Trên 20 năm trước, một người dân Vĩnh Long bị bắt trong vụ án buôn lậu rồi sau đó được thả. Tuy nhiên, mãi đến nay ông này vẫn chưa được xóa lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
|
“Bị can” này là ông Nguyễn Đình Nhu (49 tuổi) ngụ khóm 7, thị trấn Cái Vốn, huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Theo ông Nhu, giữa tháng 11/1990 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang (cũ) khởi tố vụ án buôn lậu ôtô nên một tháng sau ông bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi buôn lậu qua biên giới. Quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra đã giữ của ông Nhu 2 xe ô tô với 2,8 lượng vàng 24K.
Ông Nhu bức xúc trình bày "oan án" suốt trên 20 năm nay
Gần một năm sau, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang có kết luận điều tra, chuyển sang VKSND tỉnh Hậu Giang đề nghị truy tố ông Nhu vai trò đồng phạm với bị can Phonneng (Campuchia) về tội buôn lậu vì mua xe TAIBOT do Phonneng mang từ Campuchia sang Việt Nam.
Thế nhưng đến ngày 5/5/1992 ông Nhu được tại ngoại nhưng lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo thời gian, vụ án chìm vào quên lãng, ông Nhu không bị đưa ra xét xử và bị “giam lỏng” bởi lệnh cấm rời khỏi địa phương suốt trên 20 năm nay.
“Hơn 20 năm qua sau khi nhận được bản kết luận điều tra đến nay tôi không nhận được bất kỳ văn bản hay yêu cầu hoặc lệnh triệu tập nào của cơ quan điều tra. Ngoài ra, tôi cũng không nhận được quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án và được ‘giải thoát’ vì cơ quan điều tra chưa xóa lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú nên tôi không đi đâu được ”, ông Nhu bức xúc.
Sau hàng chục năm khiếu nại, tháng 10/2009, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ (Hậu Giang cũ) trả lời rằng trường hợp khiếu nại của ông Nhu thuộc thẩm quyền của VKSND TP Cần Thơ. Tuy nhiên, từ đó đến nay cơ quan công tố ở Cần Thơ không giải quyết, từ chối tiếp xúc và không trả lời cho ông Nhu biết thêm điều gì.
Ông Nguyễn Hữu Lợi trả lời báo chí tại buổi họp báo vài ngày trước
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Nhu nói rằng rất mặc cảm vì mang tiếng là “bị can” suốt hơn 20 năm qua.
“Nếu tôi có tội thì yêu cầu được truy tố. Nếu không có tội hoặc không thể truy tố xét xử được thì yêu cầu cơ quan chức năng phải có văn bản đình chỉ điều tra bị can để tôi trở thành công dân bình thường”, ông Nhu nói.
Theo luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý ở Cần Thơ thì trong trường hợp này đương sự (ông Nhu) nên làm một đơn khiếu nại khẩn gởi Cục Điều tra VKS Tối cao. Nguyên nhân là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.
“Nếu đã có kết luật điều tra chuyển VKS cùng cấp thì trong thời hạn 2 tháng VKS phải có một trong hai quyết định ra cáo trạng hoặc trả hồ sơ. Nếu cho đến thời điểm này, VKS chưa có một trong hai quyết định nêu trên thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về VKS vì vụ án đã hết hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Thành phân tích.
Tại buổi họp báo thường niên tại Cần Thơ cách nay hai ngày, chuyện “oan sai” của ông Nhu được đặt lên bàn chủ tọa. Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Lợi - Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho biết vừa chỉ đạo VKSND TP Cần Thơ phối hợp với Công an TP Cần Thơ phối hợp giải quyết dứt điểm vụ này.
Theo ông Lợi, vụ án buôn lậu mà ông Nhu bị điều tra liên quan đến người nước ngoài nhưng trong quá trình thụ lý cơ quan chức năng đã không làm việc được với đối tượng vi phạm nên chưa đưa ra xét xử. Thời gian tới sẽ xem xét ra quyết định đình chỉ vụ án này cũng như trả lại tài sản thu giữ trong vụ án.
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?