Võ Nguyên Giáp (sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911) là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Võ Nguyên Giáp (sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911) là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông chỉ huy chính trong chiến tranh Đông Dương (1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975). Ông tham gia vào nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh Hồ Chí Minh trong suốt cuộc chiến và lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Ông từng là một giáo viên dạy sử, nhà báo và từng giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thời niên thiếu
Võ Nguyên Giáp sinh ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân).[2] Võ Quang Nghiêm là một nho sinh thi cử bất thành về làm hương sư và thầy thuốc Đông y, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông bị Pháp bắt, đưa về giam ở Huế và mất trong tù.
Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào). Hai năm sau, ông bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924 ở miền Trung Việt Nam. Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.
Thời thanh niên
Đầu tháng 10 năm 1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng,…
Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ. Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư.
Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng.
Tháng 5 năm 1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường.
Bắt đầu sự nghiệp quân sự
Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong năm này và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Võ Nguyên Giáp trở thành uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ.
Trong Chính phủ Liên hiệp, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7 năm 1947 và từ tháng 7 năm 1948 trở đi).
Cũng trong năm 1946, ông kết hôn với bà Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).
Kháng chiến chống Pháp
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ.
Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân Đội Quốc gia Việt Nam khi 37 tuổi. Sau này, trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Hồ Chí Minh đã nói: “người nào đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng”. Cùng đợt thụ phong có Nguyễn Bình được phong Trung tướng; Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Tháng 8 năm 1948, ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập.
Từ tháng 8 năm 1945 Võ Nguyên Giáp là một trong 5 ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành ủy viên Bộ Chính trị (thay thế Ban Thường vụ Trung ương) Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951.
Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh Nhân dân kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Trong 9 năm trường kỳ đánh Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu như: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Với chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội do Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân.
Năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn”. Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của Thế giới thứ ba, nơi có những người dân bị nô dịch đã xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân xây dựng nền độc lập của riêng mình.
Hình ảnh - sự kiện
Năm 1930, khi mới 19 tuổi, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt
và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế).
Ngày 22-12-1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.
Ngày 26-8-1945, Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh
lần đầu ở Hà Nội sau khi giành được chính quyền
Ngày 2/9/1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn một năm thành lập. Bí thư Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp tuyên đọc Nhật lệnh của Quân ủy hội.
Năm 1948, ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng và trở thành đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong ảnh, đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng vừa được giải phóng (1950).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng thân Souphanouvong bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào 1953, tạo bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước Việt Lào đi đến thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trung tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam quan sát Đại đội 6, Trung đoàn 233, Đoàn Cao xạ Đống Đa huấn luyện (Tết Mậu Thân 1968).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh miền Nam và Tư lệnh trưởng Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chiến dịch Đường 9 – Nam Lào tại một cánh rừng Trường Sơn năm 1971
Đại tướng duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân.
Trong chuyến kiểm tra vùng biển Quảng Ninh sau chiến dịch phá thủy lôi năm 1973, đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng biển, hải đảo của tổ quốc”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu bản đồ tuyến vận tải chiến lược của bộ đội Trường Sơn trên đường đi thăm đoàn 559 (tháng 3/1973).
Trong bức điện mật ngày 7/4/1975 gửi các đoàn quân đang tiến về Sài Gòn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “…Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”.
Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong ảnh, từ trái sang phải: đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu), thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quận ủy Trung ương), trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%