Chuyện tải trọng cầu treo Chu Va 6
Thứ năm, 06/03/2014 19:12

Khi cầu treo Chu Va ở tỉnh Lai Châu bị đổ sập, làm chết và bị thương nhiều người, lập tức con số tải trọng 1,5 tấn được đưa ra để lý giải về chuyện quá tải.

Hiện trường vụ sập cầu treo ở Lai Châu

Hiện trường vụ sập cầu treo ở Lai Châu

Cách lý giải này hoàn toàn sai so với bản chất của biển báo tải trọng cầu, đường, thế nhưng chẳng thấy quan chức ngành giao thông nào lên tiếng đính chính.

Mỗi người lái xe đều hiểu rằng con số ghi trên biển báo tải trọng của một chiếc cầu là để thể hiện trọng lượng tối đa cho phép đối với mỗi phương tiện đi qua cầu chứ không phải là tổng tải trọng cho phép của cả cây cầu. Ví dụ một cây cầu có biển báo là 15 tấn, có nghĩa là cấm các loại xe có tải trọng (cả xe) vượt quá 15 tấn đi qua chứ không phải cả câu cầu chỉ chịu được 15 tấn.

Như vậy, các loại xe có tải trọng dưới 15 tấn có thể đi qua cầu bình thường, và tài xế không buộc phải đếm số lượng xe cùng đi qua cầu là bao nhiêu chiếc để khỏi quá tải. Khi đó, tổng tải trọng của cả đoàn xe đang lưu thông trên cầu hoàn toàn có thể vượt quá nhiều lần tải trọng cho phép đối với mỗi xe.

Tình trạng này rất thường thấy khi xảy ra kẹt xe trên các cầu Sài Gòn, Bình Triệu, Đồng Nai…, nhưng không vì thế mà các cây cầu này bị sập vì quá tải.

Về yêu cầu an toàn, một cây cầu treo phải chịu được tải trọng của cả đoàn người đi qua đông kín cả mặt cầu vì trong thực tế có lúc sẽ như vậy. Một đoàn học sinh đi học, một đoàn diễu hành, một buổi lễ hội… đều có thể dẫn đến cảnh cả đoàn người đi qua cầu. Nếu không thiết kế như vậy, thì phải ghi rõ số lượng người, phương tiện tối đa được phép qua cầu đồng thời để người dân được biết.

Chưa ai nói chuyện bồi thường cho các nạn nhân từ vụ đứt cầu treo, nhưng có lẽ điều này sẽ phải thực hiện cả về lý, lẫn tình.

Thesaigontimes.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Sập cầu treo ở Lai Châu , Cầu treo Chu Va , Lai Châu , Bộ GTVT , Đứt cầu treo