Câu chuyện của họ, những chiến sĩ - bác sĩ trong các trại tạm giam Công an Hà Nội không chỉ là những khó khăn, gian khổ, những hiểm nguy luôn phải đối mặt hàng ngày mà còn là câu chuyện của tình người.
|
Chuyện của những bệnh nhân... “Chí Phèo”
Lẽ thường, khi có bệnh thì người ta mới tìm đến bác sĩ. Thế nhưng trong trại giam thì chuyện đó đôi khi lại không hề bình thường. Đơn giản bởi có những can phạm dù không mang bệnh nhưng vẫn quyết tâm đòi… gặp bác sĩ. Thượng úy Hà Minh Tuấn, cán bộ Bệnh xá Trại tạm giam số 1 Công an Thành phố Hà Nội, người đã có kinh nghiệm nhiều năm đối phó với bệnh nhân kiểu… “Chí Phèo” này đã kể cho chúng tôi nghe về những trường hợp mà anh trải qua. Những bệnh nhân dạng này thường là những can phạm có tiền án đầy mình, ra tù vào trại như đi… siêu thị nên có nhiều kinh nghiệm… ở tù và đối phó với cán bộ trại giam.
Để đạt được mục đích, can phạm tìm nhiều cách gây tự thương hòng tạo ra triệu chứng của những căn bệnh nặng, càng nặng càng tốt. Có nhiều trường hợp can phạm có biểu hiện ho ra máu và yêu cầu được gặp bác sĩ để khám bệnh. Nếu mới nhìn qua thì tưởng bệnh nhân đang mắc một chứng bệnh rất nặng, nhưng với bác sĩ có kinh nghiệm sẽ phát hiện ra rằng can phạm nuôi móng tay dài sau đó dùng móng tay để chọc vào cổ họng gây chảy máu, khiến người ta tưởng bệnh nhân đang ho ra máu thật. Ranh mãnh hơn có đối tượng ngậm thuốc đánh răng trong mồm rồi giả vờ lên cơn co giật, sùi bọt mép. Thậm chí có can phạm liều lĩnh đến mức nuốt con cuốn chiếu hoặc đuôi thạch sùng khiến cho bụng bị căng chướng vài ngày, bác sĩ khó xác định được nguyên nhân. Tất cả những trò ma mãnh giả bệnh mà can phạm bày ra đều nhằm mục đích được ra khỏi trại để đến bệnh viện tuyến trên. Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm thì rất có thể bị các đối tượng này lợi dụng nhằm mục đích thông cung sau khi đã được ra ngoài, gây khó khăn cho quá trình điều tra.
Bên cạnh những “bệnh nhân” giả mắc bệnh thì lại có những bệnh nhân thật sự nhưng lại…không chịu đi chữa bệnh. Trại tạm giam số 1 – công an Hà Nội là nơi giam giữ nhiều đối tượng phạm tội nghiêm trọng. Có nhiều trường hợp, các can phạm biết mình khó thoát khỏi mức án cao đã nảy sinh tâm lý chán chường không muốn chữa bệnh và khai sai tình trạng bệnh tật của mình. Lại cũng có những trường hợp bệnh nhân trước khi vào trại đã mắc những căn bệnh hiểm nghèo, quá trình bị giam giữ, cách ly khiến can phạm có những biểu hiện tâm lý không ổn định. Tới khi phát bệnh dù được bố trí đưa tới bệnh xá để khám chữa nhưng họ bất hợp tác và tìm mọi cách để phản ứng, chống đối bác sĩ. Trung tá Lê Thị Thu, Tổ trưởng Tổ y tế của Trại tạm giam số 1 đã từng gặp phải nhiều tình huống như vậy, nhưng câu chuyện mà chị nhớ nhất là một can phạm mắc HIV bị bắt về tội cướp tài sản với hành vi thường xuyên dùng kim tiêm dính máu để… xin tiền. Khi anh ta được đưa vào trại, chuyển đến trạm xá để khám bệnh thì can phạm này đã tự rạch tay khiến máu chảy rất nhiều đồng thời không cho các bác sĩ vào cấp cứu. Sau đó, chị Thu cùng các đồng nghiệp đã phải giải thích, động viên rất lâu thì anh ta mới đồng ý để mình được băng bó.
Chuyện của những bác sĩ... đa năng
Do đặc thù môi trường công tác, nên dù là tuyến y tế cấp thấp nhất nhưng các y, bác sĩ của các trại tạm giam Công an Hà Nội vẫn phải gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ. Nhiều người đã ví những bệnh xá này giống như bệnh viên đa khoa thu nhỏ, trong khi điều kiện cơ sở vật chất có hạn nhưng vẫn phải điều trị cho nhiều loại bệnh khác nhau. Rất nhiều can phạm khi vào trại đã bị nhiễm HIV-AIDS ở giai đoạn cuối kèm theo các loại bệnh cơ hội khác. Đây là những bệnh nhân mà cán bộ của bệnh xá phải chăm sóc phải vất vả nhất.
