Rất nhiều người được nghe tiếng tiêu của ông vào một buổi sáng mùa xuân ngay bên Hồ Gươm, nhưng tôi được may mắn nghe những câu chuyện của ông gắn với tiếng tiêu đó, với mảnh đất nơi ông ngồi, nơi sống lại thuở lên 5 của mình, với mẹ, với em gái, với bạn.
|
Tôi gặp ông vào buổi sáng sớm bên Hồ Gươm - khi năm cũ Tân Mão sắp qua, năm mới Nhâm Thìn sắp đến - khi Hồ Gươm vẫn còn bảng lảng hơi sương, không khí còn lành lạnh, cây cỏ còn đang sũng nước... Trong khung cảnh đó, ông đi bộ từ phía xa lại, vai khoác cây tiêu, tay cầm cây sáo, râu tóc dài bạc phơ, mặc bộ quần áo kiểu truyền thống, dáng đi nhẹ, khoan thai của ông lão 80 tuổi trong thời khắc giao thoa năm cũ sắp đi, năm mới sắp đến khiến ai đó cũng có thể hình dung như đang ở chốn thiên thai, chốn "bồng lai tiên cảnh" giữa Thủ đô.
Để ra được đến Hồ Gươm, ông mua vé tháng và trở thành "khách hàng ruột" của xe buýt Hà Nội, cứ thứ 7 hàng tuần ông lại lên xe buýt từ Kim Ngưu, đến đường Đinh Tiên Hoàng thì xuống, rồi đi bộ ra gốc cây mõ cổ thụ, cạnh cây lộc vừng 9 gốc bên hồ Gươm – đây là một trong những chỗ ông thích ngồi thổi tiêu nhất…
Hồ Gươm như nhà tôi!
Ông lão 80 tuổi, thích đứng gần cây mõ cổ thụ bên hồ Gươm để thổi tiêu nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ em, nhớ bạn...
Ông chỉ cho tôi cây mõ ven hồ, cái cây mà ông yêu nhất đang lúc lỉu quả, trơ trọi cành vì lá rụng. Ông bảo ngày bé, ông với cô em gái và các bạn vẫn ra đây ăn quả mõ này, quả beo béo, ngầy ngậy, ăn nhiều còn bị say. Thuở đó ông và đám con trai bắn súng cao su cho quả mõ rụng, đám con gái thi nhau ùa ra nhặt quả, một số thì đứng “rình” để hễ thấy “đội sếp”là huýt sáo báo hiệu cả bọn chạy… “Thế mà cũng bao năm trôi qua rồi, nhiều người bạn thuở ấy và cô em gái tôi cũng đã khuất núi từ lâu, mỗi khi ra hồ tôi thích nhất ngồi chỗ này thổi tiêu…” – ông nói, ánh mắt như dán chặt vào những quả mõ căng mọng.
Hồ Gươm, ông bảo như là nhà ông vậy, “ra hồ như về nhà mình”, nơi ông thấy lại hình ảnh mình 5 tuổi, “lúc đó mẹ dắt tôi đi chơi vòng quanh hồ, trong con mắt bé nhỏ của tôi cái gì cũng lớn lao đẹp đẽ, cảm giác đi bên mẹ thật bình yên, hạnh phúc”. Lớn hơn, ông cũng vẫn đi chơi cùng các bạn ở đây, lớn hơn nữa, ông đi chơi với người yêu ở đây với biết bao nhiêu kỷ niệm. Vì thế, ông thấy mình gắn bó với hồ Gươm mật thiết lắm, là hồ nhưng giống như là bạn. Nhà ông 4 đời sinh ra lớn lên ở Hà Nội, lại ngay phố Hàng Gai nên hồ Gươm với ông còn như “chốn vườn nhà”.
Cũng nhiều người hỏi ông “sao lại ra hồ Gươm thổi tiêu?”, ông bảo ông được học nhạc bài bản từ thuở nhỏ, theo học thấy Hoàng Phú (em trai nhạc sỹ Hoàng Quý), học thầy Dương Thiệu Tước, thầy Tạ Duyệt, Vũ Thị Hiển… nhưng sau này ông hầu như chỉ gắn với cây sáo cây tiêu, không thường xuyên chơi đàn piano nữa, bởi thời đi tản cư xa Hà Nội ông không mang theo đàn piano được nên ông mang sáo, mang tiêu theo làm bầu bạn, thành quen.
