Khoảng 10h ngày 2/5, cháu Duy được một người phụ nữ mang trả lại chùa Bửu Trì sau hơn 10 ngày bị bắt cóc. Ngay lập tức sự việc được trình báo lên cơ quan chức năng.
Cháu bé bị bắt cóc |
Ngay lập tức sự việc được trình báo lên cơ quan chức năng. Sau khi khoanh vùng, xác định nghi can, chiều ngày 3/5, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.Cần Thơ đã tạm giữ Nguyễn Thị Cẩm Thúy (16 tuổi, ngụ xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) và Hồ Thanh Dương (17 tuổi, tạm trú phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) để điều tra, khởi tố về hành vi “chiếm đoạt trẻ em”.
Bịt mặt vào chùa bắt cóc trẻ con
Trước đó, vào 11h trưa ngày 21/4, một phụ nữ bịt mặt cùng một thanh niên tìm đến chùa Bửu Trì (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Trong lúc mọi người không để ý, người phụ nữ này “tiện tay” ẵm cháu Trịnh Hoàng Duy (hơn 3 tháng tuổi) ra khỏi chùa, leo lên xe thanh niên đi cùng đang chờ sẵn, rồ ga lao đi trước sự ngẩn ngơ của các vị sư trong chùa.
Sau hơn 10 ngày nuôi dưỡng cháu Duy tại một phòng trọ ở phường An Khánh, “vợ chồng” Thúy nhận thấy cháu uống sữa… quá nhiều, mình không đủ điều kiện chăm sóc. Bên cạnh đó, Thúy và Dương nghi ngờ đứa bé không phải là con của mình khi thấy cháu bé này đã biết lật, trong khi con trai của hai người mới chưa đầy một tháng tuổi. Biết công an đang ráo riết điều tra, không thể nào trốn thoát, và được sự vận động của người thân, ngày 2/5, hai đối tượng quyết định bế cháu bé trả lại cho chùa Bửu Trì.
Sự việc này có ngọn nguồn từ việc trước đó Thúy đã nhẫn tâm bỏ rơi đứa con mình vừa sinh ra, sau đó tình mẫu tử nổi lên, hai “vợ chồng” bàn kế hoạch bắt cóc lại đứa con của… chính mình.
Cặp đôi này sống chung như vợ chồng rồi mang thai trong thời gian Thúy phụ bán cà phê ở TP.Cần Thơ. Sợ gia đình biết chuyện, lại không có điều kiện nuôi con, ngày 1/4, sau khi sinh hạ được 1 cậu con trai nặng 2,8kg tại trạm y tế phường An Lạc (quận Ninh Kiều), cặp đôi bàn với nhau đưa con cho chùa Bửu Trì. Đứa bé còn chưa có tên tuổi vì chưa làm giấy khai sinh. Ba ngày sau, tình mẫu tử nổi lên, tâm trạng day dứt, hai người vào chùa xin lại con. Ni cô trong chùa cho biết cháu bé đã được người của một ngôi chùa ở huyện Cờ Đỏ xin về nuôi.
Do không tin lời các ni cô, trưa ngày 21/4, Thúy bịt khẩu trang đi vào chùa, tới chỗ các bé đang ngủ hỏi thăm lung tung rồi tìm bế cháu bé nhỏ nhất để nựng. Nhân lúc các ni cô không để ý, Thúy đã bế cháu bé chạy ra ngoài rồi leo lên xe của Dương đợi sẵn trước cổng bỏ trốn. Lý giải nguyên nhân bắt đứa bé này, Thúy cho biết vì đứa bé nhỏ nhất trong những đứa trẻ ở đây nên Thúy đinh ninh đây là con của mình. Do buổi trưa, đường vắng nên khi các ni cô tri hô, những người xung quanh không kịp ngăn cản.
Theo các ni cô tại chùa Bửu Trì, sau khi được đem trả lại, hiện nay tình trạng sức khỏe cháu Duy rất tốt, cháu khỏe mạnh, bụ bẫm và uống sữa nhiều hơn trước. Ni cô Diệu Định cho biết, sau khi vụ bắt cóc xảy ra, khoảng 10h trưa ngày 2/5, thấy một người phụ nữ bế một đứa bé đến chùa rồi đặt trong võng ở khu vực giữ trẻ. Lúc đầu các ni cô ở đây không nhận ra đây là đứa trẻ bị bắt cóc trước đó vì cậu bé lớn khá nhanh. Nhưng sau khi quan sát kỹ và chắc chắn đây là đứa bé bị bắt đi, ai cũng mừng rỡ. “Bây giờ cháu trở về là tốt rồi, còn lớn hơn trước, chúng tôi không đòi hỏi gì nữa”, vị ni cô nói.
Chùa Bửu Trì nằm cạnh đường Mậu Thân, TP Cần Thơ. Nơi đây được cho là đã xảy ra vụ bắt cóc trẻ em vào trưa 21/4. Ảnh: Quốc Triệu.
