“Người giáo viên phải đứng trên vai trò của người mẹ, người thầy và người bạn để quan tâm và chia sẻ đối với các học sinh của mình".
Giáo viên phải đến với học trò với vai trò của một người mẹ, người thầy, và người bạn (Ảnh minh họa) |
Cô giáo phải “nhịn” học sinh
Cô Thanh (trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) người đã có hơn 30 kinh nghiệm giảng dạy và chủ nhiệm lớp, cho rằng việc giáo dục lại các em học sinh là một điều vô cùng khó khăn.
Đối với các học sinh đang trong giai đoạn giáo dục trở lại, chỉ cần lệch một chút kết quả đã khác rồi. Có nhiều em đang trên đà tiến bộ nhưng có thể một vài hôm sau, do có những biến đổi về tâm lý, do bạn bè xấu lôi kéo, rất có thể sẽ quay trở lại con đường cũ.
“Công tác giáo dục phải luôn kiên trì, nhẫn nại, không phải lúc nào cũng thành công. Vì vậy, đòi hỏi người giáo viên phải có tâm với nghề và phải tùy cơ ứng biến trong từng trường hợp cụ thể”.
Khác với những giáo viên chủ nhiệm khác, cô Thanh có quan niệm đặc biệt trong việc giáo dục học sinh “cá tính”. Cô không có thói quen tìm hiểu quá sâu về cuộc sống của gia đình các em học sinh. Thay vào đó, cô Thanh dành thời gian để trò chuyện để nắm bắt suy nghĩ và mong muốn của các em.
“Tôi không quá quan tâm vì sao các em lại hư hỗn như thế mà hãy coi các em này như một tờ giấy trắng để giáo dục lại từ đầu. Giáo viên hãy để tâm đến các em bằng việc giao tiếp và trao đổi” - Cô Thanh tâm niệm.
Để giải thích cụ thể hơn, cô Thanh cho biết với những học sinh nổi tiếng cá tính, bướng, không chịu nghe lời, cần phải tìm hiểu được trong sâu thẳm các em này đang sống vì điều gì.
“Chỉ dạy được các em này khi nhận ra được các em còn sống vì bố mẹ, vì những người thân yêu hay vì một lý do nào đó. Nếu học sinh bất cần, không quan tâm đến bất kỳ một điều gì thì việc giáo dục rất khó có thể thành công”.
Nói đến đây, cô Thanh lấy ra một ví dụ trước đây lớp học của cô từng có học sinh vô cùng ngỗ nghịch nhưng lại có tài năng võ thuật. Dù là một võ sinh đã có đai đen nhưng mỗi khi mắc lỗi, cậu học sinh này vẫn nằm nghiêm chỉnh để cho bố đánh. Biết học sinh này có nghĩa khí và còn sống vì người khác nên cô Thanh quyết định giúp đỡ em đó tiến bộ.
Trong một lần tiếp xúc với T.P, cô Thanh buột miệng nói như vô ý: “Người như em học võ tốt đấy”. Như được khơi “trúng mạch”, ánh mắt cậu học trò như sáng lên, rồi cậu thao thao kể về niềm đam mê võ thuật của mình.
Vì vậy, mỗi lần cậu học sinh “cá tính” này mắc lỗi, cô Thanh thường không mang các hình phạt ra để dọa học trò mà phân tích thêm về chữ “đạo” của một người học võ.
Câu chuyện ấy đã thực sự hấp dẫn và lôi cuốn cậu học sinh này khiến cho cậu dần dần đã thay đổi chính con người của mình. Vì vậy, năm lớp 10, T.P còn là một học sinh hư hỗn, nhưng sang tới lớp 11 em đã ngoan lên rất nhiều. Đặc biệt khi đến lớp 12, cậu học sinh này đã thay đổi hoàn toàn trở thành một học sinh ngoan ngoãn và có suy nghĩ tích cực.
