Gặp cảnh bố mẹ ly hôn, cô gái 18 tuổi vấp ngã và trượt dài trong đau khổ: sinh con rồi bị người ta giành mất...
Bà mẹ đơn thân T.H.Y, 32 tuổi cùng con trai nhỏ K.V |
Người phụ nữ ấy tên là T.H.Y. Hiện chị là một bà mẹ đơn thân của cậu con trai nhỏ K.V (hơn 2 tháng tuổi) và cùng với 2 mẹ bầu đơn thân khác đang ở trong một ngôi nhà thuê tại số nhà 1B, ngõ 50, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.
Bố mẹ ly hôn và vết trượt dài của cô gái tuổi 18
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp ở Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), từ nhỏ Y và em trai cũng có cuộc sống hạnh phúc dù kinh tế gia đình chưa dư dả. Song từ ngày bố Y đi lên Sơn La làm kinh tế mới rồi nhanh chóng phản bội lại mẹ con Y để đến với người đàn bà khác là những ngày sóng gió gia đình bắt đầu ập đến với cô gái đang học cấp 3 này.
Suốt 3 năm ròng, mẹ Y vì không chấp nhận mất chồng, vì muốn giữ cho 2 con một mái ấm gia đình trọn vẹn đã nhiều lần lặn lội lên tận Sơn La. Thậm chí bà còn quyết định cư lâu dài ở đó để níu kéo người đàn ông phụ bạc ấy trở về với gia đình. Song, khi người đàn ông đã quyết rũ bỏ gia đình thì chẳng tình yêu nào có thể níu chân họ được. Sau gần 3 năm, bố mẹ Y chính thức ly hôn. Lúc đó, Y đang học kỳ 2 của năm lớp 12.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Y cũng đỗ 1 trường đại học. Nhưng nhận thấy nghành học không có tương lai và một phần cũng chán cảnh gia đình, Y đã bỏ vào Sài Gòn với số tiền mẹ ki cóp cho Y đóng học phí.
Vào Sài gòn vì còn trẻ và lần đầu tiên sống xa sự bao bọc của gia đình nên Y đã mắc sai lầm. Vào tháng 12/2003 cô đã sinh một đứa con trai. Nhưng chỉ sau đó 3 tháng cô bị người đàn ông đó cướp và mang đứa con đi.
Y vạ vật sống ở đất Sài Gòn 10 năm trời, chấp nhận làm đủ mọi nghề như kế toán, nhân viên nhập liệu, công nhân, cò nhà đất… chỉ để quyết nán lại tìm con. Nhưng càng tìm, Y càng rơi vào bế tắc vì không tìm ra một chút manh mối nào về đứa con bị thất lạc của mình.
Rồi Y quyết định về lại Hà Nội. Những ngày ở Hà Nội, Y đã được tổ chức phi chính phủ Hagar giúp đỡ. Tại đây, Y được tổ chức này tạo điều kiện vào trường Hoa Sữa học nấu ăn. Sau đó, Y vào làm đầu bếp cho một nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội.
Cũng trong thời gian này, ngoài làm việc tại nhà hàng, Y cũng làm thêm bên ngoài, chủ yếu với người nước ngoài. Khi đó vì chưa nói tiếng Anh được nhiều, nên các hợp đồng làm thêm phải qua người thứ 3. Sau đó, vốn tiếng Anh của Y dần dần khá hơn, Y đã nhận làm riêng.
Gần 1 năm làm đầu bếp tại nhà hàng nổi tiếng này, ngoài vốn liếng ngoại ngữ khá hơn hẳn, Y giờ đã có kha khá tiền trong tay. Lúc này, Y quyết đi sang mấy nước Đông Dương như Malaysia, Thái, Lào, Campuchia… Ở các nước này, Y đều xin vào các nhà hàng nhỏ làm đầu bếp hoặc người phục vụ ở quán.
K.V 2 tháng tuổi nhưng trộm vía rất đáng yêu
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và quyết định làm mẹ đơn thân trong nhọc nhằn
Những ngày đặt chân đến Malaysia, trong một lần nhận hợp đồng nấu ăn cho đám cưới của một người chị ở Việt Nam sang bên Malaysia đã lâu, Y đã gặp gỡ với bố của con trai Y hiện nay. Người đàn ông ấy là một người Châu Phi lai.