Tuy lập nghiệp là giảng viên toán học với những con số khô khan cứng nhắc, nhưng tâm hồn ông suốt từ thời thơ ấu đến nay lại đắm đuối với những nốt nhạc, tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng tiêu. Sau này về hưu (2003), ông dành nhiều thời gian ra hồ Gươm thổi tiêu hơn, ông bảo, theo Phật, nếu bố thí tài vật thì không bao giờ là đủ, ông là giảng viên thanh bạch nên không có nhiều tiền của, do vậy nên ông “bố thí pháp” - mang tiếng tiêu làm mọi người vui vẻ, truyền cho người đời một lối sống thanh thản, lạc quan.
Cùng cây tiêu đưa mọi người vào “thiên thai”…
Tiếng tiêu của ông hút nhiều người dân cũng như khách du lịch, ông mang đến cho Hà Nội một hình ảnh "ông già thổi tiêu bên Hồ Gươm" rất đẹp.
Bài tiêu mà ông thích thổi nhất chính là bài “Thiên thai” của Văn Cao. Để bày tỏ tình yêu với bài này, ông cất tiếng hát rất tự nhiên ngay tại ghế đá bên hồ bằng tiếng… Anh khiến nhiều người đi qua “sửng sốt” dừng lại nghe, trầm trồ trước cảnh ông già 80 tuổi, tóc búi tó hát tiếng Anh và cầm tiêu thổi say mê.
Ông bảo giai điệu bài này như là khúc nhạc thần thánh gắn với nhiều giai thoại đẹp, ông kể năm 1946 tại Đại hội âm nhạc mùa xuân ở Giơnevơ, lúc đó luật sư Vũ Thị Hiển có biểu diễn bài “Thiên thai” bằng tiếng Anh khiến cả hội trường vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt, mọi người hỏi bài này của ai, bà Hiển nói tác giả là thanh niên Việt Nam dân chủ cộng hòa khoảng 20 tuổi, họ hỏi Việt Nam dân chủ cộng hòa là nước nào, bà Hiển nói là nước từng là thuộc địa của Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo giải phóng và đặt tên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lúc đó có một nhạc sỹ nước ngoài đứng lên nói trước hội trường là: một thanh niên khoảng 20 tuổi mà viết được bài hát như thế thì Pháp không thể quay lại xâm lược được!
Ông cũng kể tiếp giai thoại tiếp theo của bài “Thiên thai”, năm 1972, NASA (là cơ quan thám hiểm không gian và nghiên cứu hàng không Mỹ) có chọn ra 10 bài nhạc thế kỷ để đưa ra ngoài vũ trụ giới thiệu về Trái Đất thì bài “Thiên thai” của Việt Nam cũng nằm trong 10 bài này. Cũng theo ông, sau đó mấy năm điện ảnh Hollywood quay phim về Việt Nam và mời ca sỹ Hồng Nhung hát bài “Thiên thai” làm nhạc nền cho phim của họ.
Không chỉ vì những giai thoại đẹp về bài “Thiên thai”, ông thổi tiêu bài này vì từ thời niên thiếu ông rất mến phục tài năng của nhạc sỹ Văn Cao, ông chơi đàn, rồi chơi sáo, rồi đến năm 1950 ông chuyển sang chơi tiêu cũng đều thổi tác phẩm của Văn Cao.
Cùng với đó là những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm gắn với bài hát này, đó là khi ông 14-15 tuổi, ở khu tản cư, ông thổi tiêu cho em gái ông hát bài “Thiên thai”, nhiều chú bộ đội nghe xong thích quá tung bổng cậu bé thổi tiêu lên đầy thán phục - giờ em gái đã mất, mỗi khi thổi “Thiên thai” ông lại nhớ về em gái, nhớ những kỷ niệm thời sơ tán thuở nào…
Rồi một kỷ niệm khác, vào một ngày mùa đông tháng Chạp năm 2003, ông ngồi sát hồ phía gần đền Ngọc Sơn say mê thổi “Thiên thai” thì “cụ” rùa lớn nổi lên bơi vào gần bờ, cách chỗ ông ngồi 2m, lúc đó có rất nhiều người nghe tiêu và chứng kiến cảnh rùa nổi, rùa cứ ngóc đầu lên ở đó 6-7 phút, khi ông thổi xong bài “Thiên thai” thì rùa lặn – nhiều người ghi lại được cảnh đó, trong đó có 2 người khách du lịch Nhật Bản hứa gửi lại cho ông, họ có gọi điện lại hỏi nhận được chưa nhưng thời đó địa chỉ thất lạc, ông tiếc mãi không nhận được những hình ảnh đáng nhớ đó. Hồi đó cũng có nhà báo đăng tin này với đoạn kết ca ngợi tiếng tiêu của ông và gọi khúc tiêu của ông là “giai điệu gọi rùa” – ông vui lắm!
