Không mong được phụng dưỡng, chỉ mong có sức khỏe kiếm tiền nuôi và chữa bệnh cho con. Kiên cường sống, chiến đấu với số phận nghiệt ngã, cụ mưu sinh vì con.
Cụ Nguyễn Thị Yến |
Một nhà thơ Hi Lạp đã ví Hồ Gươm như chiếc lẵng hoa giữa lòng thành phố. Thật vậy, ai chưa đến Hồ Gươm cũng được coi như chưa đến Thủ đô. Và, ở bên bờ hồ, nơi có nhiều khách khắp nơi đến ấy, có một bà cụ già mù lòa, ngồi bên một cái mẹt bán nước, bán vài thứ lặt vặt, gom góp từng đồng tiền lẻ để nuôi thân, nuôi và chữa bệnh cho người con gái ốm đau ở nhà. Họa hoằn lắm, mới có vị khách đứng lại mua chai nước, hoặc cái kẹo, rồi vội vã đi ngay, ít ai chịu nói chuyện với cụ già mù lòa ấy, để rồi có khi ta giật mình rằng- trên đời lẽ nào lại có một thân phận bất hạnh đến thế. Tôi đồ rằng, ở Hà Nội này, có lẽ cụ là người bất hạnh nhất.
Cụ tên là Nguyễn Thị Yến, năm nay đã 91 tuổi. Đôi mắt đục mờ, chả còn thấy gì nữa, tóc trắng xoá, phất phơ… Ít tai biết, cụ có một thời xuân sắc đẹp như ai, và là người con gái Hà Nội “gốc”. Nhà có 2 chị em gái, ở ngõ Bảo Khánh (phường Hàng Trống, Hà Nội). Khi còn ít tuổi, thì mẹ chết, bố đi bước nữa, hai chị em phải ở với ông bà ngoại.
Thế rồi có chồng, với một gia đình nhỏ, với ba đứa con- hạnh phúc có lẽ cũng dung dị như vậy là đủ. Tuy nhiên, sự yên ấm, của cái gia đình ấy chả kéo dài được bao lăm, khi bất hạnh cứ lần lượt kéo đến. Đầu tiên, là khi người chồng- vốn làm thợ may- trụ cột kinh tế gia đình bị ngã bệnh qua đời, khi Hà Nội hồi ấy còn ầm oàng tiếng máy bay Mỹ. Thời bao cấp vốn đã khó khăn, là lao động tự do, cụ xoay vần bao nhiêu nghề, buôn thúng bán bưng để lo cho đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn. Nỗi buồn đau vì chồng chết chưa qua, thì người con trai lớn qua đời vì ung thư, người con dâu cũng sống dở chết dở vì bị bệnh tim. Một người con trai nữa, sau khi đi bộ đội chiến đấu ở biên giới phía Bắc được 7 năm, về làm công nhân. Cụ đã rất hi vọng rằng nó sẽ thay anh trai vừa mất cáng đáng công việc gia đình, nhưng một lần nữa cụ lại buồn đau khi nó bị tai nạn lao động, rồi mắc bệnh dại, điên điên khùng khùng, ở nhà một thời gian rồi nó đi lang thang ở đâu không rõ. Nó không về nữa.
Có lẽ, vì thương khóc chồng, khóc con trai, mà mắt cụ cứ kém dần, chả còn nhìn rõ đường nữa… Nhà thì neo người, anh em “kiến giả nhất phận”, nên không có ai đi tìm con, khéo nó chết đường chết chợ ở đâu đó. Cụ kể với tôi, những điều bất hạnh ấy, khi nước mắt cứ rịn ra… Chỉ còn lại một người con gái út, trước kia nó làm may- nhận hàng về may đo tại nhà. Thì thôi, hai mẹ con ở với nhau- no đói có nhau- thì cũng là một phần an ủi. Ai ngờ, người con ấy bị mắc bệnh teo cơ, rồi bệnh phong thấp… Người đang béo tốt như ai, cứ gày mòn, và bây giờ chỉ còn chừng hơn 20kg, sức yếu đến mức không đứng lên được, suốt ngày chỉ còn da bọc xương bò bò trên giường, ú ở những câu xa lạ. Cụ nói. Nó bị bệnh về xương, nên người nó đau đớn, kêu rên suốt. Tôi thương nó lắm. Mỗi tháng mất hơn một triệu mua thuốc cho nó, nhiều loại thuốc trong đó có thuốc giảm đau. Nếu không có thuốc, nó kêu rên suốt đêm ngày.
Ít tai biết, cụ có một thời xuân sắc đẹp như ai, và là người con gái Hà Nội “gốc”
Có căn nhà nhỏ bé tý, mẹ con chui ra chui vào, khi ông bà ngoại cho thì cụ cũng bán đi lấy tiền thuốc thang cho các con. Và, thế là, mang tiếng là người Hà Nội gốc, có hộ khẩu Hà Nội, mà hai mẹ con, một già 91 tuổi mù lòa, và người con gái bệnh tật đã 63 tuổi phải đi ở nhà thuê. Trước kia, hai mẹ con thuê ở một căn phòng nhỏ ở bãi Phúc Xá, ngoài đê, mấy lần nước lụt hai mẹ con đến khổ sở. Bây giờ, cụ Yến thuê một cái gian nhỏ, nguyên là cái bếp của gia đình người ta trong hẻm nhỏ ngõ Bảo Khánh- không xa ngôi nhà xưa cụ đã bán đi. Từ ngày mắt kém, và đến nay đã 20 năm, mắt cụ không còn nhìn thấy gì nữa. ‘Mắt cứ mở đó, nhưng có thấy gì đâu”. Cụ nói. Vì mắt kém, nên chỉ ngồi một chỗ, và nghề mưu sinh từ gần 30 năm nay là bán hàng nước.
