Đi vào thế giới người điên (Kỳ cuối): Khát khao vượt lên lời nguyền số phận
Thứ hai, 28/10/2013 10:38

Trong khoảng thời gian ở bệnh viện, tôi nhận ra hầu hết bệnh nhân lúc tỉnh táo đều biết rõ mình bị điên.

Những con người vượt lên số phận

Những con người vượt lên số phận

Đó là sự giằng xé ghê gớm mà nếu không có sự sẻ chia thấu hiểu, họ sẽ càng bị đẩy sâu vào bệnh tật. Bệnh viện tâm thần là nơi không quá khứ, không tương lai, vô định như chính số phận của người bệnh. Chỉ có một thứ có thể nhận diện rõ nhất, đó chính là tình người cao cả từng ngày thắp lửa niềm tin, giúp người điên vượt qua lời nguyền số phận.

Thắp lửa tình người

Những buổi trưa ở bệnh viện, giữa không gian im ắng gợi lên nhiều nghĩ ngợi mông lung,  tôi thèm thuốc lá không chịu được. Đi qua những khu điều trị, hàng trăm bệnh nhân vạ vật bên tường rào miệng lảm nhảm, gặp ai đi ngang cũng xin thuốc lá. Đi qua khu điều trị dành cho nữ, những bệnh nhân mắt trắng bệch, miệng thâm đen làm tôi ám ảnh. Một bệnh nhân nữ chừng mười mấy tuổi níu tôi lại ở hàng rào xin thuốc. Cô lôi trong túi ra 2 ngàn đồng vừa khóc vừa van nài: “Anh bán cho em một điếu, không em chết mất”. Không cầm lòng được, tôi lén rút trong túi cho cô một điếu. Cô rít lấy rít để từng khói thuốc đến mức phát lên ho sặc sụa. Cô gái quá trẻ và xinh đẹp. Mái tóc dài ngang lưng mượt mà, sống mũi cao và nụ cười rất hiền. Đôi môi thâm tím đặc trưng của người bệnh tâm thần và những câu nói vô hồn cho tôi biết cô thuộc dạng bệnh nặng. Khu bệnh nhân nữ và nam biệt lập nhau. Nhiều người trong bệnh viện cho tôi biết là để tránh những tình yêu... tai nạn. Vì người điên vẫn còn bản năng bên trong. Đặc biệt là những người bị điên do mất mát tình cảm, rất dễ phát sinh “tình yêu” với bệnh nhân khác giới. Mà khi người điên yêu, khó ai lường trước chuyện gì có thể xảy ra.

Có hai người đến thăm bệnh ở khu nữ. Một cô gái trẻ đi cùng với người dì. Người bệnh là mẹ cô. Cả hai bịt kín mặt như sợ người ta thấy. Họ đem vào một ca-gô canh giò hầm đu đủ còn bốc hơi. Mẹ cô nhận từ tay con chẳng nói chẳng rằng chui vào một góc. Mùi thơm khiến các bệnh nhân khác chú ý. Họ túm lại, chia nhau từng cục xương và đu đủ cầm trên tay, cùng nhau ăn ngon lành trước sự ngỡ ngàng pha lẫn khó chịu của hai dì cháu. Một lần thăm bệnh ngắn ngủi. Họ lấy lại chiếc ca-gô rồi rảo bước rời khỏi khu không nhìn lại, đi như bị ma đuổi.

Buổi trưa yên tĩnh ở bệnh viện, bóng hai người già lọ mọ với những giỏ xách đựng đầy trái cây, nước đá đến khu bệnh dành cho nữ khiến tôi tò mò. Thấy tôi đến, bà lão lấy trong giỏ xách ra một miếng bưởi, bảo: “Ăn đi con, mới vô hả?”. Nói rồi bà cùng ông cặm cụi xách giỏ đi phân phát cho từng người. Vừa phát bà vừa nói: “Mấy đứa cứ ở đây hoài. Không lo mà uống thuốc trị khỏi bệnh về nhà là bà không thương nữa”. Các bệnh nhân vây quanh bà gật gù ra chiều hiểu ý.