Trả lại đứa trẻ vì nuôi không nổi
Ngay khi phát hiện đứa bé được trả lại, các vị ni cô trong chùa gặng hỏi người phụ nữ nguyên cớ vì sao lại hành động như vậy. Thúy trả lời tỉnh bơ vì nuôi không nổi đứa bé. “Chỉ mới một tuần mà thằng nhỏ uống hết cả một hộp sữa lớn. Con với chồng làm không đủ tiền để nuôi nó. Sau khi đưa đứa bé về, con phát hiện đây không phải là con mình, nhưng vì thương nó quá nên con mới để lại. Sau này phần nuôi không nổi, phần thấy công an truy tìm ráo riết quá nên con mang trả lại”, người mẹ trả lời. Sau buổi trò chuyện này, các ni cô trong chùa đã trình báo lên trụ trì cùng Ban tôn giáo, chính quyền địa phương. Trong lúc không ai để ý, người mẹ trẻ này đã im lặng rời khỏi chùa, ít ngày sau thì bị bắt.
Biết tin về đứa con gái đầu lòng có con rồi lại dính đến vụ bắt cóc, bà Lê Thúy Hằng (mẹ của Thúy) tỏ ra khá bất ngờ. Bà cho biết: “Thúy là con gái đầu trong 4 anh chị em. Vì nhà nghèo, học hết lớp 5, nó phải ở nhà để bế em, phụ giúp gia đình. Sau này con bé lên quận Ninh Kiều ở nhà một người cô ruột phụ giúp việc nhà. Chuyện con gái quen Dương rồi sinh con, tôi không hề được biết.
Nó chẳng mấy khi về nhà hay hỏi thăm tình hình gia đình”. Thúy thừa nhận, sau một thời gian giúp việc cho người cô ruột, Thúy quen Dương rồi xin chuyển ra ngoài, sinh sống với nhau như vợ chồng.
Hoàn cảnh của đối tượng Hồ Thành Dương cũng không khá hơn. Ông Hồ Quốc Cường, cha của Dương cho biết, khoảng 1 năm gần đây thấy con trai thường dẫn một cô gái về rồi bảo là bạn làm chung. Thay vì hỏi han cặn kẽ, bậc cha mẹ này cũng có lỗi khi chỉ ậm ờ cho qua. Hằng ngày ông chạy xe ôm, người vợ thì phụ bán quán ăn. Công việc bấp bênh, nỗi lo cơm áo gạo tiền thường trực khiến họ chẳng mấy khi quan tâm đến con trai. Khi thấy cô gái bạn của con mang thai, rồi sinh nở, ông bà cũng không mấy quan tâm. Khi biết cháu nội của mình đã được con trai và “con dâu” đem cho, ông Cường cũng.. đồng tình vì cho rằng “chúng nó còn khó nuôi nổi thân mình, sao nuôi nổi người khác”.
Thúy, Dương phạm tội gì?
Chiều 3/5, Công an TP.Cần Thơ đã có quyết định tạm giữ hình sự đối với hai đối tượng Nguyễn Thị Cẩm Thúy và Hồ Thành Dương về hành vi chiếm đoạt trẻ em. Có người cho rằng vì Thúy và Dương chỉ định lấy lại đứa con của mình, nên họ không phạm tội?
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội giải thích, để trả lời thấu đáo câu hỏi này, trước tiên cần xét đến nguồn gốc của hành vi bỏ rơi con và cho người khác làm con nuôi. Việc cho và nhận con nuôi chỉ được pháp luật công nhận và bảo hộ khi đã thực hiện thủ tục đăng ký. Luật quy định: “Trường hợp trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo UBND cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em. UBND cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở UBND trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã xem xét, giải quyết. Hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng”. (Điểm b Khoản 2 Điều 15 Luật nuôi con nuôi).
Khoản 3 Điều 3 Luật nuôi con nuôi cũng quy định: “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký”. UBND cấp xã nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
Như vậy nếu đứa trẻ con của Thuý và Dương chưa làm thủ tục đăng ký cho và nhận con nuôi thì vẫn chưa phải là con nuôi. Khi đó, Thúy và Dương có quyền nhận lại đứa trẻ. Tuy nhiên, do không tìm hiểu, hỏi han thông tin một cách chính xác, cẩn trọng, Thúy và Dương đã trộm nhầm một đứa trẻ khác. Hành vi này đã có dấu hiệu phạm tội chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 Bộ luật Hình sự). Hành vi chiếm đoạt trẻ em được Khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2013/ TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP giải thích như sau: “Chiếm đoạt trẻ em là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó”. Như vậy, truy tố hai đối tượng về tội danh trên là chính xác.
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm thì phải làm sao để được lái xe tiếp tục?
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%
- Chân dung Tổng Giám đốc 8x đầu tiên của Google Việt Nam, là nữ tướng của loạt doanh nghiệp lớn