Quen nhau được một thời gian, Y thấy trong người khang khác. Khi biết tin bản thân có bầu 3 tuần, Y đã nói với người đàn ông ấy. Nhưng người ấy chỉ bảo “Em bỏ đi”. Và không chút ngần ngại, không lời trách cứ người đàn ông ấy, Y đã quyết định âm thầm bỏ về Việt Nam ngay lập tức và quyết định làm mẹ đơn thân.
“Khi ấy, mình nghĩ, mình đã mất 1 đứa con nên không thể đánh mất cơ hội có con lần này nữa. Hơn nữa, mình còn bị bệnh tim bẩm sinh nên mình sợ nếu bỏ thai đi, cơ hội làm mẹ của mình không bao giờ thành hiện thực. Vậy là mình quyết định trở về Việt Nam để sinh con một mình” - Y tâm sự.
Nói về hành trình về Việt Nam nhiều vất vả của mình, Y kể: “Vì trục trặc giấy tờ nên việc trở về quê hương khá vất vả. Y phải đi bộ qua cửa khẩu 3 nước về lại Việt Nam. Về đến Hà Nội, mình hết sạch tiền nên đã thuê một căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2 ở trên tầng 5 của một chung cư cũ với giá 500 ngàn đồng/tháng để ở.
Không có tiền, mình đã phải ‘ê mặt’ vác bụng bầu ra quán ăn của người nước ngoài nói chuyện và xin tiền. Mẹ mình biết chuyện chỉ gọi điện thoại một mực bắt ép mình bỏ đi đứa bé. Bà bảo rằng, bố nó là người Châu Phi, mai con sinh ra khó hòa nhập. Rồi mình cũng vì con mà sẽ mất đi cơ hội làm lại cuộc đời. Nhưng dù mẹ có bắt bỏ thai, mình cũng nhất quyết không bỏ dù lúc ấy con mới chỉ 2 tháng tuổi”.
Quyết định giữ lại con, người mẹ đơn thân này rơi vào bao nhiêu khó khăn mà trước đó Y cũng chẳng thể ngờ tới. Có nhiều lúc, Y đã nghĩ sẽ cho con cho một cặp vợ chồng nào đó nuôi vì cuộc sống quá khó khăn.
Nhưng rồi, con ngày một lớn lên trọng bụng đã giúp Y có thêm nghị lực để làm lụng và sinh con trong bao vất vả, thiếu thốn: “Mang bầu 3 tháng, mình được một chị người Mỹ nuôi ăn ở. Chị ấy muốn sau này chị ấy làm mẹ nuôi của con mình. Những ngày tháng ở cùng chị, mình đã mở một vài lớp tiếng Anh. Vì học viên đến nhà học nên ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của chị ấy nên giữa chúng mình xảy ra mâu thuẫn. Vì thế, mình tự tách thuê ngoài và đã mở được 4 lớp dạy tiếng Anh.
Hơn 3 tháng mở lớp dạy tiếng Anh, mình đã tiết kiệm được gần 40 triệu. Nhưng khi mọi việc đang suôn sẻ thì mình phải nhập viện cấp cứu vì bị men gan cao, nhiễm trùng máu và bệnh tim bẩm sinh” - Người mẹ đơn thân này kể về những ngày khó khăn và sợ hãi nhấtcuộc đời mình.
Rồi người phụ nữ này kể tiếp: “8 ngày nằm viện cấp cứu vì men gan cao dẫn tới nhiễm trùng máu. Khi ấy, mình đang bầu tháng thứ 6. Bác sĩ cứ một mực bắt con phải ra để cứu mẹ. Nhưng mình cứ kiên trì và bảo bác sĩ tiêm thuốc tốt nhất để không ảnh hưởng đến con.