Tôi trao miếng bưởi cho một bệnh nhân khác rồi đến bên bà bắt chuyện. “Nhà dì ở không xa đây, dăm bữa lại vô thăm một khu vì bệnh nhân đông, thăm một lần không hết” - bà kể. Bà tên là Lê Thị Mỹ Vân 65 tuổi, ông đã 70, hai người làm buôn bán nhỏ ở chợ. Rãnh rỗi, ông bà cùng bà con chòm xóm quyên góp vào thăm. Bữa nào khấm khá bà nấu hẳn cháo gà mang vào, không thì có trái cây, nước đá. Trước bà có hai người cháu cũng bị bệnh ở viện này. Mẹ hai cháu đã đón về nuôi dưỡng ở Cát Lái (Q.2). Đường xa cách trở, thân có tuổi nên ông bà khó về thăm cháu nên vào đây thăm người bệnh cho đỡ nhớ cháu. “Vào đây an ủi tụi nó thân già cũng đỡ buồn. Tội nghiệp mấy đứa, đã lâm phải bệnh này thì đau khổ đến chết chú ơi” - bà nói rồi khẽ khàng quệt giọt nước mắt rưng rức trên đôi mắt thâm quầng, sâu hoắm. Hai ông bà tranh thủ thời gian thăm hỏi, dặn dò các bệnh nhân rồi rời bệnh viện trong cái nắng trưa đổ lửa. Tôi tiễn ông bà ra cổng rồi đứng tần ngần nhìn theo bóng hai người già dìu nhau xa dần, mất hút trên con đường bụi bặm.

Bệnh nhân cùng bác sĩ, y tá sinh hoạt ở khoa trị liệu của bệnh viện

Những “thiên thần trắng” cô đơn

Thấy tôi đến, hướng dẫn viên phục hồi chức năng Trần Kim Khang - khoa lao động trị liệu cùng người đồng nghiệp có vẻ hơi ngượng ngùng vì bữa trưa có phần đạm bạc của hai chị ngay trong khoa. Giờ bệnh nhân đi ngủ là lúc các y tá, bác sĩ ở đây được thảnh thơi nhất nhưng cũng đủ thời gian cho bữa ăn qua quýt và một phút nghỉ ngơi ngắn ngủi. Một ngày ở đây, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu lần bệnh nhân đến trò chuyện với người hướng dẫn viên này. Chị nói, đó là cách tốt nhất để người bệnh cởi bỏ được những ám ảnh tâm lý đè nặng. Chị lục lọi và đưa cho tôi xem từng bức thư, bức vẽ của các bệnh nhân, kể cả cái có bố cục lẫn những nét nghuệch ngoạc nhăng nhít. “Phải lưu giữ cẩn thận vì tất cả là tâm tư của người bệnh và cũng là hy vọng giúp họ hồi phục. Dù là hy vọng nhỏ nhất cũng đều quý giá” - chị chia sẻ. Khoa lao động trị liệu là cánh cửa gần nhất để bệnh nhân có hy vọng hồi phục, trở về rời bệnh viện có cuộc sống bình thường vẫn thường lui tới thăm chị. “Những lần như thế là một hạnh phúc vô bờ bến. Chỉ có những người gắn bó với nơi này mới hiểu được cảm giác đó em ạ” - chị tâm sự. Đó là những sức mạnh vô hình thôi thúc những người như chị quyết tâm gắn bó và cống hiến.

Ở bệnh viện, bác sĩ, y tá và bệnh nhân dùng chung nước trong bình, trò chuyện với nhau hàng ngày thành thân thiết. Sáng nay, điều dưỡng viên Khưu Thị Bạch Tuyết đi xuống phòng bệnh nhân để thăm bệnh. Đi theo chị, qua một sân rộng với những hàng cây nhỏ xen lẫn những chiếc ghế đá, lác đác có những người đi thơ thẩn, hoặc ngồi phơi nắng hay thậm chí nằm ngủ vô tư giữa những hành lang. Cô điều dưỡng lay khẽ một người đang nằm trên ghế đá: “Nè, vào trong kia ngủ đi, nằm ở đây nắng chết”. Người kia giật mình dụi mắt ngơ ngác nhìn nhưng khi nhận ra cô điều dưỡng thì cúi đầu chào. Ở trong kia, phòng sinh hoạt tấp nập người. Một số người xem tivi, một vài người đánh cờ, người thì dệt chiếu hoặc may vá. Chỗ khác một vài người nói chuyện một mình với đôi mắt vô thần. Chị Tuyết nói: “Ngó có vẻ yên ả vậy chứ khi lên cơn thì “mệt cầm canh” với họ. Mới đây, một điều dưỡng khoa nữ trong khi đang phát thuốc cho bệnh nhân bỗng nhận một cái tát như trời giáng vào người. Chưa kịp hoàn hồn chị lại nhận liên tiếp những cú đánh khác”.

