Bao Công là nhân vật lịch sử của Trung Quốc, nổi tiếng về tài tra xét và xử án công minh. Để giúp bạn đọc tìm hiểu pháp luật xưa nay, hàng loạt bài Bao Công Kỳ Án ra đời.
Nhân vật Bao Công |
Vào đời nhà Tống, ở huyện Lâm Đĩnh, phủ Hứa Châu, tỉnh Hà Nam, bên Tàu, có một Tú tài, gia đình giàu có, chưa vợ, tên là Tra Di. Tuy đậu Tú tài nhưng sức học của Tra Di chỉ ở mức bình thường. Dân làng này chuộng việc học nên trường làng được xây cất rộng rãi, lại có cả chỗ cho học trò đến học có thể ngủ luôn lại đó. Tú Di cũng thường hay tới lui trường làng cùng chúng bạn đọc sách, làm bài tới khuya. Anh em bạn của Di đều đúng đắn, hiền lành, ngoại trừ một người tên Trịnh Chánh tỏ ra vô hạnh và có lắm thủ đoạn không xứng đáng với kẻ theo đòi chữ nghĩa thánh hiền.
Cô dâu cắc cớ đòi đối đáp
Làng bên có Trình Nương là một tiểu thư tuổi vừa mười sáu, nhan sắc mặn mà, tuy không đi học nhưng nhờ thông minh và lại được cha chú rèn luyện nên tài học xem ra còn hơn bọn Tra Di gấp bội. Nàng thường ao ước được một tấm chồng nếu không tài giỏi hơn, thì cũng phải đồng tài đồng sức. Năm ấy, cha mẹ Tú Di đánh tiếng hỏi Trình Nương cho con. Gia đình Trình Nương nhận lời, thế là ít lâu sau, lễ cưới được cử hành.
Đêm tân hôn, Tra Di vô phòng thay áo tính chuyện động phòng nhưng nàng Trình Nương cản lại, thỏ thẻ nói rằng:
"Chàng ơi! Chàng là người ăn học! Thiếp đây cũng chẳng phải là kẻ quê mùa dốt nát. Đôi ta xứng duyên vợ chồng. Nhưng chúng ta nên hành động khác kẻ phàm phu tục tử. Đêm nay, thiếp nghĩ ra một câu đối, chàng đối được thiếp xin trao thân, nếu không đối được xin chàng vui lòng gác chuyện động phòng, lo học thêm cho khá đã".
Tra Di tự tin mình có học nên mạnh dạn bảo vợ cứ ra câu đối, anh sẵn sàng đáp lại. Trình Nương đọc liền vế xuất (câu đối gồn có hai vế: vế xuất và vế đối) như sau: “Điểm đăng đăng các, các công thư” nghĩa là đốt đèn lên lầu cùng đọc sách. Cái hiểm hóc của câu đối này ở chỗ dùng hai chữ “đăng” và hai chữ “các” đồng âm dị nghĩa. Đăng vừa có nghĩa là đèn, vừa có nghĩa là lên (đăng bảng, đăng trình). Các vừa có nghĩa là cái gác (đài các) vừa có nghĩa là cùng.
Tra Di đứng lặng, suy nghĩ hồi lâu chẳng tìm ra vế đối. Mắc cở, chàng bèn rút lui ra khỏi phòng the, mặt đỏ như gấc chín. Đêm đã khuya rồi, chàng không biết tính sao, chẳng lẽ nằm ngoài nhà khách suốt đêm! Rủi người nhà bắt gặp thì ăn nói làm sao. Nàng đã đặt điều kiện rõ ràng: “nếu chưa đối được thì chưa động phòng”. Chàng chậm chạp đến ngồi trên chiếc ghế bành, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà. Một đôi mối trách rượt nhau trên xà nhà xuống đến bức vách, phía trên án thư, gần ngọn bạch lạp đang leo lét cháy. Con mối trách chạy sau kêu những tiếng nho nhỏ như âu yếm, như thiết tha… Chắc đấy là con đực. Mỗi lần con đực tới gần thì con cái lại vùng lên chạy. Dường như chán cuộc rượt bắt vô ích ấy, con đực quay đầu lại bỏ đi. Tra Di từ nãy không rời mắt cảnh tượng đó, đến đây bỗng đứng dậy, ngoái nhìn về phía phòng the rồi quả quyết đi thẳng ra phía cửa, nhẹ nhàng đẩy chốt hãm, hé cửa lách ra ngoài sân rồi băng mình vào đêm tối. Bên ngoài trời tối như mực, gió rét thổi từng cơn.