Đối với những học sinh có “cá tính” đặc biệt, trong từng trường hợp người giáo viên phải có cách ứng xử khác nhau tuy nhiên bao giờ cũng cần phải “nhịn” học trò trong chừng mực có thể.
“Để học trò có thể nhận ra lỗi ngay lập tức là điều rất khó, vì vậy giáo viên đôi khi cũng phải “nhịn” đi một chút. Không phải các em cứ mắc lỗi là lại gọi ra để mắng. Có thể để đến ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa hoặc khi các em có một vài lỗi sai giáo viên mới nên gọi ra để trò chuyện và nhắc nhở” - Cô Thanh chia sẻ kinh nghiệm.
Để giáo dục các em học sinh cá biệt, nhiều khi giáo viên phải ngồi trò chuyện với các em ngay tại các quán nước vỉa hè (Ảnh minh họa)
Học sinh thay đổi khi nể phục cô giáo
Chia sẻ về phương pháp giáo dục các học sinh “cá tính”, TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Đối với những học sinh này, chúng ta không nên miệt thị và khinh rẻ mà cần tôn trọng các em. Ở đây, chúng tôi coi các em là những học sinh có nhiều “cá tính” chứ không gọi các em là học sinh hư, học sinh cá biệt”.
Vì vậy, mỗi người thầy phải là một “nghệ sĩ" với nghệ thuật làm thầy. Nghệ thuật ấy được thể hiện và thăng hoa trong từng lớp học, từng tiết học và với những học sinh cụ thể.
Cũng có cùng suy nghĩ này, cô Thanh cho rằng ở ngôi trường đặc biệt này, nghệ thuật ở đây chính là “sự chờ đợi”. Cô giải thích rằng, nghệ thuật chính là ở thời điểm nào thì nên nói điều gì và làm cái gì. Đối với mỗi trường hợp khác nhau, thầy cô giáo sẽ có những thời điểm để giáo dục học sinh của riêng mình.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả mà hầu hết các giáo viên đều đồng ý đó chính là sự gần gũi, quan tâm và chia sẻ với những học trò ngỗ nghịch của mình. Đa phần các em học sinh ngỗ nghịch thường thiếu đi tình yêu thương và sự quan tâm chia sẻ của chính gia đình mình.
Cô Hạnh Giang (giáo viên chủ nhiệm tại trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng) cho rằng muốn học sinh thay đổi thì giáo viên phải khiến cho các em nể phục.
Ở đây, các thầy cô giáo không chỉ giảng dạy về đạo lý “sách vở” mà phải thông qua những hành động và việc làm cụ thể mới có thể thay đổi được những suy nghĩ tiêu cực đang tồn tại trong đầu các em.
Ví dụ như trường hợp cô giáo Hoàng Liên Minh, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn thiết tha kéo học sinh của mình trở về với đời thường bằng cách thường xuyên ngồi trò chuyện với học sinh ngay quán nước vỉa hè, nơi các em thường hay tụ tập.
Không gian sư phạm giờ đây không chỉ là lớp học khi cô truy vấn trò mà có thể là mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.
Hay như trường hợp cô Hạnh Giang đã giúp cho cậu quý tử nhà giàu hiểu ra giá trị của đồng tiền thông qua suất cơm trưa là bánh mỳ mốc của một bạn học sinh nghèo trong lớp. Cô Giang đã tạo điều kiện để tự quý tử quan sát, cảm nhận và rút ra những bài học cho riêng mình.
“Các em học sinh bây giờ thông minh lắm. Các em cũng đã lớn rồi nên có thể tự nhận ra giáo viên nào tôn trọng và dành tình cảm cho mình. Người giáo viên phải đứng trên vai trò của người mẹ, người thầy và người bạn để quan tâm và chia sẻ đối với học sinh của mình. Khi các em cảm thấy nể phục giáo viên thì các em sẽ thay đổi” - Cô Hạnh Giang kết luận.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?