Những ngày qua, người dân vùng hạ lưu công trình thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) hết sức hoang mang khi tận mắt nhìn thấy vết nứt đang rò rỉ nước tại bờ đập chính của hồ chứa có dung tích lên đến 730 triệu m3 nước.
|
Những ngày qua, người dân vùng hạ lưu công trình thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) rất lo ngại khi tận mắt chứng kiến những vết nứt và rò rỉ nước tại bờ đập chính hồ chứa nước (dung tích 730 triệu m3) của thủy điện Sông Tranh 2.
Bờ đập chính thủy điện Sông Tranh 2 là một khối bêtông liên hoàn khổng lồ kéo dài, rất dày và rộng, kết cấu gồm năm cửa xả tràn ở giữa cùng thân bờ đập hai bên và được thi công theo công nghệ “bêtông đầm lăn” hiện đại. Phần thân đập phía phải có một số mảng bêtông ở nửa thân dưới hướng về đáy có hiện tượng thấm nước, phần thân đập phía trái có đến bốn điểm nứt và rò rỉ nước chảy xối xả. Trong đó có một vết nứt khá lớn, khiến nước từ trên cao thấm xuống, chảy tuôn như khe suối.
Cận cảnh vết nứt thân đập khiến nước tuôn thành dòng - Ảnh: Tuổi trẻ
Sáng 17-3, tại điểm nứt này có hai công nhân xử lý bằng cách một người ngăn nước chảy từ trên cao xuống, người còn lại dùng khoan máy khoan vào những rãnh bêtông bị nứt, khoét thành những lỗ tròn hoặc rãnh dài rồi dùng vải bạt, túi nilông nhét vào, ngăn không cho nước rò rỉ ra ngoài.
Trong tâm trạng lo lắng, ông Hào (thị trấn Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My) nói: “Từ lúc nghe mọi người nói phát hiện những vết nứt ở chân đập chính của thủy điện Sông Tranh 2, rồi nước rò rỉ ra ngày càng nhiều khiến bà con ở thị trấn bên dưới chân đập này rất lo sợ. Chúng tôi ở dưới, còn bên trên hồ chứa túi nước khổng lồ treo trên đầu. Nghĩ đến vậy là không sao ngủ được, nhỡ xảy ra chuyện gì chạy không kịp”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, người bán quán cho công nhân xây thủy điện cạnh đập thủy điện, cũng nói: “Tin đập bị rạn nứt đang lan truyền khắp làng khiến chúng tôi hoang mang. Mấy hôm nay lại thấy đất có vài cơn rung lắc nhỏ làm chúng tôi hoang mang hơn”.
Theo ông Vũ Đức Toàn - phó giám đốc Ban quản lý thủy điện 3 (thuộcTập đoàn Điện lực VN, đơn vị chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh 2), những vết nứt trên đều ở vị trí những khe nhiệt của khối bêtông bờ đập, hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt là hoàn toàn cho phép và nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên trước đó, tại khu vực Bắc Trà My đã liên tục xảy ra bốn trận động đất kích thích, nguyên nhân được xác định do tích nước lòng hồ.
Còn ông Nguyễn Kim Sơn - phó bí thư thường trực Huyện ủy Bắc Trà My - khẳng định hiện tượng nứt, rò rỉ nước tại bờ đập Sông Tranh 2 là có thật, ông đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế và tỏ ra rất lo lắng. “Bờ đập được xây dựng kiên cố nhưng lại xảy ra tình trạng rò rỉ nước là chuyện không bình thường. Tôi đã liên lạc bằng điện thoại với lãnh đạo Ban quản lý thủy điện 3 đề nghị giải thích và có văn bản trả lời chính thức để dân biết và đích thân ông Toàn (ông Vũ Đức Toàn) cho rằng sẽ kiểm tra lại và có phản hồi chính thức trong những ngày tới” - ông Sơn nói.
Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, được xây dựng từ tháng 3-2006 gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW) và đến cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Riêng bờ đập chính của hồ chứa nước được xây dựng nằm sát tuyến tỉnh lộ 616 và chỉ cách TP Tam Kỳ 55km. Ngày 15-3-2007, đơn vị tổng thầu là Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 đã chặn dòng tiến hành thi công phần thân đập. Hiện dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 thuộc vào loại lớn nhất miền Trung với sức chứa khoảng 730 triệu m3 nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100m.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?