Tra Di đi đã khá lâu… Đến khi Trình Nương hay biết thì đã muộn rồi. Nàng hối hận vô cùng vì thực tình nàng chỉ muốn giỡn chơi nào ngờ Tra Di quá hổ thẹn mà bỏ ra đi. Trình Nương lại lâm vào cảnh đứng ngồi không yên Cuối cùng nàng tự an ủi rằng thế nào Tra Di cũng hiểu là nàng muốn đùa một chút thôi và như vậy chàng sẽ trở lại. Nghĩ vậy, nàng cứ để cửa khép như lúc chồng nàng ra đi rồi lui vô phòng tắt đèn lên giường nằm.
Sau khi ra khỏi nhà, Tra Di đi thẳng đến trường làng. Lúc này đã gần nửa đêm nhưng trong đám bạn học có vài người còn thức đọc sách. Thấy Tra Di đến trường giữa đêm tân hôn, họ ùa ra và bu quanh hỏi chuyện. Trịnh Chánh cũng ngồi cạnh Tra Di để nghe cho rõ. Tra Di thật thà kể rõ nguồn cơn và đọc câu đối của vợ cho chúng bạn nghe. Đám bạn học suy nghĩ lắm nhưng chung cuộc cũng chịu thua không tìm ra câu đối chuẩn.
Cô dâu tự tử vì lỡ trao thân cho người khác
Nghe Tra Di nói ngủ lại đêm nay tại trường, các bạn bông đùa thêm một lát rồi tất cả rủ nhau đi ngủ. Khi các cậu tú đều đã ngủ say, có một bóng đen từ phía giường học trò choài xuống đất và lén đi ra ngoài cổng. Bóng đen đi nhanh về phía nhà Tra Di, lẹ làng đẩy cửa vô nhà và đi thẳng vào phòng Trình Nương.
Nói về nàng Trình Nương vẫn không sao ngủ được từ lúc chồng bỏ ra đi, bỗng nghe có tiếng người đi vào, cho là chồng về nên cất tiếng hỏi:
Phải chàng đấy ư? Chàng đã tìm ra câu đối rồi sao?
Bóng đen không trả lời, cứ lùi lũi tiến về giường Trình Nương, vén mùng chui đại vô. Trình Nương cũng không muốn hỏi nữa sợ chồng hổ thẹn thêm.
Người bí mật này đã tự nhiên ân ái với Trình Nương…Khi gà gáy sáng, Trình Nương đang ngủ thì người bí mật lén dậy trở về trường nằm ngủ mà không ai hay biết.
Sáng ra, Tra Di từ trường về nhà bảo vợ rằng:
Vì kém tài nên đêm qua ta không tìm được câu đối, nghĩ ra hổ thẹn vô cùng nên bỏ đi suốt đêm giờ này mới về, thật là lỗi phận làm chồng, mong nàng thông cảm.
Trình Nương cho là chồng chọc mình, đôi má ửng hồng, nàng bẽn lẽn nhìn chồng nói:
"Còn ai đêm qua đấy mà chàng bảo không về?".
Tra Di quả quyết không hề trở về nhà đêm qua. Trình Nương nghe như chết điếng cả người và biết là đã bị kẻ gian làm nhục.
Nàng không dám tiết lộ cho chồng sự việc đêm qua cố làm ra vẻ bình tĩnh nhưng trong lòng bấn loạn hối hận và đi đến quyết định nông nổi. Trình Nương nói:
"Nếu quả thật đêm qua chàng không về thì đôi ta cách biệt từ đây, xin chàng hãy quên thiếp và chăm chỉ học hành".
