Chuyện ly kỳ về hồ tiên nữ giáng trần ở Hà Giang
Thứ bảy, 13/10/2012 08:08

Ẩn sâu bên trong “tim” núi xuất hiện một hồ nước trong vắt hình lòng chảo, xung quanh là những hàng ghế đá màu xám, nằm phía trên nữa là khối đá hình đầu rồng.

Núi Phai Chỉ mang nhiều câu chuyện ly kỳ, huyền bí về những nàng tiên giáng trần

Núi Phai Chỉ mang nhiều câu chuyện ly kỳ, huyền bí về những nàng tiên giáng trần

Theo người dân sống dưới chân núi này, đây là nơi các nàng tiên đã giáng trần xuống tắm.

Dãy núi Phai Chỉ trùng trùng điệp điệp thuộc xã Kim Ngọc (Bắc Quang, Hà Giang) từ xa xưa vẫn lưu truyền chuyện về tiên nữ giáng trần. Sự xuất hiện của các nàng tiên cùng lời đồn thổi về những báu vật tiên nữ để lại đã khiến bao người tò mò, bất chấp hiểm nguy đi tìm kho báu để mong được đổi đời. Do địa hình hiểm trở, quá trình khám phá đều dang dở, đứt đoạn. Đến nay còn rất nhiều điều bí ẩn cùng những câu chuyện ly kỳ huyền vẫn được truyền lại cho thế hệ sau mà chưa có lời giải đáp.

Những chuyện ly kỳ trên núi Phai Chỉ

Núi Phai Chỉ (núi tiên) theo tiếng Tày là Phiao Chỉ (ý nói là núi chỉ về hướng bắc) được người dân truyền miệng là ngọn núi có tiên nữ giáng trần và đem theo nhiều chum vàng bạc châu báu cất giấu trong một cái hang sâu thẳm ở lưng chừng núi.

Một số vị cao niên trong làng kể, nơi có ngọn núi tiên ngự trị vốn là một vùng núi hoang sơ hẻo lánh, xưa chỉ có vài gia đình sống đơn sơ dưới chân núi. Rồi tình cờ, những người thợ săn trong vùng phát hiện ra trên núi có một hồ nước tuyệt đẹp, nơi được cho là các tiên nữ tắm.

Theo già làng Nguyễn Đình Lư, thời còn trẻ, ông nhiều lần từng leo lên tận đỉnh núi và tận mắt chiêm ngưỡng hồ nước trong vắt như hình lòng chảo, xung quanh là những chiếc ghế đá thô màu xám, bên trên hồ là một phiến đá hình đầu rồng khá cao. Nơi này hiểm trở, phải dùng dây leo rừng, và có sức khỏe mới có thể leo lên được.

Già làng Nguyễn Đình Lư kể chuyện hồ tiên.

Đã có rất nhiều người dân gần xa, kể cả dân ngoại tỉnh đổ về đây, bắc dây trèo lên tận đỉnh núi cao tít mù khơi để tìm kiếm vàng bạc châu báu do các nàng tiên để lại nhưng đều không có kết quả. Không những không tìm thấy châu báu, vàng bạc, họ còn phải ra về trong niềm lo âu, thấp thỏm vì những lời đồn nghe được khi đến khám phá khu vực này. Lời đồn rằng ngọn núi tiên này từ lâu đã có thần cây bảo vệ, người nào vào trong phá phách, xúc phạm đến các ngài sẽ phải trả giá cho những việc làm của mình. 

Một già làng là Ma Văn Sán kể, từ khi mới sinh ra cụ đã thấy trên lưng chừng núi có những gốc cam, gốc vải cổ thụ, trái ngon ngọt. Nhưng những trái cây này chỉ có thể ăn ngay ở trên đó, còn nếu lấy đem về thì tự nhiên không thể tìm được đường xuống, cho dù có đi hết lối này đến lối khác thì mãi vẫn chỉ luẩn quẩn trên núi. Những câu chuyện mang màu huyền bí cộng với việc có những người chết và mất tích ở khu vực này càng trở nên bí ẩn.  

Già làng Sán kể, trước đây ở vùng này không ai có thể ở lâu được. Từng có một số người Mông cũng đến sinh sống nhưng do bệnh tật, làm ăn không được nên họ đã kéo nhau mà đi. Mới cách đây một năm cứ vào nửa đêm mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng thường xuyên có những tiếng gió rít nghe như hổ gầm trên núi đến rợn người. Khi đó nhiều nhà lân cận đã tính chuyện bỏ đi, rồi cả làng họp nhau lại, bàn góp đồ cúng bái vào ngày 1/2 và 2/6 hàng năm để thờ thần núi. Kể từ đó, người dân mới có cuộc sống yên ổn để tập trung vào làm ăn.

Người thợ săn lành nghề và chum vàng biến mất

Già làng Nguyễn Đình Lư cho biết, núi Phai Chỉ là ngọn núi thiêng, trên hồ tắm tiên xuất hiện một tảng đá hình đầu rồng há miệng. Theo truyền thuyết của người Tày, con rồng đại diện cho trời, thường đi mây về gió, hổ là con vật đại diện cho đất vì có sức mạnh thống trị cả rừng xanh. Hai con vật đại diện cho trời và đất nhìn thấy nhau là dừng lại. Khi con rồng bay về hướng Bắc thì nhìn thấy con hổ đứng ở phía Bắc nhìn mình nên rồng dừng lại đúng vào lúc tiên giới hạ phàm để thưởng thức không khí trong lành nơi hạ giới nên đã biến nơi này thành núi, và con rồng biến thành đá, vì vậy mới có hình đầu rồng trên núi.

