Lễ hội ném còn của 3 nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 25-27/10 tại thành phố Điện Biên Phủ. Dự kiến khoảng 1.500 người tham gia.
Người tung quả còn qua chiếc vòng trên đỉnh cột. Ảnh: baoquangninh |
Theo kế hoạch, lễ hội ném còn được tổ chức tại các địa điểm là Trung tâm hội nghị văn hóa tỉnh, Nhà thi đấu đa năng và Quảng trường thành phố Điện Biên Phủ. Ngoài ném còn, lễ hội còn có nhiều hoạt động thể thao như bắn nỏ, tù lu, đẩy gậy, cùng các môn vui chơi giải trí như nhảy bao bố, bịt mắt đập chiêng, kéo co...
Tại lễ hội, còn diễn ra các hoạt động văn hóa như thi người đẹp với trang phục dân tộc 3 nước Việt, Lào, Trung; thi nấu ăn, tổ chức hội chợ thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng tiêu dùng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ, Trưởng Tiểu ban tổ chức Lễ hội, cho biết đây là lần thứ ba lễ hội ném còn của 3 nước được tổ chức. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thành phố Điện Biên Phủ đăng cai lễ hội này. Điểm đặc biệt của lễ hội là tổ chức ném còn theo kiểu của Việt Nam - ném qua khung hình tròn. Trước đó, lễ hội lần 1 và lần 2 được tổ chức tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ném qua khung hình tam giác.
Đối với các dân tộc Mường, Tày, H’mông, Thái... ném còn là trò tín ngưỡng hấp dẫn nhất của trai gái trong dịp hội xuân. Ném còn là dùng quả còn tung vào vòng tròn ở trên cao cho người đứng ở phía bên kia bắt rồi ném trả lại qua vòng tròn. Quả còn hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải).
Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có vòng còn hình tròn, một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Mặt giấy bao kín biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.
Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, thầy mo dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần nghi lễ, thầy mo cầm hai quả còn đã được “ban phép” tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi ném còn năm đó.
Trước khi khép hội, thầy mo rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm - dương).
Ném còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hoà âm - dương, mùa màng tươi tốt.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?