Tra Di vô tình không biết đây là lời vĩnh biệt của nàng. Trình Nương lặng lẽ vô phòng lấy dây thắt cổ tự tử chết. Đến khi Tra Di tri hô lên, mọi người trong nhà đổ vào cởi dây hạ Trình Nương xuống thì nàng chỉ còn là cái xác không hồn.
Tra Di cho là chàng bất nhẫn bỏ đi biền biệt suốt đêm tân hôn khiến Trình Nương tủi phận, hờn duyên mà tự vẫn nên chàng khóc lóc thảm thiết, rồi vì quá xúc cảm nên chết đi sống lại mấy lần. May được cha mẹ hết lòng cứu chữa, lại an ủi vỗ về. Tra Di mới tạm dẹp mối sầu mà lo ma chay cho người vợ tài hoa mà bạc mệnh.
Ba năm qua, một hôm nhân tiết Trung thu, Bao Công đi tuần sát đến huyện Lâm Đĩnh.
Tối đó trăng rằm sáng tỏ, Bao Công ngồi gần cây ngô đồng ngắm trăng uống rượu. Đối cảnh sanh tình, Bao Công muốn làm một câu đối để ghi lại cảnh đẹp đêm nay. Ông tìm được câu đối: “Dĩ ỷ ỷ đồng, đồng ngoạn nguyệt”. Nghĩa là lấy ghế ngồi tựa cây ngô đồng cùng thưởng trăng. Cái hay của câu đối này cũng nằm ở chỗ đồng âm khác nghĩa của hai chữ “ỷ” và “đồng”. Ỷ vừa có nghĩa là cái ghế vừa có nghĩa là dựa vào. Đồng vừa là tên riêng cây Ngô Đồng (giống như cây Phong) vừa có nghĩa là cùng chung.
Phá án nhờ giấc mơ và câu đối
Nghĩ được vế xuất nhưng ông loay hoay nghĩ mãi không tìm được vế đáp. Mỏi mệt Bao Công tựa lưng vào ghế, thiu thiu ngủ. bỗng ông chiêm bao thấy một người con gái xinh đẹp, tuổi độ trăng tròn, tiến đến gần ông và quỳ xuống nói:
Đại nhân nghĩ làm chi cho thêm mệt trí. Vế đối là: “Điểm đăng đăng các, các công thư”. Hai câu xếp lại như sau: "Điểm đăng đăng các, các công thư. Dĩ ỷ ỷ đồng, đồng ngoạn nguyệt". Tạm dịch là: Chong đèn trên gác cùng đọc sách. Tựa gốc cây ngô đồng thưởng ánh trăng. Bao Công thấy câu đối hay, rất chỉnh, hỏi qua tên họ quê quán nàng kiều nữ thì nàng thưa xin cứ hỏi học trò trong huyện sẽ biết. Nói rồi biến mất. Bao Công giật mình tỉnh dậy cho là điều lạ.
Sáng hôm sau, Bao Công ra lệnh cho mời các tú tài trong huyện đến để ông khảo chữ. Tra Di cùng chúng bạn rủ nhau đi đến nơi Bao Công làm việc.
Khi mọi người đã tề tụ đông đủ, Bao Công bèn ra đề thi để thử sức các cậu tú. Bài thi là một bài văn, đề tài là: “Kính quỉ thần nhi viễn chi” nghĩa là đối với quỷ thần nên kính mà xa ra, rút trong sách Luận ngữ. Ông cũng lại bảo học trò hãy thử đối câu ông ra là “Dĩ ỷ ỷ đồng, đồng ngoạn nguyệt”.
Tra Di thấy câu đối ấy xứng với câu vợ chàng đã ra năm trước nên hạ bút viết liền: “Điểm đăng đăng các, các công thư”.