Có những trường hợp nếu chỉ nghe kể qua bệnh trạng thì không ít người yếu bóng vía phải rùng mình. Bác sĩ – Đại úy Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam số 2 không còn xa lạ gì với những can phạm như vậy. Anh đã từng chữa trị cho một ca mắc HIV bị hoại tử cơ đùi được nhập trại trong tình trạng đã thối rữa toàn bộ mảng thịt từ hông đến đầu gối, lộ cả xương đùi. Khi bác sĩ tháo gạc cho bệnh nhân này, phần thịt hoại tử đã bị ròi làm tổ. Kiên trì khâu, rửa và cho dùng thuốc liên tục trong 2 tháng, bệnh nhân này đã ổn định và phần cơ đùi dần liền da. Một trường hợp khác bác sĩ Hải cũng phải trực tiếp điều trị là một bệnh nhân nhiễm HIV bị mắc bệnh viêm da tiết bã toàn thân. Gần như 100% diện tích cơ thể bị lở loét, kể cả các phần hốc mắt, mũi, miệng. Trong những tình huống đó, nếu không có tâm niệm về y đức thì khó có thể giúp cho bệnh vượt qua được giây phút hiểm nghèo.
Có một nghịch lý dù được coi là tuyến dưới, nhưng các y, bác sĩ tại trạm xá vẫn phải điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc hàng loạt loại bệnh thuộc tuyến trên như suy kiệt nặng do lao phổi, nhiễm khuẩn huyết gây viêm màng trong tim, viêm gan, các loại bệnh nội tiết… Có bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên nhưng cũng nhiều trường hợp để đảm bảo yêu cầu công tác, các y, bác sĩ buộc phải tự điều trị theo phác đồ có sẵn. Đôi khi các bác sĩ tại Trại tạm giam số 1 còn phải kiêm nhiệm luôn vai trò của bác sĩ sản, nhi khoa bởi có một số phạm nhân nữ vào trại đang mang thai nhưng phạm tội nguy hiểm nên cơ quan điều tra vẫn ra lệnh tạm giam. Các trường hợp này cán bộ y tế phải thường xuyên thăm khám và đưa về bệnh viện phụ sản để kiểm tra, nhất là trong những tháng cuối lý do vì trong buồng giam ít đi lại, nên đến cận ngày sinh họ vẫn chưa chuyển dạ. Lúc đang mang bầu là vậy, còn khi một công dân mới chào đời và theo mẹ vào trại, các y, bác sĩ ở đây còn phải thường xuyên thay nhau chăm sóc cho những đứa trẻ sớm thiệt thòi này. Vào những lúc cao điểm, ở Trại số 1 có tới 6 cháu bé cần được chăm sóc như vậy khiến cho công việc của những y bác sĩ vốn đã bận rộn lại càng căng sức hơn.
... Và những câu chuyện ít người biết
Có chứng kiến công việc hàng ngày của đội ngũ y, bác sĩ tại các trại tạm giam Công an Hà Nội mới hiểu hết được những khó khăn, vất vả mà những người lính mặc áo trắng đang phải đối mặt. Trong số bệnh nhân được điều trị tại bệnh xá, tỉ lệ người nhiễm HIV rất cao, thế nhưng biện pháp phòng hộ cho họ lại không có gì khác ngoài… găng tay và khẩu trang. Rất nhiều trường hợp phải dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân hoặc bị đối tượng bất hợp tác, hung hãn, tấn công. Đã có một nữ y tá của Trại tạm giam số 1 bị phản ứng phụ do quá trình dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV, dù lập gia đình đã lâu nhưng hiện chị vẫn chưa sinh nở được.
Thêm nữa, hiện các bệnh xá đều đang rơi vào tình trạng quá tải. Trại tạm giam số 1 là trại tạm giam lớn nhất của thành phố với hơn 3.000 phạm nhân nhưng bệnh xá của trại chỉ có quy mô 35 giường bệnh. Lúc cao điểm, nơi đây phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn gấp 2 thậm chí gấp 3 lần khả năng. Trong khi số lượng cán bộ y tế của trại chỉ có 20 người (gồm 4 bác sĩ, 3 y sĩ, còn lại là các y tá) vừa khám chữa bệnh cho các phạm nhân vừa đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe cho hơn 400 cán bộ, chiến sĩ của trại. Tương tự như trại tạm giam số 1, trại tạm giam số 2, tuy quy mô tuy nhỏ hơn song cũng rơi vào tình trạng quá tải với 5 cán bộ y tế trên tổng số gần 800 phạm nhân. Đại úy Nguyễn Thanh Hải, người đã có thâm niên hơn 16 năm gắn bó với trại số 2 chia sẻ: do công việc luôn bận rộn nên kể từ khi về trại đến nay anh chưa có nổi một kỳ nghỉ phép. Còn với thiếu úy Nguyễn Thị Cảnh, chị lại có những tâm tư khác. Ở trại số 1 cán bộ nữ trẻ chiếm tới gần 2/3 quân số của bệnh xá trong khi đa phần các can phạm lại là nam giới nên việc đối phó với những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi của đối tượng có nhiều kinh nghiệm là điều không dễ dàng. Đó là còn chưa kể tới việc khi lập gia đình và có con nhỏ, các chị chỉ được miễn trực đêm trong 12 tháng đầu bởi sự đau ốm của bệnh nhân thì không phụ thuộc vào giờ giấc.
Vượt qua những khó khăn, vất vả trong công việc, đội ngũ y, bác sĩ tại các trại tạm giam của Công an Hà Nội mà tôi có dịp được tiếp xúc đều chọn cho mình một niềm vui thật giản dị. Hạnh phúc đối với họ là được nhìn thấy những bệnh nhân khỏe mạnh trở lại. Dẫu biết con đường phía trước của những con người này còn nhiều thử thách, song những chiến sỹ - bác sỹ ở đây đang góp phần không nhỏ giúp cho họ giữ gìn sức khỏe để đợi ngày trở về hòa nhập với cộng đồng.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành