xe khách tuyến có cự ly từ 1.000km trở lên xuất phát từ Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đi các tỉnh thành phía Nam buộc phải đi theo đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội đến Vinh (và ngược lại).
|
Đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội - Nghệ An hầu như vắng xe qua lại - Ảnh: T.PHÙNG
Quy định là vậy nhưng ngày 1-2, nhiều doanh nghiệp vận tải thuộc 117 tuyến đường dài phải di chuyển theo lộ trình trên vẫn chưa thực hiện và tỏ ra lo ngại khi chuyển sang hoạt động trên hành trình này. Duy nhất chỉ có một doanh nghiệp ba năm nay hoạt động tuyến Vinh - Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh vẫn tỏ ra hào hứng với lộ trình quen thuộc.
Chi phí tăng, thu nhập ít
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Hồng Hoàng - giám đốc Xí nghiệp xe khách Nam (Tổng công ty Vận tải Hà Nội), doanh nghiệp có tuyến Giáp Bát - TP.HCM - cho rằng việc chuyển đổi xe khách đi đường Hồ Chí Minh xét về mặt giảm tải giao thông cho quốc lộ 1 là hợp lý nhưng còn nhiều chuyện phải bàn.
Ông Hoàng nhận xét đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội - Nghệ An có mặt đường khá tốt nhưng thiếu sự quan tâm quản lý giao thông. Thực tế người dân chấp hành luật giao thông trên tuyến này yếu, đi lại tùy tiện, trâu bò trên đường nhiều.
“Xe khách luôn muốn đi qua các điểm dân cư, nếu hoạt động trên tuyến ít dân cư đi lại thì việc đưa đón khách dọc đường gần như không có. Điều này có nghĩa doanh nghiệp bị xa rời thị trường. Đó là chưa kể các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, ăn nghỉ khá thiếu vắng và mật độ không ổn định, có nơi cả trăm kilômet không có” - ông Hoàng cho biết.
Một vấn đề mà doanh nghiệp vận tải e ngại, theo ông Hoàng, là đi theo đường Hồ Chí Minh xa hơn 70-80km, chi phí nhiên liệu tăng, nguồn thu thấp hơn vì ít khách.
Cũng như những doanh nghiệp vận tải khác, ông Hoàng nói nếu Nhà nước muốn đưa đường Hồ Chí Minh thành quốc lộ song hành thì phải giải quyết nhiều vấn đề. “Nhà nước nên có những định hướng gợi mở cho doanh nghiệp thực hiện, chứ bắt buộc phải đi thì chính sách đó khó đi vào cuộc sống” - ông Hoàng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Hoàng, ông Hồ Chương - tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh Đông Bắc bộ - bày tỏ lo ngại khi tuyến vận tải theo quốc lộ 1 đang ổn định việc đón khách tại các cơ sở của công ty ở các tỉnh dọc từ Hà Nội đến Vinh.
“Nếu chạy theo đường Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được khách đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến, không thể đón được khách tại điểm đón của công ty trên quốc lộ. Thay đổi lịch trình không đơn giản. Thứ hai, trên đường Hồ Chí Minh không có trạm dừng nghỉ, cơ sở dịch vụ không đầy đủ, khi xe bị sự cố sẽ mất thời gian khắc phục. Chúng tôi sẽ có văn bản xin Tổng cục Đường bộ cho lùi thời hạn thực hiện để doanh nghiệp chuẩn bị lộ trình” - ông Chương nói.
Dễ xảy ra tai nạn
Khác với quan điểm các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Đàm Văn - giám đốc Công ty du lịch Văn Minh (Nghệ An), đơn vị sử dụng xe khách giường nằm chạy trên tuyến Vinh - Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh đã ba năm nay - cho biết dù chi phí tăng nhưng vẫn khỏe hơn đi theo quốc lộ 1.
Ông Văn nói: “Hiện nay chúng tôi chạy sáu xe (40 chỗ nằm)/ngày theo đường Hồ Chí Minh, xe đón khách ở điểm đầu và không đón trả khách dọc đường. Cái lợi là tốc độ hành trình đều, đường thoáng, ít va chạm hay tắc đường nên khách được ngủ khỏe, không xóc, lắc. Cái mất là đường xa hơn 70km so với quốc lộ 1 nên mỗi tháng thêm 15 triệu đồng xăng dầu/xe dù không mất tiền phí cầu đường (chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng/xe). Dù xa hơn nhưng do mật độ xe ít, hành trình đảm bảo giờ giấc”.
Ông Văn cũng cho biết điều đáng ngại là ý thức tham gia giao thông của người dân dọc đường Hồ Chí Minh còn kém nên dễ xảy ra tai nạn. Dịch vụ trên đường như ăn uống, sửa chữa chưa có nên xe hỏng hóc giữa đường rất khó sửa chữa.
Theo ông Văn, việc xe khách đi đường Hồ Chí Minh sẽ hợp với những doanh nghiệp nhận khách một đầu rồi chạy suốt tuyến. Điều này cũng đúng với thực tế là ngoài Công ty Văn Minh, hiện nay trên đoạn đường Hồ Chí Minh từ Nghệ An đến Hà Nội chỉ có các tuyến vận tải hành khách chặng ngắn từ miền tây Thanh Hóa, Hòa Bình đi Hà Nội. Thỉnh thoảng những dịp cao điểm như lễ tết, quốc lộ 1 đông xe thì có thêm một số xe đưa khách từ các huyện miền núi Nghệ An đi đường Hồ Chí Minh ra Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Linh - phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết việc chuyển đổi 30% số lượng xe đang hoạt động trên quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh (và ngược lại) sang đi đường Hồ Chí Minh theo quy định của Tổng cục Đường bộ đang được Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các sở GTVT để thực hiện. Việc chuyển lộ trình ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp, Sở GTVT phải lên phương án rồi mời các doanh nghiệp tham gia ý kiến để thực hiện, không thể thực hiện quá gấp.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?