Khi các cậu Tú đã nạp bài, Bao Công xem đến bài của Tra Di, thấy bài văn rất thường nhưng câu đối thì thật hay, Bao Công liền cho gọi Tra Di vào hỏi:
"Ta thấy văn chương anh thường lắm, làm sao anh đối nổi câu ta ra. Ai là tác giả câu đối đó, hãy nói thật".
Tra Di nói: "Thưa đại quan! Thực ra câu ấy của vợ tôi làm ra".
Bao Công nghe đáp mới khen vợ Tra Di là người tài giỏi và hỏi thăm thêm về sự học hành của vợ Tra Di. Tra Di ứa nước mắt rồi thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Bao Công nhìn Tra Di không chớp mắt và hỏi:
"Anh vừa nói không biết vì lý do gì vợ anh tự tử sau đêm tân hôn, phải vậy không?"
"Dạ! Thiệt tình tôi không biết và cũng chẳng hiểu vì sao cả" - Tra Di đáp.
Bao Công hỏi tiếp:
"Theo lời anh thì sáng hôm anh ở trường về nhà, vợ anh cật vấn anh mãi để biết chắc là đêm tân hôn anh không có về, phải không?".
"Dạ phải!".
Bao Công suy nghĩ một lát rồi chiếu đôi mắt sáng quắc nhìn tận mặt Tra Di mà nói:
"Ta biết tại sao Trình Nương tự tử. Ta đoán ra lý do khiến Trình Nương tự tử rồi. Nàng tự tử vì quá hổ thẹn: Đêm tân hôn nàng đã lầm mà ân ái với một người không phải là chồng nàng. Anh thử nhớ lại coi ngoài chúng bạn ra, có ai biết câu chuyện câu đối vợ anh ra cho anh đêm tân hôn không?".
Tra Di quả quyết chàng chỉ thuật chuyện cho chúng bạn ở trường nghe đêm ấy thôi.
Bao Công xác định:
"Anh có nghi cho ai không?"
Tra Di lắc đầu. Bao Công hỏi rõ:
"Chớ trong đám bạn anh có kẻ nào tính tình xảo quyệt, vô hạnh không? Nghĩ cho kỹ rồi hãy trả lời".
"Dạ! Có tên Trịnh Chánh không phải là người đàng hoàng. Nhưng tôi không biết có phải hắn đã làm nhục vợ tôi không".
Bao Công cười đáp:
"Thủng thẳng để ta coi xem sao!".
Sau khi Tra Di ra về, Bao Công gọi hai người lính vào và ra lệnh đi bắt Trịnh Chánh về tra hỏi.
Mới đầu Trịnh Chánh một mực kêu oan. Bao Công cho dùng cực hình tra tấn, riết một hồi, Trịnh Chánh chịu đau không thấu, phải thú nhận hết tội lỗi.
Bao Công truyền ghi lời khai rồi lên án chém đầu Trịnh Chánh để làm gương cho kẻ khác. Ai nghe chuyện cũng phục Bao Công là tài.
Trình Chánh phạm tội gì? Đáng chết hay không?
Trong sách không thấy nói rõ là Bao Công khép Trịnh Chánh vào tội gì, chỉ thấy nói sau khi Trịnh Chánh thú nhận có làm ô nhục nàng Trình Nương khiến nàng hổ thẹn quá mà tự tử chết, Bao Công lên án chém đầu Trịnh Chánh để làm gương cho kẻ khác. Ở đây có hai tình tiết quan trọng là: Trịnh Chánh đã có hành vi giao cấu và hệ quả dẫn đến Trình Nương tự tự chết. Vậy có khả năng cấu thành tội giết người hay hiếp dâm? Đành rằng nàng Trình Nương tự tử chết vì quá hổ thẹn khi biết nàng lầm lẫn giao cấu với một người không phải là chồng nàng. Nhưng không thể vì thế mà khép Trịnh Chánh vào tội giết người vì hành vi Trịnh Chánh không có hậu quả làm chết người và hành vi giao cấu cũng không có liên hệ nhân quả với cái chết của nạn nhân.
