Đến hôm nay, 4 ngày sau khi bị lũ ống cuốn trôi, thi thể cô giáo Nguyễn Thị Yến vẫn chưa được tìm thấy.
Con gái cô Yến ngây thơ, chưa cảm nhận được nỗi đau mất mẹ. |
Chúng tôi trở lại huyện Kbang (Gia Lai), một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng của đợt lũ vừa qua, tìm đến nhà của 2 cô giáo là Nguyễn Thị Yến (SN 1980) và Nguyễn Thị Hằng Nga (SN 1990), bị nước cuốn trôi vào sáng 15/11 trong lúc đến trường đi dạy. Hai ngôi nhà lâm vào cảnh bi thương khi con khóc mẹ, chồng khóc vợ, cha, mẹ già khóc con.
Khu vực 2 cô giáo bị lũ cuốn trôi.
Trước đó, khoảng 6h30 ngày 15/11, hai cô giáo cùng trú thị trấn Kbang (huyện Kbang, Gia Lai) vào trường ở xã Kông Lơng Khơng để dạy học. Khi đi đến ngầm nước thuộc thôn 10 (xã Đông, huyện Kbang) thì bất ngờ bị lũ ống ập về. Quá hoảng hốt, cô Yến (giáo viên trường tiều học Kông Lơng Khơng) dừng xe ngay giữa ngầm nước và kêu cô Nga cứu.
Thấy vậy, cô Nga dựng xe trên đường rồi chạy xuống kéo cô Yến, nhưng cả 2 đã bị lũ cuốn trôi. Dù người dân đi rẫy phát hiện kịp thời, quăng dây thừng để cứu song vì nước chảy quá xiết, dây thừng bị đứt nên cả 2 cô đã bị trôi đi. Khoảng 1 giờ sau, thi thể cô Nga được tìm thấy cách vị trí gặp nạn chừng 200m, còn cô Yến đến hôm nay (19/11) vẫn chưa tìm thấy xác.
Con trẻ khóc đòi mẹ
Ông Phạm Văn Thạch (bố chồng cô Yến) cho biết sau khi biết tin con dâu bị lũ cuốn, gia đình cùng chính quyền và bạn bè, đồng nghiệp không ngừng tìm kiếm nhưng vẫn chưa thấy thi thể.
“Sáng ngày 17/11, khi nghe tin một số người dân xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) gọi điện báo, gia đình cứ ngỡ họ phát hiện thi thể con dâu, song khi đến nơi chỉ thấy mỗi chiếc cặp sách của con bị mắc lại ở một bụi cây. Tôi nghiệp, nó là đứa dâu ngoan hiền, bằng mọi giá, chúng tôi phải tìm được xác con về an táng”, ông Thạch nghẹn ngào.
Anh Phạm Văn Sơn (chồng cô Yến) gạt nước mắt kể: “Vì trường cách nhà đến 8 km nên mới sáng sớm, sau khi cho 2 con nhỏ (cháu Phạm Nguyễn Yến Nhi - 7 tuổi và Phạm Nguyễn Xuân Mai - 5 tuổi) ăn sáng, vợ tôi mặc vội chiếc áo mưa rồi xách cặp đi dạy. Thấy mưa to, tôi khuyên ở nhà nhưng cô ấy vẫn cương quyết bám trường, bám lớp. Khoảng 1 giờ sau thì tôi nghe tin dữ”.
Đau đớn nhất là cảnh 2 đứa nhỏ cứ khóc đòi mẹ. Những câu hỏi ngây thơ nhưng xé lòng “trưa rồi sao mẹ chưa về?”, “sao hôm nay mẹ về trễ thế?” của 2 đứa nhỏ khiến ai nghe cũng quặn thắt.
