Doanh nghiệp vận tải xin giảm phí bảo trì đường
Thứ năm, 22/03/2012 16:26

Trong khi liên ngành giao thông - tài chính đang gấp rút xây dựng mức phí bảo trì đường bộ thì sáng 22/3, nhiều doanh nghiệp vận tải phía Bắc đã nhóm họp, đề xuất giảm phí bảo trì đường bộ bằng 60% mức dự kiến.

Cuộc họp có sự tham dự của các doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận. Theo một số doanh nghiệp, từ 1/6 xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet phải đóng phí bảo trì đường bộ 1,44 triệu đồng một tháng là quá cao, khiến doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh khó khăn.

Ông Hoàng Quang Ngọc, đại diện Công ty Vận tải Hoàng Hà cho rằng, không phải xe container nào cũng làm việc suốt ngày, nhiều xe nằm trong xưởng mấy tháng mà cũng phải đóng phí. Nếu phải đóng phí cho hàng trăm xe từ tháng 6 tới, doanh nghiệp phải trả ngay cả tỷ đồng, chưa kể phí hạn chế phương tiện có thể được thực hiện trong thời gian tới.

"Nhà nước chưa thấu hiểu được gánh nặng của doanh nghiệp. Xe kinh doanh hoạt động phục vụ xã hội khác với xe cá nhân nên không thể cào bằng. Nhiều loại phí đổ lên đầu doanh nghiệp thì không khác gì bóp chết, chúng tôi không thể nuôi công nhân, nộp thuế nhà nước", ông Ngọc bày tỏ.

Còn theo ông Việt Anh, Chủ nhiệm HTX vận tải Bắc Nam, doanh nghiệp đã phải nộp phí xăng dầu, phí đường bộ, sắp tới là phí bảo trì, chưa kể nhiều loại chi phí bến bãi... Do đó, ngành giao thông nên gộp vào một loại và giảm phí bảo trì. Nếu thu phí thì nên gắn chip trên phương tiện để xe đi đến đâu thu đến đó.

Chủ ôtô đang phải đóng rất nhiều loại phí

Trong khi đó, Giám đốc Công ty CP Vận tải hành khách Thiên Trường (Nam Định) Đỗ Xuân Ngọc cho hay, cơ quan chức năng nên dời thời hạn thu phí bảo trì đường bộ cũng như thu phí hạn chế phương tiện cá nhân..

"Xe khách chạy trên tuyến cố định đang chịu rất nhiều loại phí, nếu tăng thêm thì sẽ gặp khó khăn. Trong khi xe dù phát triển mạnh, xe chạy trong bến phải chịu cạnh tranh rất khốc liệt, nhiều áp lực", ông Ngọc bày tỏ.

Không đồng tình trước việc taxi không được coi là phương tiện vận tải công cộng, phải chịu nhiều loại phí như xe cá nhân, Chủ nhiệm HTX taxi Nội Bài Trần Quốc Khải chia sẻ: "Ở nhiều nước, Chính phủ bù giá cho các đơn vị vận tải công cộng, một số nước châu Âu bù giá 40% cho doanh nghiệp taxi mua sắm phương tiện. Còn ở Việt Nam, taxi phải chịu phí trước bạ và rất nhiều loại phí như xe cá nhân".

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, hiệp hội sẽ có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng về việc lùi thời gian áp dụng thu phí bảo trì đường bộ đến 1/1/2013 và giảm phí bảo trì đường bộ bằng 60% mức dự kiến.

"Điện, xăng vừa mới tăng, nhiều doanh nghiệp cũng vừa đầu tư lắp thiết bị giám sát hành trình gần 7 triệu đồng mỗi đầu xe trước 1/7. Nếu phải đóng thêm phí bảo trì thì nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn", Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói.

Trao đổi với báo chí về những kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, trước khi ban hành Nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, Chính phủ đã lấy ý kiến nhiều ban ngành, các hiệp hội, nhiều cơ quan đồng thuận mới đưa ra thời điểm thực hiện từ 1/6/2012. Còn với kiến nghị mức phí của Hiệp hội thì thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và Bộ sẽ có văn bản trả lời.

Thông tư liên ngành Giao thông - Tài chính về mức phí bảo trì đường bộ sẽ ban hành vào tháng 4 để các chủ phương tiện bắt đầu nộp phí từ 1/6. Theo đề xuất của Bộ Giao thông, mức phí bảo trì đường bộ với ôtô là 180.000 - 1.440.000 đồng mỗi tháng tùy loại xe; môtô, xe máy 80.000 - 150.000 đồng mỗi năm.

VNE
Tag: Phí bảo trì đường bộ , Doanh nghiệp vận tải phía Bắc , Quỹ bảo trì đường bộ , Phương tiện giao thông