Về tội hiếp dâm, luật hình sự hiện hành quy định “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ thì phạm tội hiếp dâm”
Trong chuyện trên đây, Trịnh Chánh đã dùng sự gian trá để làm cho nàng Trình Nương lầm lẫn mà thuận tình. Vì vậy, Trịnh Chánh tuy không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, nàng Trình Nương cũng đang tỉnh táo vẫn có thể tự vệ được nhưng Trịnh Chánh đã phạm vào yếu tố là “dùng thủ đoạn khác” tức là lợi dụng sự nhầm lẫn của Trình Nương để thực hiện hành vi giao cấu nên đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm.
Theo cổ luật Á Đông hiếp dâm là trọng tội, với quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân thân của nho giáo, người Á Đông cổ xem mọi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, trước hôn nhân (dù là thuận tình) cũng là tội “thông gian” và xử lý nghiêm. Hành vi hiếp dâm sẽ bị xử lý nặng nề hơn, thường là bị tử hình.
Tuy nhiên, trong thời cổ có hình thức hiếp dâm trong chiến tranh được xem là hợp pháp. Trong Kinh Thánh đã ghi nhận quân đội Do Thái, Ba Tư, Hy Lạp và La Mã cổ đại được báo cáo là đã hiếp dâm trong chiến tranh. Những người Mông Cổ từng thiết lập nên Đế quốc Mông Cổ trải dài trên liên lục địa Á-Âu đã tàn phá những nơi họ xâm lược trong các cuộc chinh phạt, binh lính Mông Cổ cướp phá và hãm hiếp phụ nữ các vùng bị chiếm.
Luật pháp quốc tế thời nay đã lên án hành vi hiếp dâm trong chiến tranh. Năm 1998, thẩm phán của Tòa án Tội phạm Quốc tế Rwanda nói: “Từ thời xa xưa, hiếp dâm được xem như một chiến lợi phẩm của chiến tranh. Bây giờ nó bị coi là tội ác chiến tranh. Chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng hiếp dâm không còn là phần thưởng của cuộc chiến.”. Lịch sử cận đại và hiện đại đã ghi nhận và lên án nhiều vụ hiếp dâm trong chiến tranh như binh lính Nhật Bản đã hãm hiếp 80.000 phụ nữ trong 6 tuần của cuộc thảm sát Nam Kinh. Trong Đệ nhị Thế chiến, ước tính có 200.000 phụ nữ Triều Tiên và Trung Quốc bị ép vào các nhà thổ quân đội làm "phụ nữ giải trí". Việc quân đội Pakistan hãm hiếp 200.000 phụ nữ Bangladesh trong cuộc chiến tranh giải phóng Bangladesh. Gần đây nhất là việc lực lượng Serbia đã hãm hiếp 20.000 phụ nữ Hồi giáo Bosnia trong cuộc chiến tranh Bosnia.
Với luật pháp Việt Nam hiện hành, tên Trịnh Chánh tân thời mức hình phạt, hành vi hiếp dâm có đến mức phải xử tử hình như Bao Công đã quyết hay không?
Theo luật hình sự hiện hành, tội hiếp dâm có ba khung hình phạt: nếu phạm tội trong điều kiện bình thường thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy (7) năm đến mười lăm (15) năm:
a) Có tổ chức; b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; c) Nhiều người hiếp một người; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Đối với nhiều người; e) Có tính chất loạn luân; g) Làm nạn nhân có thai; h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai (12) năm đến hai mươi năm (20) , tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
Rõ ràng, ở đây hành vi hiếp dâm của Trịnh Chánh đã dẫn tới hệ quả làm cho Trình Nương xấu hổ, bế tắc phải tự tử chết, theo khung hình phạt của luật hiện nay Trịnh Chánh cũng đáng bị tử hình. Qua vụ án này cho thấy với tài sáng suốt phá án và xử án của Bao Công, pháp luật hơn 1000 năm trước và pháp luật hiện nay vẫn phù hợp.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%