Các nhà khoa học cho rằng, động đất xảy ra tại Bắc Trà My không có dấu hiệu giảm, cần phải có thời gian để xác định, đồng thời khuyến cáo người dân bình tĩnh.
Đập thủy điện Sông Tranh 2 đã về mực nước chết, nhưng vẫn liên tục xảy ra động đất |
Chiều ngày 12/9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp nghe đoàn công tác của Bộ Khoa học Công Nghệ báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu động đất tại thủy điện Sông Tranh 2.
Theo kết luận của đoàn công tác Bộ Khoa học Công nghệ, từ tháng 17/8 đến 7/9/2012, các trạm động đất Huế và Bình Định và các máy gia tốc của Ban Quản lý thủy điện 3 (QLTĐ3) đặt tại khu vực đập đã ghi nhận được 15 trận động đất, trận vào lúc 20h46 ngày 3/9 có 4,2 độ richter và trận vào lúc 9h27 ngày 7/9 có 4,0 độ richter là hai trận lớn nhất.
Khảo sát khu vực 5 huyện: Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Phước Sơn cho thấy các trận động đất lúc 20h47 ngày 3/9/2012 gây nên chấn động cực đại là cấp 6 (theo thang MSK64). Vùng chấn động cấp 6 kéo dài theo phương Tây Bắc – Đông Nam dài khoảng 20 km, chiều rộng khoảng 10 km bao cả khu vực đập. Vùng chấn động cấp 5 kéo dài khoảng 40km và rộng khoảng 20km, bao gồm một số xã thuộc địa phận Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức. Vùng chấn động cấp 4 bao gồm một số xã ở Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn.
Đoàn công tác Bộ Khoa học Công nghệ thông báo kết quả ngày 12/9
Trận động đất lớn nhất 4,2 độ richter ngày 3/9 gây chấn động lớn nhất là cấp 6 theo thang MSK64, tương đương chấn động cực đại gây bởi trận động đất 3,4 richter tháng 11/2011. Độ lớn động đất mạnh hơn, vùng chấn động rộng hơn. Gia tốc lớn nhất đo được ở vai trái của đập là 88,3 m/s2 chưa vượt qua ngưỡng gia tốc động đất thiết kế cho đập thủy điện Sông Tranh 2 là 150 cm/s2. Các trận động đất vừa qua không ảnh hưởng gì tới đập.
Động đất khu vực thủy điện Sông Tranh chưa có dấu hiệu suy giảm về độ lớn (tháng 11/2011 có 2 trận động đất; tháng 3/2012 có 1 trận, tháng 9/2012 có 2 trận) cũng như về tần suất động đất. Diễn biến của động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh diễn ra là diễn biến bình thường như ở các khu vực thủy điện khác.
Khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ và do đó làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Khi đứt gẫy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt của đất đá trong đới đứt gẫy dẫn tới việc xảy ra dịch trượt làm cho động đất phát sinh. Vì lý do này, động đất kích thích do hồ chứa thường xảy ra tại lân cận vùng hồ. Các trận động đất tại Bắc Trà My cũng xảy ra quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2.
TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa chất lý giải, việc xuất hiện động đất kích thích do hồ chứa xuất hiện không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam đã từng quan sát được sự xuất hiện của động đất kích thích có độ lớn 4,8 độ richter tại hồ thủy điện Hòa Bình sau khi tích nước 6-7 tháng. Nhiều động đất nhỏ hơn còn theo dõi được đến 4 – 5 năm sau với tần suất và độ lớn giảm dần. Trong trường hợp này, khi ứng suất trong vỏ trái đất ở khu vực đã đạt đến trạng thái cân bằng, hoạt động động đất kết thúc, chế độ hoạt động động đất ở khu vực sẽ trở về chế độ hoạt động động đất kiến tạo bình thường.
Còn các nhà khoa học khác cho rằng, động đất xảy ra tại Bắc Trà My không có dấu hiệu giảm, nhưng động đất sẽ không vượt quá cấp mức độ cực đại là 5,5 độ richter, còn vị trí xảy là thì cần phải có thời gian để xác định. Đồng thời, khuyến cáo người dân bình tĩnh xử lý, không nên quá lo lắng, khi xảy ra động đất.
Nhà dân tại huyện Bắc Trà My bị nứt sau các đợt rung chấn liên tiếp vừa qua. (Ảnh: Hoàng Dương)
Mặc dù vậy, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My bày tỏ nỗi lo lắng của người dân địa phương là nỗi lo kép: “Một trận động đất không thì chúng tôi không ngần ngại. Nếu chỉ động đất thôi thì chính quyền và người dân huyện Bắc Trà My có đủ năng lực để đối phó với động đất xảy ra. Nhưng đây là nỗi lo kép, động đất cộng với hồ nước đang treo lơ lửng đó nữa”.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng nguyên nhân nào thì động đất ở Bắc Trà My cũng do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Mà thủy điện Sông Tranh 2 lại liên tiếp có vấn đề về chất lượng vì vậy, chính quyền và người dân tỉnh Quảng Nam không khỏi hoang mang lo lắng. Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị sớm lắp đặt hệ thống quan trắc, cần nghiên cứu kỹ các tác động để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tích nước. Trước khi cho phép tích nước phải khẳng định thủy điện an toàn 100% còn nếu 1% không an toàn thì không nên vội vàng cho tích nước.
Trong cuộc họp này, đại diện Bộ Khoa học Công nghệ cũng cho biết, đã có quyết định phê duyệt việc triển khai đề tài “Nghiên cứu động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh”.
Đề tài sẽ được triển khai trong thời gian tới với việc lắp đặt 5 trạm địa chấn để theo dõi tình hình hoạt động động đất, đánh giá xu thế hoạt động động đất kích thích trong khu vực, nghiên cứu chi tiết các điều kiện địa chất và địa động lực phục vụ việc đảm bảo an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?