Sinh được 8 người con, chồng mất cách đây gần 30 năm, người mẹ này bị các con “nuôi nhốt” trong căn nhà tồi tàn suốt 3 năm qua.
Bà cụ rơi vào hoàn cảnh “nuôi nhốt” cách đây 3 năm |
Người mẹ tội nghiệp ấy tên Nguyễn Thị Má (82 tuổi) ở thôn Vĩnh Xuân, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa (Phú Yên).
Nhận được phản ảnh của một số người dân về câu chuyện đau lòng trên, chúng tôi tìm đến nhà cụ. Căn nhà nơi cụ Má ở nằm trơ trọi bên con đường dẫn ra bờ sông Bánh Lái, phía trước có cái chuồng bò nằm án ngữ, cũng không đến nỗi khó tìm vì sự việc bà cụ bị nhốt trong nhà suốt mấy năm là chuyện ai cũng biết ở thôn Vĩnh Xuân này.
Nghe có tiếng người ngoài ngõ, bà cụ bước ra đứng tựa rào chắn trước hiên, dõi mắt nhìn về phía chúng tôi:
- Đi đâu đấy?
- Nhà bà có gì bán không, bọn tui đi tìm mua đồ cổ?- Chúng tôi vào vai người mua đồ cổ để tiện trong việc tiếp cận bà cụ.
- Không có, chỉ có quần áo cũ.
- Bà ở với ai?
- Một mình chớ mấy...
Dăm câu thoại đủ cho thấy bà cụ vẫn còn khả năng giao tiếp, dù người ta cho chúng tôi biết rằng bà đã lẫn trí. Trên gương mặt nhem nhuốt, khô tóp của bà, người đối diện không cần tinh tế vẫn nhận ra ánh nhìn cô đơn, vô vọng ẩn đằng sau đôi mắt kèm nhèm, chằng chịt vết thời gian.
Cuộc chuyện trò của chúng tôi với bà cụ chốc chốc lại cắt ngang bởi lũ trẻ hàng xóm thấy có người lạ túa tới ngó nghiêng, tò mò. “Đứa nào mặc áo đỏ vậy bay?”, bà cụ hỏi một đứa bé đang chạy tới, nhưng nó không thèm trả lời.
“Bà nội cháu đấy, bà lẫn rồi, phải nhốt bà chứ không bà đi lung tung”, một đứa bé trong nhóm cho chúng tôi biết.
Căn nhà có diện tích độ chừng 18m2, mái lợp tôn xi măng thấp tè, chỉ hơn tầm tay với một chút, được rào dậu khá cẩn thận bằng lưới B40 và khóa kín bưng.
Bên trong ngôi nhà, ngày cũng như đêm, ngột ngạt; một bóng điện trái ớt (chắc không ai buồn tắt nó) trên vách, một chiếc giường ọp ẹp chỉ trơ vài thanh vạt không đủ bà đặt trọn tấm lưng và sát vách có một cái bàn nhỏ cũ kỹ.
Khi được hỏi về chuyện bà cụ bị con nhốt trong nhà, ông Trương Trọng Danh - Trưởng thôn Vĩnh Xuân thừa nhận sự việc là có thật. “Do hoàn cảnh kinh tế của những người con của cụ đều khó khăn, phải bươn chải lo cho cuộc sống, dẫn đến việc chăm sóc mẹ già không đến nơi đến chốn, không trọn đạo làm con”, ông Danh nói.
Theo lời ông Danh, bà cụ sinh được 11 người con, nhưng chỉ còn lại 8 người, trong đó 3 người con trai đều lấy vợ xây nhà ở gần, 3 người con gái lấy chồng ở làng bên. Người con cả của cụ nay đã ngoài lục tuần, sinh sống ở TP HCM.
Cụ Má rơi vào hoàn cảnh như vậy đã 3 năm qua, từ khi bà có dấu hiệu lẫn trí, một căn bệnh thường thấy của người già. Hiện nay người con trai út và người cháu đích tôn ở gần cạnh được giao trách nhiệm chăm sóc bà. Tuy nhiên, ông Danh cũng thừa nhận để bà cụ sống trong điều kiện như vậy chính quyền thôn cũng có thiếu sót.
Chiếc giường bà cụ nằm
Theo chân ông Danh đến nhà ông Võ Tấn Ứng (44 tuổi), con trai út của cụ Má. Nhà ông Ứng ở phía sau nhà bà cụ, chỉ cách vài chục bước chân. Tiếp chúng tôi, ông Ứng không có vẻ gì tỏ ra ngại ngần khi nói về điều kiện ăn ở của mẹ, thậm chí còn cho rằng bà cụ được chăm sóc tốt hơn trước.
Trả lời câu hỏi của ông trưởng thôn: “Sao mấy ông để cụ nằm trên cái giường tồi tàn như vậy?” Ông Ứng cho biết: “Đem chiếu, mền vào đều bị bà xé rách hết. Bà lẫn lắm, ít khi thấy bà ngủ. Thậm chí trời sáng trăng mà bà cứ tưởng là ban ngày”.
Cũng theo lời người con út của cụ Má, trước đây bà cụ ở nhà người cháu đích tôn, Võ Tấn Hùng (41 tuổi), có nhà cũng ở kế bên. Từ khi bà lẫn, mấy anh em của ông góp 2,5 triệu đồng để xây căn nhà cho bà nhà ở. Hiện ông Ứng và ông Hùng, mỗi người thay phiên nhau “chăm sóc” cụ trong 10 ngày với nhiệm vụ chính là mang cơm cho bà khi tới bữa.
Tìm đến những người hàng xóm của bà cụ, chúng tôi nhận được những lời phản ánh đầy bức xúc: “Thấy bà như vậy, chúng tôi cũng xót xa. Sinh 8 người con, rồi một thân góa bụa nuôi con khôn lớn, dựng vợ, gả chồng để rồi cuối đời lại phải chịu cảnh sống tồi tệ, thật đáng thương"!
Bà T.V, một người hàng xóm của bà cụ cho rằng, nếu cụ Má được quan tâm, chăm sóc thì tình hình sức khỏe, trí óc của cụ có thể sẽ được cải thiện tốt hơn. Cũng theo người hàng xóm, có những đêm khuya họ nghe bà cụ thống thiết gọi tên từng người con, ai nấy đều xót xa.
Ông Danh cho biết, mới đây giữa người cháu đích tôn và người con trai út của cụ Má xảy ra mâu thuẫn vì tranh chấp quyền thừa kế tài sản, chính quyền xã phải cử lực lượng đến lập biên bản giải quyết. Nguyên nhân là phần diện tích đất còn trống nơi căn nhà cụ đang ở vốn dĩ những người con của cụ đã thống nhất chuyển quyền sở hữu cho người con út để có trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ.
Thế nhưng, người cháu đích tôn mặc dù đã được thừa kế một lô đất từ bà nội (hiện đã xây nhà ở) vẫn tự ý xây chuồng bò trên phần đất đã giao quyền sở hữu cho chú út là ông Ứng. Sự việc đã dẫn đến mâu thuẫn và giữa hai chú cháu có những hành động không hay với nhau, khiến thời gian gần đây việc chăm sóc cụ Má bị đùn đẩy.
Tình trạng con cái khi đã trưởng thành bỏ mặc cha mẹ sống thiếu sự quan tâm chăm sóc, hoặc phó thác cho xã hội, thậm chí ngược đãi, bạo hành là chuyện không hiếm ở thời nay. Tuy nhiên, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương không thể bàng quan trước những biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức và trái ngược với đạo lý xảy ra trong cộng đồng dân cư.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?