Trước kia, hai mẹ con thuê ở tên bãi Phúc Xá, cụ phải “hợp đồng” với một anh xe ôm quen, chở cụ và đồ nghề về đầu con ngõ Bảo Khánh, bán nước. Nay, cụ thuê nhà ngay tại ngõ Bảo Khánh cho gần, đỡ tiền xe ôm. Hàng ngày, đều đặn, 6 giờ sáng, người xe ôm vào chở cụ và đồ nghề ra đầu ngõ bán hàng đến tận 11 giờ đêm, lại chở cụ về nhà. Rét mướt mùa đông, hay nắng chói chang mùa hè, dù có mưa giông bất ngờ, thì cụ trùm cái áo mưa lên người, ngồi yên tại chỗ- chứ cụ có nhìn thấy gì đâu mà chạy tránh mưa! Người xe ôm, đã “hợp đồng” với cụ hai lần chở đi và chở về lúc 6 giờ và lúc 11 giờ rồi, cụ trả 20 ngàn đồng/ngày. Không có ngoại lệ. Bữa trưa và bữa tối của cụ là một suất cơm hộp rẻ nhất (15 ngàn) của một hiệu cơm gần đó, như đã hợp đồng miệng mang cho. Người con bị bệnh tật, nằm trên giường không tự phục vụ được, cụ cũng đặt suất cơm hàng 15 ngàn, họ đem đến tận nhà cho. Chỉ đến 11 giờ đêm, khi đã khuya, người người ngoài đường đã vắng lắm, cụ mới về cái nhà nhỏ của mình, và chăm sóc đứa con dại bị bệnh, rồi 6 giờ sáng hôm sau lại đi làm. Guồng quay đều đặn như nhịp sinh học.
Trước kia cụ ngồi giữa hai cây cột điện và cây cột đèn đầu phố Bảo Khánh, con phố chuyên doanh cà phê, với restaurant sang trọng. Nhưng từ khi, người ta lát lại vìa hè, chỉnh trang đô thị, thì trật tự phường Hàng Trống, đuổi cụ đi- không cho cụ bán hàng ở đó nữa. Có câu, “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, có lẽ người ta không muốn hình ảnh nhếch nhác cụ cứ… ám mãi. Vậy là cụ chuyển sang phía bên kia đường, Hồ Gươm, cụ tựa lưng vào cái ghế đá- ngồi co ro. Co ro khi trời lạnh, co ro cả khi trời nóng. Có lẽ thương cảm trường hợp của cụ, nên đội trật tự bảo vệ hồ Hoàn Kiếm cũng không đuổi. "Nếu đuổi, tôi mù lòa thì không biết chạy đi đâu". Cụ nói.
Cụ chỉ mong có sức khỏe, tiếp tục không đau ốm gì để kiếm tiền chữa bệnh và chăm sóc con.
Tôi mua ủng hộ cụ hộp singgum, tôi đưa tờ tiền. Cụ xoa xoa đồng tiền, hỏi: “Tờ bao nhiêu?” Tôi nói, “50 ngàn”. Cụ móc trong túi ra một nắm tiền lẻ, bảo lấy lại tiền, chứ hộp kẹo chỉ 10 ngàn thôi. Vì mù lòa, nên “phong cách bán hàng” của cụ lạ quá. Tôi hỏi: “Người ta ăn gian thì làm thế nào?” Cụ cười móm mém: “Chả ai ăn gian của người nghèo khổ như tôi, người ta cho thêm thì có”. Cần mẫn nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ, nuôi thân, nuôi và chữa bệnh cho con gái, mỗi ngày cụ chỉ kiếm được hơn 100 ngàn. Nói về thu nhập, cụ cho biết: Tôi được trợ cấp 350 ngàn tuổi già, cái Bùi Thị Nga (con gái) được 350 ngàn bệnh tật và tàn tật. Trong khi phải chi, 1 triệu rưỡi tiền thuê nhà, hơn một triệu tiền thuốc cho con, rồi tiền ăn uống. Nhưng, ông trời còn thương, chỉ con gái bị bệnh chứ tôi thì từ lâu rồi chả bao giờ dùng thới viên thuốc. Thật vậy, cụ chả tốn kém gì cho riêng mình, có chăng chỉ tốn trầu. Ngồi buồn đợi khách, cụ giã trầu bằng cái cối nhỏ, và ăn trầu hết miếng này đến miếng khác- mặc dầu răng đã rụng hết.
Về mong ước của mình, cụ chỉ mong có sức khỏe, tiếp tục không đau ốm gì để kiếm tiền chữa bệnh và chăm sóc con. Cụ Yến cứ lo, mình mà chết đi, thì con gái nằm đó biết ai chăm nó. Thật lạ, già thì được con cái phụng dưỡng, đằng này cụ cứ mong khỏe để chăm con. Tình mẫu tử, ở cụ già mù lòa khốn khổ này thật như bể Đông.
Được hỏi về anh em, họ hàng của cụ đâu? Cụ nói: Bây giờ chỉ con các cháu, con đứa em gái thôi. Nó cũng khá giả lắm. Nhưng, cụ dẫn ra câu thơ “Nhà anh có một con bò/ Kẻ đón kẻ rước kẻ dò đằng sau”. Nhà tui không có “bò”, không có của nả gì, nghèo khó thế này thì ai quan tâm đến. Thì thôi “cò kiếm cò ăn, cóc kiếm cóc ăn”, ngồi đây kiếm cơm rơi lộc vãi của thiên hạ thôi.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%