Chủ doanh nghiệp chết, khởi kiện ai và kiện ra toàn án nào đòi nợ?
Thứ bảy, 06/09/2014 18:19

Chủ doanh nghiệp tư nhân chết, doanh nghiệp bị thu hồi dự án, Công ty được đổi tên khác, vợ chủ doanh nghiệp không thanh toán, món nợ nhiều năm vẫn không lấy lại được.

Chủ doanh nghiệp chết, khởi kiện ai và kiện ra toàn án nào đòi nợ?

Chủ doanh nghiệp chết, khởi kiện ai và kiện ra toàn án nào đòi nợ?

Cháo đã múc...

Ông Trần Văn Mạnh (ở ấp Tân Long, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) trình bày, từ ngày 8/1/2010 đến 3/2/2010 ông có thi công san lấp mặt bằng cho Công ty TNHH MTV Hà Thành do ông Nguyễn Ngọc Thành làm Tổng Giám đốc, san lấp bằng cát để xây dựng Nhà máy Chế biến Nông sản xuất khẩu tỉnh Sóc Trăng tại Khu Công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng (thửa số 217, diện tích 36.000m2) tọa lạc tại ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Số lượng cát đã san lấp là 8.627m3, thành tiền là 301.945.000 đồng. Thực hiện san lấp xong, ông Mạnh chưa được công ty của ông Thành thanh toán tiền công. Ông Mạnh nghĩ đơn giản rằng đằng nào doanh nghiệp của ông Thành còn trụ sở tại KCN An Nghiệp nên cũng không rốt ráo đòi nợ. Ai ngờ sau đó xảy ra nhiều sự cố khiến ông có nguy cơ mất trắng món tiền trên.

Chuyện là, do Công ty TNHH MTV Hà Thành của ông Thành không triển khai dự án theo tiến độ cam kết, không chứng minh được khả năng tài chính và không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước nên sau đó UBND tỉnh Sóc Trăng đã thu hồi đất theo quy định. Tiếp đó, vào cuối năm 2011, ông Nguyễn Ngọc Thành - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Thành cũng là Giám đốc Nhà máy chế biến Nông sản xuất khẩu tỉnh Sóc Trăng qua đời. Vợ ông Thành là bà Ngô Kim Út đã làm thủ tục thừa kế chức danh Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Thành theo Luật Thừa kế và đã được Sở Kế hoạch - Đầu tư Hậu Giang điều chỉnh giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định. Sau đó doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng bệnh viện Hà Thành, do bà Ngô Kim Út làm Giám đốc.

Không còn cách nào khác, ông Mạnh đến gặp bà Út đòi nợ. Bà Út nhận nợ nhưng vì nhiều lý do, vẫn không thanh toán cho ông Mạnh. Đến ngày 29/3/2013, bà Út đồng ý viết giấy xác nhận nợ của Công ty Hà Thành với ông Mạnh. Tuy vậy, theo ông Mạnh trình bày thì bà Út lấy lý do Công ty của bà đã bị UBND tỉnh Sóc Trăng thu hồi dự án nên ông Mạnh phải đi kiện Ban Quản lý dự án để đòi tiền bơm cát.

Ngày 1/4/2013, ông Mạnh đến gặp ông Lâm Hùng Kiện - Trưởng Ban Khu công nghiệp An nghiệp tỉnh Sóc Trăng để hỏi về tiền công bơm cát thì được ông Kiện cho biết đã thanh toán xong toàn bộ số tiền của Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu cho bà Ngô Kim Út. Vậy ông Mạnh phải đòi tiền bà Út, nếu không đòi được thì phải kiện ra Tòa án đòi nợ.

doi-no1

...Nhưng tiền mãi không trao

Từ đây, ông Mạnh bắt đầu hành trình đòi nợ đầy gian nan trắc trở do không Toà án nào thụ lý. Ngày 7/8/2012, ông Mạnh khởi kiện vụ án đòi nợ đến TAND huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là nơi ông Mạnh ký hợp đồng và thực hiện việc san lấp cát vào Khu công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhưng đã bị Tòa án trả lại đơn kiện với lý do bị đơn có địa chỉ tại số 94 đường Nguyễn Công Trứ, phường 1, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nên thẩm quyền giải quyết phải do TAND TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) thụ lý.