Nước mắt lắn dài trên khuôn mặt nhăn nheo đầy vết chân chim, ông Thạch kể: “2 đứa nhỏ cứ khóc đòi mẹ suốt, chúng tôi phải đưa chúng về nhà ngoại ở thị trấn Kbang. Hôm 16/11, bé Nhi về, chạy thẳng vào phòng mẹ, thấy quần áo của mẹ được xếp gọn gàng cho vào bao nylon, cháu hỏi vì sao mà tôi không thể trả lời, đành nói dối là “trời mưa, đồ ướt nên mang đi giặt”. Nhưng cháu lại hỏi sao chỉ giặt đồ của mẹ mà không giặt đồ của bố và 2 chị em con khiến nước mắt tôi chảy dài. Tội nghiệp cháu”.
Còn anh Sơn thì cứ bần thần: “Từ khi cưới đến nay, 2 vợ chồng chưa đi chơi đâu cả. Mấy hôm trước, vợ tôi có nói là nhân ngày 20/11, cả gia đình sẽ lên TP.Pleiku một chuyến, thế mà…”.
Cha, mẹ già khóc con
Rời nhà cô Yến, chúng tôi tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Hằng Nga, nạn nhân thứ 2 của vụ lũ cuốn trôi. Nằm cuối cùng trong một con hẻm sâu hun hút của thị trấn Kbang, trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, tiếng khóc nấc, nghẹn ngào vang lên từng hồi, ray rứt. Cha cô Nga vội vàng khoác chiếc áo mưa mỏng, đội nón, hì hục dưới cơn mưa không ngớt để xây mộ cho con. Còn bà Nguyễn Thị Minh, mẹ cô Nga thì cứ ôm di ảnh của con khóc ngất.
Bà Minh nức nở: “Hôm xảy ra sự việc, thấy trời mưa to, Nga dặn tôi hôm nay trời mưa to lắm, khi nào trời tạnh thì mẹ hãy chở rau ra chợ bán. Lúc bị dòng nước lũ cuốn, Nga cố gọi điện thoại về cho tôi kêu cứu. Nó bảo “mẹ ơi ra kéo con với, mẹ ơi ra nhanh đi, nhanh đi mẹ nhá”. Nhưng tôi có làm gì được cho nó đâu”.
Một người hàng xóm cho biết: “Mấy bữa nay em gái cô Nga cứ lên cơn co giật vì bị tụt huyết áp, tụt canxi huyết sau khi hay tin chị gái mất. Còn người yêu Nga vật vã quỳ dưới bàn thờ khóc suốt. Sau 4 năm yêu nhau, cả 2 gia đình quyết định cuối năm này sẽ làm đám cưới cho đôi trẻ, vậy mà…”.
Di ảnh cô Nga.
Gia đình đau đớn trước sự ra đi đột ngột của cô Nga.
Nhà Nga rất nghèo, cô là con cả trong gia đình có 3 chị em (1 em gái đang học Cao đẳng nghề trong TP.HCM và em trai đang học lớp 8). Cha mẹ Nga làm nông với 5 sào đất trồng hoa màu. Năm 2012, Nga tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non tại Khánh Hòa, chưa xin được việc ở quê nên vào TP.HCM để dạy hợp đồng.
Đến ngày 1/10, Nga chính thức được nhận vào dạy hợp đồng tại trường mầm non Kông Lơng Khơng. Cô hứa với mẹ sẽ lo trả món nợ gần 60 triệu mà gia đình vay Ngân hàng Chính sách xã hội để lo cho 2 chị em ăn học. Nga cũng hứa với mẹ sẽ nuôi em gái học đến khi ra trường, tháng này lấy lương sẽ mua cho mẹ món quà. Nhưng cô giá trẻ chưa hoàn thành lời hứa thì phải ra đi mãi mãi.
Cô Hoàng Thị Quế - Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Kbang - cho biết: "Nếu biết trước có bão, chúng tôi sẽ báo cho trường để cho giáo viên nghỉ dạy. Hôm xảy ra vụ việc trời mưa mới to nên chúng tôi trở tay không kịp. Đây là điều rất đáng tiếc. Cô Yến năm nào cũng là giáo viên dạy giỏi, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Trước hôm xảy ra sự việc 1 ngày, cô tham gia và đạt danh hiệu trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi. Còn cô Nga là giáo viên mới về trường, gia cảnh rất khó khăn".
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?