Bên hồ Gươm, cùng với “Thiên thai”, ông hay thổi tiêu bài “Lòng mẹ” của Y Vân, “Chị tôi” của Trọng Đài, “Khối tình Trương Chi” của Phạm Duy… để nhớ mẹ, nhớ những người chị, người em gái ruột thịt của ông đã khuất bóng.
Ông còn luôn nhớ về kỷ niệm mùa đông năm 1946 (19/12/1946) cả Hà Nội sục sôi đánh Pháp, khi đó ông là cậu bé 13 tuổi, bố mẹ bắt đi tản cư trong khi những người bạn nhỏ của ông xung phong ở lại tình nguyện tải đạn cho chiến sỹ Thủ đô đánh giặc. Lúc đó, quanh chỗ ông ngồi thổi tiêu bây giờ (giữa cây lộc vừng 9 gốc và Tháp Bút) chính là chiến lũy để đánh giặc, các bạn nhỏ của ông đã tử nạn ở đó. Vì vậy, mỗi dịp cuối năm là ông lại đến nơi này thổi tiêu nhớ về những người bạn của mình, tiếng tiêu bài “Hồn tử sĩ” như bản trường ca về sự hy sinh thầm lặng của những con người vô danh.
Ông bảo, mỗi khi thổi tiêu xong, lòng ông lâng lâng, nhẹ nhàng, thanh thản. Ví như khi ông thổi bài “Lòng mẹ” ngay bên cây lộc vừng 9 gốc ven hồ thì ông có cảm giác như mẹ đang ở đó, dắt tay “cậu bé 80 tuổi” thuở lên 5 tung tăng quanh hồ bên mẹ, hay bài “Chị tôi” khiến ông nhớ người chị tần tảo, lận đận một đời nhưng giúp đỡ cho ông được học hành thành đạt… “Mỗi bài tiêu thổi lên tôi đều thấy nao nao, rồi thì bâng khuâng, thư giãn, tĩnh tâm, tĩnh trí…” – ông trải lòng.
Ông bảo ông quen với nhiều người đứng nghe, xem ông thổi tiêu, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, người ta nghe ông thổi đấy, xem ông thổi đấy – nhưng không chỉ là tâm trạng, nỗi lòng của ông, một cô sinh viên nghe ông thổi tiêu bài “Lòng mẹ” đã bật khóc bảo “ông thổi hay quá làm cháu nhớ mẹ”, hay một hôm ông thổi bài “Nhạc sầu tương tư” cũng khiến cậu sinh viên trường Mỹ thuật đang vẽ bên hồ rơi nước mắt, ông hỏi “sao vẽ lại khóc”, cậu ấy nói “mẹ cháu hay hát bài này...
“Tôi hài lòng vì đã đem tiếng tiêu của mình đi “bố thí pháp” và vui sống, theo Phật thì như thế là mình làm được việc thiện, mình luôn sống hướng thiện - một vị sư nói với tôi là như thế cũng như tôi đã “thiền” rồi”.
“Tôi làm được 3 điều của tuổi già!”
Tác giả và một "fan" nhí lặng nghe ông thổi tiếng tiêu mùa xuân.
Từ ngày nhà chuyển đến Kim Ngưu, cách hồ Gươm khoảng 4km, ông đi xe máy, rồi xe đạp điện, rồi những năm sau này tuổi cao, ông chuyển sang đi xe buýt, mua vé tháng, hàng tuần lọ mọ ôm tiêu leo xe buýt “miễn là ra được hồ Gươm”. Gia đình ông thấy cảnh ông lọ mọ leo xe buýt đi thổi tiêu cũng “không thích”, con trai ông bảo “bố ở nhà mà thổi chứ đi lại vất vả quá”, nhưng ông bảo đi thấy vui, thấy khỏe. “Tuy giờ chân yếu hơn rồi, tay cầm tiêu cũng cứng rồi, đi nhiều cũng mỏi rồi nhưng tôi sẽ đi cho đến bao giờ không đủ hơi sức mà đi nữa thì phải chịu” – ông chia sẻ.