Chị Thùy Trang, một điều dưỡng viên khác, từng bị nắm tóc, cào cấu đến rách da đầu phải đi khâu mấy mũi. “Không người nào làm ở đây thoát khỏi bị bệnh nhân đánh. Khi đi lại, mắt và tai phải hoạt động tối đa. Chỉ cần nghe tiếng chân thình thịch, gấp gáp là phải vội né ngay để không trúng đòn của bệnh nhân” - chị Tuyết kể. Đang nói chuyện hoặc đút cơm cho bệnh nhân, tự nhiên bệnh nhân lên cơn và nhận được cái tát hay cái ly vào đầu là chuyện thường. Không chỉ bị đánh, các nhân viên ở đây còn phải đối phó với hàng trăm tình huống dở khóc dở cười khác như bị bệnh nhân lừa không chịu uống thuốc. “Hôm nọ mình cho một bệnh nhân uống thuốc, uống xong người đó hắt miếng nước còn lại trong ca ra vườn. Ai dè một bệnh nhân khác đi ngang bị viên thuốc hất trúng la lên. Hóa ra người đó lén nhả viên thuốc vào trong ca rồi làm bộ như hắt nước thừa để hắt luôn cả thuốc. “30 năm nay, tụi mình chưa từng biết đến lễ hay liên hoan ngày thầy thuốc”, chị Tuyết nói pha chút chạnh lòng: “Chỉ có một năm ngành tổ chức đua thuyền, bọn mình có tham dự, sau đó về nhà tự nấu ăn với nhau”.

BS Huỳnh Thanh Hiển - trưởng khoa T3, đã 21 năm gắn bó với nghề - tâm sự: “Ngày bước chân về nhận việc, tôi tự nhủ làm đúng hai năm để được nhận bằng BS rồi sẽ rời khỏi bệnh viện ngay. Vậy mà làm vài năm dần dà quen việc, gần gũi với bệnh nhân và gắn bó với nghề đến tận giờ này”. Anh kể đã vài lần anh có cơ hội chọn lựa công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn nhiều lần ở đây... nhưng không hiểu sao anh vẫn không muốn rời khỏi nơi này. Các anh chị khác cũng cho biết: “Khó khăn thì nơi nào cũng có, nhưng so với các anh chị công tác ở vùng sâu, vùng xa thì mình còn đỡ hơn nhiều”. “Tôi không hiểu tại sao bác sĩ lại có thể làm việc được ở nơi này lâu như thế?” - một thân nhân bệnh nhân đã hỏi BS Hiển khi đến thăm con mình. Và BS Hiển đã hỏi lại: “Vậy ai sẽ chăm sóc con bác và những bệnh nhân khác nếu ai cũng muốn đi khỏi nơi này?”. Và bà đã khóc... Bác sĩ, giám đốc Bệnh viện nói với tôi đã làm việc ở đây coi như phải chấp nhận sự cô đơn, ngột ngạt. Chỉ có tình cảm thật sự với người bệnh mới giúp họ vượt qua muôn vàn khó khăn, thậm chí cay cực của nghề.

Tôi rời bệnh viện tâm thần Lê Minh Xuân vào một buổi chiều. Các bác sĩ và y tá thương mến hẹn ngày quay lại thăm bệnh viện. Một số người bệnh tôi quen biết cũng lưu luyến tiễn đưa. Với họ, tôi là người vừa hết bệnh được về nhà. Hàng trăm con mắt nhìn tôi, ngưỡng vọng và khao khát được như tôi, ra ngoài cánh cổng. Ngoài ấy là cuộc đời...

Kiến Giang

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Bệnh tâm thần , Nhà thương điên , TPHCM , Bệnh viện Tâm thần TP.HCM , Ảo giác