“Nếu xe chúng tôi phải chạy đường Hồ Chí Minh sẽ không có khách, chúng tôi chắc chắn sẽ lỗ. Nếu chỉ vài khách trên xe mà chạy từ Nghệ An ra Hà Nội thì có 100 năm sau chúng tôi cũng không trả được hết nợ”.
|
Ông Trương Ngọc Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Miền Tây (Nghệ An) đã chia sẻ như vậy khi nói về chủ trương đưa xe khách chạy tuyến đường Hồ Chí Minh để giảm tải cho quốc lộ 1A.
Cũng theo ông Thắng, Hợp tác xã của ông có 7 xe, trong đó có 3 xe chạy ở bến Mỹ Đình, và 4 xe chạy ở bến Nước Ngầm (Hà Nội). Số tiền mua xe đều vay 90% vốn ngân hàng, 10% bạn bè, lãi hàng tháng rất lớn.
Chủ trương và bài toán kinh doanh
“Chạy đường 1A chúng tôi còn có lãi, nhưng nếu chạy đường Hồ Chí Minh (HCM) xe sẽ không có khách, nên chắc chắn sẽ lỗ, và khả năng chúng tôi phải bán xe chuyển nghề khác”, ông Thắng nói.
Các doanh nghiệp đều "lo sợ" phải đưa xe lên chạy đường HCM. Ảnh Internet.
“Thông báo sớm để các doanh nghiệp có phương án tuyến từ trước. Còn đưa xe lên rừng thì chạy bằng gì, lỗ là khó tránh. Nếu luật bắt thực hiện thì các doanh nghiệp phải tính lại. Giờ các doanh nghiệp chỉ kêu thôi, nhưng nếu kêu không được thì bỏ tuyến, lâu lâu chạy lậu vài chuyến, làm luật”, ông Liên nói thêm.
Vì vậy, ông Liên đề nghị, trong năm nay chỉ nên động viên một số tuyến chạy ở bến xe Mỹ Đình đi đường HCM. Năm sau sẽ để các doanh nghiệp tự đăng ký, tốn tại được thì tốt, nếu không thì tự nghỉ. Không nên ép họ nghỉ bằng mệnh lệnh hành chính.
Các Sở đồng loạt kêu khó
Một số Sở Giao thông Vận tải các tỉnh có xe quản lý phải lựa chọn xe chạy qua đường HCM, đoạn tuyến Hà Nội – TP. Vinh (Nghệ An), như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam… đều có chung quan điểm là việc thực hiện đưa xe khách lên đường HCM rất khó, vì các doanh nghiệp không muốn chạy tuyến này do không có khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ còn thiếu và yếu...
“Chúng tôi đồng ý thực hiện. Tuy nhiên, còn vấn đề cần phải điều chỉnh, như việc tỉ lệ 30% số xe khách chạy tuyến đường HCM thì địa phương không làm được, chúng tôi phải chọn doanh nghiệp nào, không chọn cái nào, rồi phát sinh cơ chế xin cho, làm rối địa phương. Nên chỉ còn cách hoặc chọn 100%, hoặc không thay đổi gì hết”, Ngô Thanh Thiện, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay tỉnh này chỉ có 5 đơn vị, với 12 xe chạy tuyến Quảng Bình - Hà Nội. Nên việc lựa chọn 30% số doanh nghiệp rất khó.
Các doanh nghiệp "sợ" đi đường HCM vì không thể bắt khách dọc đường, lợi nhuận vì thế sẽ giảm. Ảnh minh họa.
Đại diện Sở Giao thông vận tải các địa phương đều đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam nên đầu tư nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện các dịch vụ như hệ thống cây xăng, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng xe, dịch vụ chăm sóc y tế...
Theo đại diện Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, việc phân luồng xe khách lên đường HCM khó khăn thì có nhiều. Về mặt hạ tầng, cơ sở dịch vụ… các tuyến đường mới đều gặp phải, không chỉ riêng gì đường HCM, nếu xe chạy dịch vụ chắc chắn sẽ phát triển.
Dự kiến thời gian tới Tổng Cục Đường bộ sẽ tổ chức họp với 22 địa phương phải có xe chạy đường HCM để quán triệt, và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?