“Ra hồ Gươm thổi tiêu sâu lắng lắm, ra hồ nhưng chẳng khác nào tôi về nhà mình, ở đó tôi cảm nhận được cả 4 mùa xuân hạ thu đông, mùa nào ùa về kỷ niệm nấy. Mùa đông cây cối trơ trụi lá, cây mõ ven hồ có lẽ là cây mõ cổ thụ duy nhất ở Hà Nội chỉ còn trơ những quả nặng lúc lỉu, gợi nhớ về thuở bé tôi cũng các bạn bắn súng cao su lấy quả ăn. Mùa xuân ở hồ Gươm cây mõ, cây lộc vừng, cây phương… mới đó còn trơ trụi thì nay đã nảy lộc đâm chồi. Mùa hạ tôi ra hóng mát, ngắm cây cối tỏa sinh khí xua đi cái nóng nực trong mình khiến mình thanh thản, dịu đi. Mùa thu thì tuyệt vời, tôi thổi tiêu bài “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn, “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong khiến người nghe nói rằng họ cũng ngây ngất…
Con người cũng thế, có rất nhiều người đến đây thưởng thức cái đẹp của Hà Nội bên hồ Gươm như là đang xem triển lãm sống vậy – cuộc sống nhiều khi chỉ như thế là đẹp lắm rồi!”.
Ông cũng bảo, tuổi già có 3 cái: làm thế nào để sức khỏe bền bỉ, ít bệnh tật; để lại được gì cho đời sau và sống thanh thản vui vẻ. Tôi hỏi ông có làm được cả 3 điều không? Ông khoe, cho đến giờ ông thấy mình khá bền bỉ, ông cũng để lại một cuốn sách về “Thái ất học” được nhiều người hoan nghênh, để lại hình ảnh đẹp về “ông già thổi tiêu bên hồ Gươm”, hay ông cải tiến chiếc tiêu lệch nốt “son” sáng một bên cho tay dễ bấm mà có người gọi vui là “tiêu ông Châu”, ông cũng sống thanh thản, vui vẻ ngay cả khi cuộc sống của ông còn bao lo toan bộn bề (80 tuổi ông mới làm xong nhà mới-NV).
Ông nói với tôi ngày Tết thì ông không ra hồ Gươm thổi tiêu vì quá đông người nhưng sau Tết ông sẽ ra hồ vào ngày thứ 7 để thổi những giai điệu mùa xuân gửi tới những người thân yêu của ông. Ông già thổi tiêu 80 tuổi còn kể đầy nhiệt huyết, rằng điểm đến của mình trong năm mới 2012 không chỉ là hồ Gươm mà ông còn tới cả chùa Láng, đền Voi Phục, vườn Bách Thảo… để thổi tiêu mỗi khi “mùng 1 hôm rằm”.
“Tôi thổi tiêu ở những nơi đó để cầu Trời Phật phù hộ cho mọi người được bình an, cũng là những nơi mà tôi có thể giao lưu được với những thiện nam tín nữ, những người yêu thích tiếng tiêu của tôi – coi như tôi được bố thí pháp tới mọi người, nơi tôi có thể hòa đồng với nhiều thế hệ trong lịch sử, nơi tôi được hòa mình với thiên nhiên – cũng là nơi để tôi được tu dưỡng mình…”
Ông già 80 tuổi ấy, ngực luôn đeo vé xe buýt tháng, tay luôn cầm cây tiêu, say mê thổi tiêu hàng giờ đồng hồ bên Hồ Gươm, luôn hết lòng “bố thí pháp” bằng tiếng tiêu, sẵn sàng tặng một người yêu Hồ Gươm như mình cây tiêu thân thuộc dù cây tiêu đó được người mến mộ trả giá vài triệu đồng, sẵn sàng tặng một phụ nữ Việt kiều cây tiêu quý khác của mình chỉ vì người đó giống người yêu thuở xưa…
Ông là Lê Quang Châu, 80 tuổi, nguyên giáo viên toán, ký bút danh Hồng Nguyên Tử cho các bài viết báo viết sách của mình và ông vui được nghe mọi người gọi mình bằng cái tên bình dị “ông già thổi tiêu bên Hồ Gươm”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?