Chuyện những người đàn bà ngoan bị nhiễm HIV ở Hạ Long
Thứ năm, 16/08/2012 20:19

Đã có một thời gian khá dài, họ sống thu mình trong vỏ ốc. Nhưng chính trong vỏ ốc tối tăm và lạnh lẽo đó, họ chợt nhận ra con người thật của mình.

Họ là những phụ nữ bất hạnh nhưng không khuất phục trước số phận (Ảnh minh họa)

Họ là những phụ nữ bất hạnh nhưng không khuất phục trước số phận (Ảnh minh họa)

Họ đã vươn lên, bằng chính khả năng và sức sống trường tồn, bất diệt ấy…

1. Chồng đi biển xa, hàng ngày Nguyễn Thị Hạnh (1982), phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng, chăm vài con lợn, con gà và nuôi dạy hai cô con gái ngoan ngoãn, xinh xắn. Cuộc sống bình yên và hạnh phúc ấy bỗng chốc vụt bay khi vô tình trong một lần đi khám sức khỏe, chồng Hạnh phát hiện mình bị nhiễm HIV (năm 2008).

Lúc bấy giờ, HIV đã không còn gì là xa lạ đối với người dân làng chài nên mọi người khuyên Hạnh đi xét nghiệm. Mặc dù biết trước nguy cơ lây nhiễm HIV từ chồng là rất lớn, và đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận hung tin, nhưng người phụ nữ này vẫn không tránh khỏi sốc khi cầm trên tay tờ giấy xét nghiệm.

Sau cái ngày định mệnh ấy, đã có thời gian khá dài, Hạnh sống trong trầm uất và đau khổ. Ngày nối ngày chỉ có nước mắt và uất hận… Nhưng chính sự ra đi của người chồng vào năm 2011 lại là liều thuốc giảm đau cực kỳ hữu hiệu.

Chết là hết và không nên thù hận người đã chết. Hơn nữa, nếu cô cứ sống mãi trong hận thù và sầu khổ, biết bỏ con cho ai, bố mẹ chồng ai sẽ chăm sóc. Nghĩ là làm, cô lao vào kiếm tiền nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già. Nhưng nghiệt ngã thay, đúng lúc này bản thân cô lại ngã bệnh.

Không chỉ phải điều trị ARV, cô còn phải nai lưng kiếm tiền điều trị những biến chứng của bệnh lao. Vừa lao tâm vừa lao lực, sức khỏe của Hạnh ngày càng suy yếu, bao nhiêu tiền đổ vào chữa bệnh cũng không đủ. Tưởng chừng kệt quệ, tưởng chừng buông xuôi… Nhưng không, trong sâu thẳm trái tim của người phụ nữ, tình yêu thương và nghị lực sống lại trỗi dậy. Được sự động viên và chia sẻ của Câu lạc bộ (CLB) Hoa Hướng Dương I (CLB của những người bị lây nhiễm HIV từ chồng ở TP), Hạnh đã đứng lên đối mặt với cuộc sống.

Với 5 triệu đồng tiền nhóm cho vay (trên cơ sở nguồn hỗ trợ của Quỹ Y tế Hà Lan) từ tháng 4/2012, Hạnh đã lập dự án, mua thuyền máy để chở khách ở khu vực Bến tàu du lịch. Trung bình, mỗi ngày chiếc thuyền máy nhỏ bé này cũng giúp Hạnh có được 70-80.000 đồng để nuôi con và thuốc thang cho bản thân. Có ngày đông khách thu nhập của cô lên tới vài trăm ngàn đồng.

Có thuốc tốt trị bệnh đều đặn, tinh thần thoải mái, sức khỏe của Hạnh đã dần ổn định. Điều khiến Hạnh vui hơn là bà con chòm xóm giờ không những dòm dỏ, kỳ thị với gia đình cô, mà còn sẵn sàng giúp mẹ con cô lúc tối lửa tắt đèn, giới thiệu khách tham quan mỗi khi họ có nhu cầu. Ngày lại ngày đưa khách ra tầu để đi tham quan các điểm du lịch ở Vịnh Hạ Long, cô lại thấy thêm yêu hơn TP nhỏ bé này. Và cuộc sống mới đã thực sự đến với cô và hai công chúa nhỏ…

Nguyên nhân lây nhiễm HIV của họ là từ chồng (Ảnh minh họa)

2. Cũng giống như bi kịch của những phụ nữ bị chồng truyền cho con vi rút nguy hiểm này, bản lĩnh sống kiên cường của chị Lê Thị Hương (34 tuổi), trú tại phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long đã khiến nhiều người phải nể phục.

Hương buồn chán và đau đớn cùng cực khi biết mình bị nhiễm HIV. Mặc dù, chưa có nhiều người biết về tình trạng bệnh tật của vợ chồng cô, cũng không mấy ai kỳ thị, nhưng Hương tự kỳ thị chính mình và cô quyết định đóng cửa hiệu làm tóc khi nó đang ở thời kỳ hưng thịnh nhất, sau khi chồng mất.

Nhưng, vết thương trong lòng rồi cũng liền sẹo. Sau một thời gian giam mình trong nhà, Hương không thể dối lòng mãi bởi bản thân cô vẫn còn rất yêu cuộc sống. Chính bởi vậy, cô đã lên mạng tìm kiếm thông tin, tài liệu về HIV/AIDS. Rồi cô gặp những người cùng cảnh, gia nhập CLB Hoa Hướng Dương và bắt đầu làm việc cho các dự án trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS.

Cũng trong thời gian này, Hương đã gặp người bạn đời mới của mình. Anh cũng là một người đang sống chung với HIV. Cả hai cùng nhiễm HIV, khó khăn, vất vả cũng nhân lên gấp đôi nhưng ngược lại, họ có chung hoàn cảnh, cùng chia sẻ với nhau mọi khó khăn, hoạn nạn và động viên nhau hướng về một tương lai tươi sáng hơn.

Giờ đây, Hương cũng đã lấy lại tự tin để sống, làm việc và nuôi con, cô cũng thừa nghị lực để vượt qua mọi cú sốc, đồng thời sẵn sàng đào tạo nghề tóc cho các bạn cùng cảnh có nhu cầu học nghề. Hương chỉ tiếc một điều: Nếu như trước kia mình có kiến thức, chồng cô và nhiều người khác sẽ không chết một cách dễ dàng như thế…

3. Và: “Chúng ta không phải xấu hổ vì chúng ta không chơi bời gì, mà bị lây nhiễm từ chồng. Các bạn hãy tự tin, bản lĩnh lên và mạnh mẽ sống, hy vọng vào một tương lai sẽ có thuốc chữa khỏi…”, “ai cũng phải trải qua giai đoạn sốc, buồn chán, rồi sẽ đến lúc quên đi, chấp nhận và lấy lại niềm tin vào cuộc đời”… là những triết lý sống mà Hương đưa ra để động viên, khuyến khích những người cùng cảnh ngộ.

Triết lý đó không chỉ có ý nghĩa với những người rơi vào hoàn cảnh như Hương, mà còn là động lực tinh thần rất lớn giúp tất cả chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bởi cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Và tôi tin vào câu khẳng định của văn hào nào đó: “Một cánh cửa khép lại, sẽ lại có một cánh cửa khác được mở ra”.

PLVN
Tag: Phụ nữ , HIV , Gia đình , Quảng Ninh , Đời sống , Phóng sự , Tin tức xã hội