Bươn chải khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố, họ bới rác trong đêm để đắp đổi cho cuộc sống bấp bênh.
|
Quê ở Ninh Bình, chị Vũ Thị Anh lớn lên lấy chồng và sinh được 3 con. Tuy nhiên, chồng chị Anh chẳng lo làm ăn mà suốt ngày nhậu nhẹt, đánh đập mẹ con chị. Không chỉ vậy, “đức lang quân” của chị Anh còn nhẫn tâm đòi bán con để lấy tiền tiêu xài.
Cực chẳng đã, chị phải ly thân rồi mang con tha hương khắp Hà Nội, sống bằng nghề nhặt rác.
Đến nay, chị Vũ Thị Anh đã có 7 năm làm công việc này. Những ngõ hẻm ở Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Từ Liêm, chị thuộc như lòng bàn tay. Công cụ hành nghề của chị cũng chỉ là xe đạp được người chủ nhà cho cùng chiếc móc bằng sắt để dễ bề bới rác.
Hằng ngày, cứ chập choạng tối chị lại ra đường bắt đầu một cuộc mưu sinh đến 3-4 giờ sáng mới về. “Phải đi nhặt đêm, vì lúc đó mới nhiều đồ để lượm.
Trước khi đi, mình ăn vội bát cơm nguội, lúc về đến nhà cơm canh cũng nguội hết cả rồi, mấy khi được ăn tối cùng các con đâu”, chị Anh nói. Những cái người ta vứt đi với chị đó đều là tiền. Đang đi trên đường, bỗng chị buột miệng: “Đây, tiền đây!” rồi tiến đến gốc cột điện gần đó lượm những chiếc chai nhựa, lon bia lẫn trong đống rác.
Công việc hằng đêm của chị Anh.
Đôi lúc chị phải chịu mang tiếng là kẻ ăn cắp vặt. Có lần, chị Anh bới một bịch rác trước cửa một ngôi nhà sang trọng, bỗng nước ở đâu hắt vào mặt. Nguyên do của hành động tạt nước đó là đêm qua cái sọt rác bằng nhựa của chủ nhà bị mất.
Cứ vào nửa đêm, chiếc xe đạp cũ kỹ của chị Anh đã được chất đủ thứ. Theo chị tới một nơi thu mua đồng nát trên đường Lương Thế Vinh, tôi gặp nhiều người mang hàng đến bán.
Của nào tiền ấy, bìa các-tông 3.500 đồng/kg, giấy viết 11.000 đồng/kg, sắt vụn 9.000 đồng/kg, nhựa 7.000 đồng/kg… Trong số người đến đây có anh Dũng (50 tuổi, quê Thanh Hóa) làm nghề nhặt rác nuôi 4 người con đang tuổi ăn học.
Công việc chính của anh là phụ hồ nhưng tối đến lại làm nghề nhặt rác. Dừng vội chiếc xe đạp cọc cạch, anh mang những gì mình thu lượm được vào cân.
“Nhiều thế mà được có trăm ngàn”, anh Dũng tặc lưỡi. Tuy nhiên, không phải thứ gì lượm được cũng có thể bán ngay mà người nhặt còn phải mang về phân loại.
“Tôi ngày trước cũng là người đi bới rác, may điều kiện khấm khá hơn nên mở được chỗ thu mua này cũng đỡ vất vả hơn đôi chút. Là người trong nghề nên khi cân hàng tôi cũng cân tươi hơn để người lượm kiếm thêm chút tiền”, chị Trâm, một chủ thu mua ve chai nói.
Nói là chỗ thu mua ve chai cho oai, thực ra đó chỉ là một mái hiên của người quen cho chị Trâm mượn. Hằng đêm, chị Trâm ngồi ở đây đến 4 giờ sáng để mua hàng.
Lấy tiền xong, những người nhặt rác nhanh chóng tiếp tục công việc. Nhìn chị Mừng (quê Xuân Trường, Nam Định) cặm cụi bới trong thùng rác bốc mùi thum thủm với những con gián, chuột chạy vụt ra mà thương cảm.
Thùng rác này được ai đó nhặt trước rồi nên không thể lấy thêm gì nữa. Chị Mừng làm nghề nhặt rác đêm đã được 10 năm. Ngày chị làm giúp việc, tối đi nhặt rác.
Công việc rất vất vả và hại sức khỏe nhưng chị vẫn gắng gượng để kiếm cho bằng được 5-6 triệu đồng/tháng đảm bảo đủ trả tiền thuê nhà và gửi cho hai đứa con trai đang học đại học cùng con gái út học cấp 3 ở nhà. “Tôi sẽ làm đến khi cả ba con học xong đại học mới thôi”- chị Mừng nói.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành