Nếu như không phải Nghệ An thì đâu là cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng nhất cho bóng đá Việt Nam hơn chục năm qua?
|
Những cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam trong vòng hơn chục năm qua đều là những người sinh ra ở Nghệ An. Từ Văn Quyến, Công Vinh - những người giành Quả bóng Vàng từ khi họ mới 19 tuổi cho tới Công Phượng, cầu thủ vừa mới là linh hồn của U23 Việt Nam đoạt vé vào vòng chung kết U23 châu Á.
Nói tới U23 Việt Nam thì cũng phải nói tới Quế Ngọc Hải, và Mạnh Hùng. Người đầu tiên là đội trưởng còn người thứ hai chơi rất đa năng, có thể đá hậu vệ cánh tới trung vệ rồi lại có kỹ năng sút phạt đủ để được chờ đợi sẽ là một trong những người sút phạt hay nhất của bóng đá Việt Nam.
Đội trưởng U23 Việt Nam (phải) Quế Ngọc Hải cùng trung vệ Bùi Tiến Dũng là những
gương mặt mới nổi của BĐVN, xuất thân từ vùng đất giàu truyền thống bóng
đá Nghệ An - Hà Tĩnh. Ảnh: Facebook nhân vật
Mà nhận chiếc băng đội trưởng từ ông Miura, Quế Ngọc Hải đã tiếp nối truyền thống là quân Sông Lam đã lên đá trung vệ thường mang chiếc băng đội trưởng. Đội trưởng của ĐTQG dưới thời HLV Phan Thanh Hùng là Minh Đức. Còn đội trưởng trước đó và qua nhiều đời HLV khác nhau là Huy Hoàng.
Ở trên kia cũng nhắc tới chuyện Quả bóng Vàng, danh hiệu cá nhân đáng kể nhất của bóng đá Việt Nam thìcùng với những cầu thủ ăn tập từ bóng đá TP.HCM, những người trưởng thành từ bóng đá Nghệ An nhiều lần được tôn vinh nhất với năm lần tất thảy. Riêng Công Vinh là ba lần, còn Văn Quyến và thủ môn Dương Hồng Sơn cùng một lần.
SLNA mùa vừa rồi chỉ về thứ 5 ở V-League 2014, nhưng những ai yêu bóng đá xứ Nghệ cũng có thể cổ vũ cho Bình Dương bởi ở đội bóng này có tới 4 cầu thủ quê xứ Nghệ là Âu Văn Hoàn, Đình Luật, Văn Bình và Trọng Hoàng - người cũng được trao cho chiếc băng đội trưởng dù ở đó còn có một biểu tượng cây nhà lá vườn là tiền đạo Anh Đức. Nay thì hội đồng hương xứ Nghệ ở Bình Dương còn có thêm Công Vinh.
5 cầu thủ này thực ra cũng chỉ là vài trong số hàng chục cầu thủ quê Nghệ An đang đầu quân ở các CLB khác nhau ở cả giải hạng Nhất lẫn V-League. Hay nói đúng hơn là đội bóng SLNA chính là số 1 trong những nơi xuất khẩu cầu thủ cho các địa phương khác.
Nuôi cả bóng đá Thủ đô, xuất đi cả nước
Có một thời mà cả bóng đá Thủ đô với Hoà Phát Hà Nội hay Hà Nội ACB đều được coi là sân sau của bóng đá xứ Nghệ. Có hơn 2/3 đội hình xuất phát của Hoà Phát ngay cả khi họ không được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Thành Vinh là cầu thủ xuất thân từ lò Sông Lam.
Lúc ấy đội bóng này có thủ môn Viết Nam, trung vệ Ngọc Tú, Hải Nam, Đức Lam, Công Mạnh, Văn Lưu, Văn Vinh… Nếu tính cả những cầu thủ Hà Tĩnh từng một thời là một nửa làm nên tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) thì phải đếm cả Thanh Trung và Ánh Cường.
HN.ACB thực hiện cuộc "Sông Lam hoá" nhẹ nhàng hơn nhưng cũng có Hải Nam, Đức Thịnh, Quốc Hiền, Lâm Tấn, thủ môn Đức Thắng. Họ dưới bàn tay của HLV Nguyễn Hồng Thanh trở thành bộ khung của đội bóng Thủ đô ở một số thời điểm dù linh hồn của đội bóng nhiều năm vẫn là cầu thủ quê Hà Tây, Thành Lương.
Rồi Hà Nội T&T cũng dựa vào quân lẫn tướng xứ Nghệ, từ HLV Hữu Thắng rồi tới Hồng Sơn, Cao Xuân Thắng, Hồng Tiến, Công Vinh… để trở thành một đội bóng có số má.
Nhưng nhắc tới ông Nguyễn Hồng Thanh lại phải coi ông như là người đầu tiên mở cánh cửa để bán các cầu thủ xứ Nghệ, biến nơi đây thành trung tâm xuất khẩu cầu thủ số 1 Việt Nam. Năm 2004, ông Thanh được cho là đứng sau quyết định bán tới 15 cầu thủ của đội bóng xứ Nghệ cho khắp các CLB ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, trong đó có thủ môn Thế Anh với giá 200 triệu đồng được coi là tương đối cao lúc ấy.
Bán tới 15 cầu thủ mà đội bóng này vẫn không suy sụp, trở thành một trong những đội bóng hiếm hoi chơi đủ 15 mùa V-League, trong khi những biểu tượng của BĐVN như Cảng Sài Gòn rồi Thể Công hay một đội bóng quốc doanh khá mạnh là Nam Định nếu không bị xoá sổ thì cũng chưa lấy lại được vị thế cũ.
Giờ đây không có một thống kê nào, nhưng sẽ không bất ngờ nếu các cầu thủ quê xứ Nghệ lại đứng vị trí số 1 trong bảng xếp hạng thống kê tỉnh nào có nhiều cầu thủ nhất.
Công Phượng (trái) khát khao thể hiện mình khi đối đầu đội bóng
quê hương cuối tuần này. Ảnh: Hà Lê
Sinh ra đã biết chơi bóng
Khi bầu Đức mở học viện JMG Arsenal, một trong những nơi ông cử các chuyên gia đến đầu tiên để tuyển quân chính là Nghệ An. Những người làm bóng đá Thể Công (sau này là Viettel) khi tuyển các gương mặt năng khiếu tiềm năng cũng phải vào trong Nghệ An để xem có lấy được ai đó hay không. Trong số các gương mặt trẻ đáng kể nhất dù không phải là người Nghệ An nhưng cũng là Hà Tĩnh chính là trung vệ Bùi Tiến Dũng.
HLV Nguyễn Thanh Hải, người của Thể Công, từng lý giải với người viết rằng nếu cứ ở Hà Nội thì sẽ không chấm được ai. Thế là phải đưa người xứ Nghệ. Nhưng không phải như ông Hải nói vì trẻ con Thủ đô ít trường hợp được bố mẹ cho đi ăn tập đá bóng nữa, trong khi đá bóng ở đâu đó, trong đó có nhiều vùng quê ở Nghệ An lại là cách thoát nghèo.
Không có một nghiên cứu cụ thể nào cả, nhưng có vẻ như là những đứa trẻ ở Nghệ An gần như đã biết chơi bóng ngay khi chúng vừa chào đời, và sân đấu mà chúng lớn lên có khi là những thửa ruộng khô.
Liệu có phải thế mà trong số hàng chục cầu thủ trẻ học khoá đầu của học viện HAGL thì Công Phượng được cho là xuất sắc nhất? Cuối tuần này Công Phượng cùng với các cầu thủ HAGL hành quân tới sân Vinh để đấu với SLNA.
Sẽ ít có sự tiếc nuối vì đã để tuột mất Công Phượng vào tay HAGL, mà đa phần phấn khởi. Thứ nhất là Công Phượng có môi trường tập luyện đỉnh cao để phát triển, còn nguyên nhân thứ hai là bóng đá xứ Nghệ vẫn luôn cứ là nơi sản sinh ra nhiều tài năng nhất. Họ trưởng thành nhanh tới mức nhiều cầu thủ chưa kịp "cầm sổ hưu" thì đã có tài năng trẻ vươn lên chiếm chỗ họ.
Số 1 về số lượng và cũng là số 1 về chất lượng, liệu đã có thể gọi xứ Nghệ là Brazil của Việt Nam?
Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%