Ngày 8/10/2012, ông Mạnh gửi đơn đến TAND TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) nhưng cũng bị trả đơn khởi kiện với lý do bị đơn đã bỏ đi khỏi địa bàn trước khi nguyên đơn gửi đơn kiện. Xác nhận của Cục thuế tỉnh Hậu Giang cho rằng Công ty của bà Ngô Kim Út không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký, hiện cũng không rõ công ty chuyển đến địa chỉ nào và có còn hoạt động hay không.

Ông Mạnh khiếu nại đến Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhưng được trả lời việc thanh toán nợ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Khu công nghịêp. Ngày 17/6/2013, Trụ sở tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn ông Mạnh khởi kiện vụ án đòi nợ ra TAND huyện Châu Thành (Sóc Trăng) là nơi có Khu công nghiệp toạ lạc. Tuy nhiên, trước đó ông Mạnh đã khởi kiện và bị TAND huyện Châu Thành trả lại đơn khởi kiện.

Ngày 8/7/2014, Vụ tiếp công dân Thanh tra Chính phủ trả lời hướng dẫn ông Mạnh gửi đơn ra TAND TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) là nơi Công ty Hà Thành có địa chỉ; có điều ông Mạnh cũng đã bị TAND huyện này trả lại đơn khởi kiện.

Ông Mạnh hoang mang, việc ông có cho nợ là sự thật, xác định được bị đơn mà hiện không có Tòa án nào thụ lý, không cơ quan nào giải quyết mặc dù bản thân ông đã khiếu nại, khởi kiện liên tục. Trình bày với Báo Câu chuyện Pháp luật, ông Mạnh lập luận rằng, việc ông phải tìm trụ sở công ty của bà Út đã khó, đòi được khoản nợ của công ty bà Út càng khó hơn vì theo ông công ty này giống như một doanh nghiệp “ma”, khả năng tài chính rất hạn chế. Sự việc Trụ sở tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn ông khởi kiện vụ án đòi nợ ra TAND huyện Châu Thành (Sóc Trăng) khiến ông Mạnh le lói tia hy vọng sẽ khởi kiện Ban Quản lý dự án Khu công nghiệp ra Toà án để đòi nợ nhưng vẫn băn khoăn không biết làm vậy có đúng đối tượng khởi kiện hay không? Ông Mạnh không biết đòi nợ ai, kiện ra Tòa án nào được thanh toán số nợ trên?

Luật sư Vũ Thị Thu Hường (Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc, Hà Nội) phân tích:

Trong vụ việc trên, cần xác định rõ quan hệ pháp luật dân sự được phát sinh giữa ông Trần Văn Mạnh và Công ty TNHH MTV Hà Thành. Vậy nên ông Mạnh cần khởi kiện vụ án đòi nợ với Công ty Hà Thành, sự việc hoàn toàn không liên quan đến Ban Quản lý khu công nghiệp An Nghiệp.

Điều 62 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự như sau: “1. Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.

2. Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự đó được xác định như sau:

a) Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;

c) Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng”.

Như vậy, pháp luật quy định rõ trong mọi trường hợp nghĩa vụ trả nợ của Công ty Hà Thành không mất đi mà được chuyển giao cho cá nhân, tổ chức là thành viên hoặc tiếp nhận quyền, nghĩa vụ tham gia tố tụng để thực hiện nghĩa vụ này. Cụ thể, nếu doanh nghiệp bị giải thể, chấm dứt hoạt động thì bà Ngô Kim Út, vợ ông Thành là người thừa kế quyền nghĩa vụ phải có trách nhiệm trả nợ. Nếu doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng - trường hợp này bà Ngô Kim Út cũng là người đại diện đứng ra chịu trách nhiệm trả nợ.

Ở đây, ông Mạnh cần có thông tin chính xác về việc Công ty xây dựng bệnh viện Hà Thành còn tồn tại hay đã giải thể để xác định chính xác tư cách bị kiện của bà Ngô Kim Út là cá nhân hay pháp nhân. Nếu doanh nghiệp của bà Út vẫn đang hoạt động, ông cần tìm ra địa chỉ Công ty của bà Út để khởi kiện ra Toà án nơi công ty đăng ký trụ sở. Còn nếu doanh nghiệp này đã chấm dứt hoạt động hoặc giải thể, ông Mạnh cần khởi kiện bà Út ra Toà án nơi bị đơn có hộ khẩu thường trú hoặc đang cư trú. Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 168 BLTTDS, trong mọi trường hợp ông phải tìm bằng được địa chỉ của bà Ngô Kim Út, nếu không sẽ chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Trần Nguyên (Câu chuyện pháp luật)-Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: doi no , kien ra toa doi no , doi no chu doanh nghiep da chet , khoi kien de doi no , tin , bao