Đặt tên "bệnh lạ" ở Quảng Ngãi
Thứ bảy, 21/04/2012 08:11

Bộ Y tế sẽ mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Phòng chống - Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tham gia nghiên cứu xác định nguyên nhân căn bệnh này.

Ngày 20/4 hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế gồm các chuyên gia da liễu hàng đầu Việt Nam đã tham gia cuộc họp khẩn tìm nguyên nhân căn “bệnh lạ” đang gây hoang mang và lo ngại cho nhiều người dân ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi)

Tìm phác đồ điều trị mới

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, tại cuộc họp, các chuyên gia đã thống nhất sửa đổi phác đồ điều trị, trong đó phân tuyến điều trị rõ ràng hơn với căn bệnh này. Ông Nguyễn Thanh Long cho biết phác đồ điều trị mới cập nhật những phương pháp điều trị tốt hơn để hạn chế tỉ lệ bệnh nhân tử vong, dự kiến sẽ được thông qua và ban hành trong tuần tới.

Với tên gọi của “bệnh lạ”, hội đồng cũng thống nhất gọi là “hội chứng viêm dày sừng da bàn tay, bàn chân” thay tên gọi cũ là “bệnh viêm lòng bàn tay, bàn chân và có rối loạn chức năng gan”. Cũng theo ông Long, đến thời điểm này vẫn chưa tìm được căn nguyên gây nên hội chứng này, tuy nhiên, đây được xác định là vấn đề bức thiết của ngành y tế. Do vậy, Bộ Y tế sẽ mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và CDC tham gia nghiên cứu xác định nguyên nhân căn bệnh này.

Một bệnh nhân mắc “bệnh lạ” đang điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa. (Ảnh: HỒNG ÁNH)

Đánh giá về mức độ trầm trọng của căn bệnh này, PGS-TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, thành viên đoàn khảo sát bệnh, cho rằng so với năm ngoái, tình trạng bệnh có sự thay đổi. Biểu hiện của bệnh vẫn là viêm lòng bàn tay, bàn chân và có rối loạn chức năng gan. Bệnh nhân đều chung triệu chứng dày sừng, nứt nẻ ở bàn tay và bàn chân.

Điều đáng lưu ý là, với những bệnh nhân này đều có chỉ số men gan tăng, có bệnh nhân tăng 4-5 lần, nhưng cũng có bệnh nhân tăng tới 10-20 lần mức bình thường. Cũng theo TS Khang, trong chuyến khảo sát đánh giá tình hình bệnh mới nhất đoàn công tác đã lấy các mẫu bệnh phẩm như mẫu da, máu, móng tay, móng chân, đất, nước, bệnh phẩm, trái cây tại đây mang ra Hà Nội xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm mới có thể kết luận nguyên nhân gây bệnh.

Sẽ phân lập tuyến điều trị

Vấn đề đặt ra là vì sao hầu hết bệnh nhân ra tuyến Trung ương đều trị bệnh lạ thì qua khỏi, trong khi ở tuyến dưới thì số tử vong tăng cao? Ông Khang khẳng định với phác đồ được Bộ Y tế ban hành từ tháng 1/2012 đã được các cơ sở y tế triển khai điều trị tích cực đối với những bệnh nhân có hội chứng này. Tuy nhiên, việc tử vong phụ thuộc vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ và cơ địa, giai đoạn bệnh của bệnh nhân. Những bệnh nhân tử vong ngoài các tổn thương trên da còn có suy đa phủ tạng, rối loạn chức năng gan.

Dựa theo phân tích chuyên môn, ông Khang cho biết thêm, với những trường hợp nhẹ chỉ cần bôi mỡ bong da, bong vẩy là khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, những bệnh nhân có men gan tăng cao thì thường có triệu chứng suy dinh dưỡng, suy kiệt hệ miễn dịch, nhiễm trùng, có ký sinh trùng kèm theo hoặc mắc các bệnh khác, suy gan dẫn đến suy đa phủ tạng, gây tử vong.

Ông Khang cũng cho biết việc điều chỉnh phác đồ điều trị tới đây không với mục đích thay đổi phương pháp chữa bệnh mà chỉ là phân nhóm điều trị rõ ràng đối với các trường hợp bệnh. Trước đây với những ca bệnh nặng đều được chuyển vào Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa, TP. Quy Nhơn (Bình Định) để điều trị.

Tuy nhiên, với quãng đường hơn 200 km cộng thêm tình trạng quá tải bệnh nhân có thể khó khăn trong việc chữa trị bệnh. Chính vì thế phác đồ chỉnh sửa sẽ phân tuyến rõ ràng mức độ bệnh, với các ca bệnh nhẹ sẽ được điều trị ở tuyến cơ sở còn những bệnh nhân nặng sẽ được chuyển tới các khoa hồi sức của bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung ương điều trị tích cực.

NLĐ
Tag: Bệnh lạ , Quảng Ngãi , Bệnh viêm da , Y học , Tử vong