Đến ngày nay, giữa lưng chừng núi vẫn còn vẹn nguyên những gốc cây cổ thụ mà người dân nơi đây tâm niệm đây chính là thần cây được các vị tiên mời về để giữ vàng bạc của cải không cho những kẻ có lòng tham nơi hạ giới chạm vào. 

Ông Hoàng Văn Đề, một thợ săn khét tiếng trong vùng cho biết, trong nghề đi săn, chưa có con vật nào trong tầm ngắm của ông có thể thoát thân. Nhưng có một lần ông rượt con lợn rừng vào trong hang thì con lợn bỗng quay lại tấn công khiến ông khựng người, sau đó nó chạy đến cạnh một pho tượng bằng đá hướng ánh mắt hung dữ về phía ông. Đặc biệt, phía dưới chân pho tượng bằng đá nơi con lợn đứng ông nhìn thấy cái chum vàng óng ánh. Ông vội ra ngoài kêu thêm người và lấy dây để leo vào hang, nhưng khi quay lại thì pho tượng, lợn và chum vàng đã biến mất không còn chút dấu vết. Ông hốt hoảng chạy về trong nỗi lo sợ tột cùng và ốm mấy ngày liền.

Thợ săn Hoàng Văn Đề từng phát ốm vì kho báu núi tiên.

Một số người dân từng lên núi tìm vàng kể, hang này vô cùng sâu, đi hết 2 đôi pin đại mà vẫn đen như mực, có nhiều chỗ phải nhảy qua mới có thể đi tiếp, không cẩn thận sẩy chân là có thể mất mạng. Ngoài ra, miệng hang cũng sâu như giếng nước, phải dùng dây leo mới xuống được.

Anh Nùng Văn Sơn cùng với 4 anh em khác đã từng một thời cất công mang cơm gạo lên núi Phai Chỉ tìm vàng cho hay, đường dẫn vào hang vô cùng hiểm trở, có những đoạn hẹp, phải nằm sấp chui người mới qua được, đi một lát chỉ cần chạm nhẹ vào khối đá trên đầu thì thấy các phiến đá bỗng dưng rung chuyển như sắp sập đến nơi nên anh tức tốc gọi anh em ra về, bỏ dở mộng săn tìm báu vật. 

Anh Nùng Văn Sơn cũng từng đeo mộng tìm các chum vàng của các tiên nữ.

Anh Sơn cho biết thêm, cách đây 2 năm có một đoàn người không biết từ đâu tới đem theo máy móc cùng nhiều trang thiết bị hiện đại lên chân núi để khai thác đá nhưng liên tiếp gặp tai nạn khiến họ phải bỏ cuộc. 

Hiện nay người dân quanh vùng và các tỉnh lân cận đã dần từ bỏ cái giấc mơ mong được đổi đời, thay vào đó là sự tôn sùng sức mạnh của một thế lực siêu nhiên mà theo họ vẫn thường hay nói là “mắt thường không thể nhìn thấy”.

Đi tìm hồ tiên

Để tìm hiểu đầu đuôi ngọn ngành và thực hư về những điều huyền bí xung quanh ngọn núi kỳ lạ này, chúng tôi đã nhờ Zin, một người bản địa từng là thợ săn trong vùng một thời lăn lộn vào hang dẫn đi. Đường lên đỉnh núi có những chỗ cheo leo, vách đá dựng đứng. Phải vật vã gần nửa ngày chúng tôi mới đặt được chân lên đỉnh núi. Hướng cánh tay vào sâu trong núi, Zin bảo đầu rồng nằm ở bên trên cái hồ, phía dưới là hồ tắm tiên.

Miệng hang tiên ngày nay.

Miệng hang là một hố sâu chừng 10m, nhưng đường dẫn vào hang lại nằm ở lưng chừng hố nên chúng tôi phải bắc dây để tiến sâu vào hang. Bên trong có những đoạn vô cùng hẹp, ẩm thấp, một người phải khéo léo trườn vào như con rắn mới có thể qua, càng đi vào sâu không khí bên trong càng ngột ngạt. Tiến sâu thêm phía trong hang tối như hũ nút, rộng mênh mông. Những tiếng động lạ bên trong đập vào các thành đá tạo ra âm thanh vô cùng khó hiểu.

Càng tiến sâu, hang càng âm u, rờn rợn. Không một vạch sóng điện thoại, chiếc máy ảnh chụp không thể phát sáng được bởi hơi nước bốc lên, đèn pin đã hết kiệt, không khí càng lúc càng thấy ngột ngạt. Biết nơi đây không thể ở lại lâu, chúng tôi đành cố bám đuôi nhau tìm lối ra.

VNN
Tag: Hồ Phai Chỉ , Hà Giang , Hồ tắm tiên , Truyền thuyết , Tâm linh , Di tích lịch sử , Phóng sự , Tin tức xã hội