Sau 8 ngày điều trị, may mắn là cả mẹ và con đều đã ổn hơn. Tuy nhiên, viện phí quá đắt đỏ (3,5 triệu/ngày). Do đó gần như mình đã sử dụng lạm vào tiền nhà, tiền trả lương giáo viên, lạm vào tiền dự sinh sắp tới. Hơn 30 triệu mình tích cóp được đã đi tong. Những ngày sau ra viện, mình thật sự lo lắng vì hết tiền”.
Gần chục ngày nằm viện, không có người thân bạn bè qua lại chăm sóc. Chỉ thỉnh thoảng có em sinh viên Y nuôi tạt qua mang cho bữa cơm rồi về. Những lúc ấy, Y cứ nằm mà tủi thân trào nước mắt. Rồi Y cứ ao ước một mái ấm, 1 gia đình, sự yêu thương thật sự. Và Y lại nghĩ đến cảnh lúc sinh nở và đón Tết một mình mà cứ ứa nước mắt.
Ở viện về, vì sức khỏe yếu, cộng thêm mang bầu đã to nên Y đi xin việc lại tại các nhà hàng thì đều bị từ chối. Rồi Y lại xoay ra ở nhà bán hàng thực phẩm online để lấy đồng ra đồng vào. 2 tháng sau, Y đã phải vào viện sinh nở vì có dấu hiệu chuyển dạ sớm. Con trai nhỏ K.V đã chào đời ở tháng thứ 8 và nặng 2,8kg.
“Ngày đi đẻ ở viện, mình được một em bầu mới đến ở cùng mình 2 ngày đưa đi. Sau đó có thêm 2 người bạn nước ngoài (là thầy giáo mình thuê dạy tiếng Anh). Còn mẹ mình vẫn giận nên không xuống. Ngày ra viện, bạn mình cũng là người cho hết số tiền đi đẻ. Và mình biết, những ngày tháng chính thức nhọc nhằn của mình bắt đầu từ đây. Vì giờ mình còn phải đèo bòng thêm cả con trai nữa” - Y trầm ngâm tâm sự.
Điều ước lớn nhất của bà mẹ đơn thân này là K.V thương mẹ, đừng ốm đau bệnh tật
Sau khi sinh, mẹ Y đã xuống thăm con gái: “Nhìn đứa con gái ương bướng và ngoan cố nằm một mình trong căn phòng không có hơi ấm mà bà trào nước mắt. Thấy 2 mẹ con mình đơn côi và thiếu thốn, mẹ đã lấy hết số tiền dành dụm được để mừng tuổi cho K.V. Nhờ số tiền đó mà mẹ con mình đã có tiền sinh sống, trả tiền nhà. Từ đó thỉnh thoảng bà cũng cố xuống thăm 2 mẹ con mình”.
Hiện, con trai Y mới được hơn 2 tháng tuổi. Hàng ngày để có chút tiền ăn và trang trải chi phí trả tiền nhà, Y vẫn tích cực vừa chăm con mọn vừa bán hàng online trên FB về các thực phẩm Sơn La (do mẹ Y lấy hàng gửi xuống Hà Nội cho Y bán). Dù chưa được nhiều mẹ biết đến và kinh doanh vẫn bập bõm nhưng Y cũng cố gắng hết sức để có thể trang trải chi phí cho bản thân.
“Điều ước lớn nhất của mình là K.V thương mẹ, đừng có ốm đau bệnh tật. Mình dự định con lớn thêm chút nữa và nếu xoay sở được 1 số tiền sẽ mở một tạp hóa nhỏ hoặc bán hàng ăn dưới nhà để kiếm đồng ra đồng vào. Giờ thì cũng muốn làm một cái gì đó, nhưng ngặt nỗi con nhỏ quá lại không có ai trông con cho để làm. Mà thuê người trông khoảng 3 triệu/tháng để đi làm thì mình không đủ lực” - Y nói về dự định và ước mong của mình.
Ý tưởng xây dựng một mái ấm cho các mẹ đơn thân
Chính những ngày tháng sau khi phải nằm viện vì bị nhiễm trùng máu, nằm trong căn nhà rộng không có hơi ấm, Y thèm lắm không khí ồn ào hoặc lời hỏi thăm nên đã nảy ra ý tưởng xây dựng mái ấm cho các mẹ đơn thân cùng cảnh ngộ: “Vì căn nhà mình đang thuê lúc ấy khá rộng lớn nên mình nảy ra ý tưởng cho các mẹ bầu độc thân hoặc nuôi con một mình giống mình và có hoàn cảnh khó khăn đều có thể dọn đến ở cùng mình. Mình không giàu, không có nhiều tiền nên mỗi phòng mình chỉ lấy 500 ngàn đồng/người. Mình nghĩ nếu chúng mình ở cùng và chung sức, những mẹ đơn thân như mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn hẳn khi sống một mình. Và điều quan trọng, chúng mình sẽ có một gia đình lớn và có thể chia sẻ với nhau rất nhiều thứ”.
5 - 6 tháng nay (từ khi Y mang bầu tháng thứ 6 đến nay), Y đã mở cửa ngôi nhà mình thuê trọ để đón rất nhiều mẹ đơn thân. Ở ngắn hạn có khoảng 5-6 mẹ đơn thân đã đến ở cùng Y. Ở dài hạn thì khoảng 3 người. Nhiều mẹ đơn thân khác đã có chỗ ở cũng tìm ngủ lại 1 đêm với Y để tâm sự. Nhiều mẹ đơn thân khác thì đến hỏi thăm, động viên và lấy Y làm động lực để họ phấn đấu.
Hiện Y cũng đang cho 2 mẹ bầu đơn thân khác ở cùng (1 mẹ bầu sắp lâm bồn, 1 mẹ bầu 6 tháng): “Vì cũng là mẹ đơn thân nên mình cứ thấy thương những mẹ đơn thân khác. Thế nhưng từ ngày cho các mẹ đơn thân ở, các mẹ ấy cứ đến và đi mà chưa mẹ nào đưa được tiền nhà 500 ngàn đồng/tháng cho mình. Nhiều lúc các mẹ ấy hết tiền còn vay mình để tiêu pha mà lúc ra đi cũng không trả. Mà mình cũng nào có giàu có gì. Mình cũng rất khó khăn nên không cưu mang được”.
“Mình muốn các mẹ đơn thân đến đây để vừa ở cùng cho vui, lại vừa cùng nhau chia sẻ nhiều thứ, cùng nhau kinh doanh, kiếm tiền, thay nhau chăm sóc các bé…Thế nhưng thực tế, thật khó kiếm được người cùng suy nghĩ để ở cùng. Mình đã đón nhận mấy mẹ rồi. Các mẹ ấy đến xong lại đi , một phần là không hợp, một phần các mẹ ấy hiểu nhầm là mình mở nhà mở trong đó mình sẽ cưu mang và chi trả tất cả các chi phí" - Y tâm sự.
Trong thời gian cưu mang các mẹ bầu độc thân, có nhiều lúc Y gặp những trường hợp rất xấu như bị chửi mắng, bị vay tiền không trả, bị nói xấu.... Những lúc nóng giận, Y tự nhủ sẽ không nhận bất cứ ai nữa: "Nhưng rồi sau đó một thời gian gặp những trường hợp các bà mẹ đơn thân khó khăn, mình lại rủ về ở chung với mình. Vì mình nghĩ, không phải tất cả mọi người đều xấu, chỉ là họ chưa hiểu được đúng vấn đề mà thôi. Mình hi vọng sẽ có một chút kinh tế, mình sẽ giúp được nhiều bà mẹ hơn và sẽ có nhiều đứa trẻ sẽ được sinh ra và được nuôi dưỡng chăm sóc. Và không một đứa trẻ nào bị vứt trong sọt rác, dưới ao, cống nữa...".
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Phụ nữ muốn hưởng phúc nên chọn chồng có 4 tiêu chí vàng cổ nhân truyền lại, đảm bảo cuộc sống luôn viên mãn
- Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
- Tâm sự riêng tư của phụ nữ: Một người phụ nữ trong đời có bao nhiêu đàn ông là vừa đủ?
- 4 điều về già tuyệt đối không nói với con nhất là chuyện tài sản
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?