Từ nhỏ, Nguyên đã phải chứng kiến cảnh người bố nát rượu đánh đập, hành hạ mẹ hết ngày này sang tháng khác.
Nguyễn Phú Nguyên thẫn thờ trước vành móng ngựa |
Mỗi lần nhìn bà đau đớn, nhẫn nhục hứng chịu đòn roi, ngọn lửa oán hờn trong Nguyên lại tích tụ ít nhiều. Để rồi vào đúng ngày Lễ tình yêu, ngọn lửa ấy đã bùng lên thiêu rụi tình phụ tử.
Một gia đình tan nát vì rượu
Chuyện huyết thống nhạt nhòa bao giờ cũng khiến cho người ta thấy nghẹn đắng, bởi đằng sau những câu chuyện đau lòng đó luôn là những cảnh đời ngang trái. Trong vụ án giết người mà TAND TP Hà Nội mới đưa ra xét xử vào cuối tháng 6 vừa qua, dư luận tuy lên án Nguyễn Phú Nguyên (SN 1994, ở cụm 2, xã Liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội) về tội giết bố song cũng cảm thông cho cậu. Bởi, xét ở một góc độ nào đó, Nguyên cũng chỉ là một nạn nhân của bạo lực gia đình. Cuộc đời Nguyên là những bi kịch nối dài…
Ông Nguyễn Phú Bốn (SN 1964, quê ở xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), bố đẻ của Nguyên và cũng là nạn nhân trong vụ án này là người hay rượu. Có lẽ cũng vì chán cảnh chồng suốt ngày say xỉn nên người vợ trước của ông đã bỏ nhà ra đi. Ông Bốn một mình “gà trống nuôi con”. Chứng kiến hoàn cảnh đáng thương ấy, lại thêm người mối lái, bà Nguyễn Thị Kỳ đồng ý theo ông Bốn về làm vợ.
Tưởng cú sốc “bị vợ bỏ” sẽ làm ông Bốn lay tỉnh, thế nhưng “chứng nào tật nấy”, ông vẫn thường xuyên đánh bạn với “ma men”. Chấp nhận về làm “tập 2” của ông Bốn, bà Kỳ cũng chỉ hy vọng sẽ tìm được chốn yên bình để nương tựa. Ấy nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Kể từ ngày bà Kỳ sinh đứa con gái đầu lòng, ông Bốn bắt đầu “ngựa quen đường cũ”, sáng ngày say xỉn. Không những thế, mỗi lần chân nam đá chân chiêu về nhà, ông thường trút lên đầu vợ những trận đòn thừa sống, thiếu chết. Hàng xóm, láng giềng hết lời khuyên giải, rồi các cơ quan đoàn thể, chính quyền xã vào cuộc nhưng cũng chỉ dăm bữa nửa tháng lại đâu vào đấy, ông Bốn vẫn “rượu vào là đánh vợ”.
Bốn năm sau, bà Kỳ sinh tiếp con trai, đặt tên là Nguyễn Phú Nguyên. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé đã phải chứng kiến những trận đòn dã man của người bố trút lên đầu mẹ. Nguyên bảo: “Lúc còn đi học, em luôn tự ti vì hoàn cảnh của mình. Trong đám bạn bè cùng lớp, chẳng đứa nào có gia cảnh như em. Thấy gia đình người ta bố mẹ, con cái thương yêu nhau, em thèm lắm! Lớn lên chút thì em cũng hiểu, mẹ nhất định không chịu ly hôn là vì muốn hai chị em em có đủ cả cha, lẫn mẹ. Em thương mẹ. Nhiều lúc ngồi trong lớp mà đầu óc em không tập trung được, chỉ lo mẹ ở nhà bị đánh mà không có người can”.
Cứ thế, Nguyên lớn lên trong không khí ngột ngạt và tù túng. Trong đầu cậu lúc nào cũng chỉ tâm niệm rằng, sau này sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền để xây một căn nhà rồi đưa mẹ ra đó ở riêng, giúp bà thoát khỏi cảnh suốt ngày bị bầm dập bởi những trận đòn. Thế nhưng, ước mơ ấy vừa mới kịp nhen lên đã bị dập tắt đúng vào ngày Valentine, ngày Lễ tình yêu năm 2012.
Hôm đó, ngày 14/2/2012, ở xã Liên Hiệp có hai gia đình tổ chức cỗ bàn. Do là chỗ quen biết nên ông Bốn đi ăn cỗ và uống rượu ở cả hai nơi. Mãi đến gần trưa, ông mới ngật ngưỡng trở về. Vừa về đến nhà, thấy bà Kỳ đang nấu cơm trưa, ông cất giọng chửi rồi vớ lấy cái điếu cày đuổi đánh. Đúng lúc ấy thì Nguyên từ xưởng mộc về nhà. Thấy bố đuổi đánh mẹ, Nguyên lao vào can ngăn. Sau đó, cậu lặng lẽ dọn cơm ra ăn để còn kịp giờ đi làm buổi chiều. Thấy thế, ông Kỳ quay sang ném nồi cơm ra hè làm cơm bắn tung tóe và đập tan hết thảy bát đĩa.
Thương con, bà Kỳ vừa khóc vừa nói: “Trời đánh còn tránh miếng ăn, ông để con nó ăn xong rồi làm gì hãy làm”. Tức mình, ông Bốn lại tiếp tục cầm điếu cày đánh liên tiếp lên người vợ. Thấy thế, Nguyên lao vào can thì cũng bị ông Bốn vụt mấy cái điếu cày vào đầu. Lúc này, cơn tức giận lên đến đỉnh điểm, bao nhiêu oán hờn tích tụ bấy lâu khiến Nguyên không còn làm chủ được mình. Cậu giằng được cái điếu cày rồi vụt lại vào người bố. Do đang say rượu, lại mất đà nên ông Bốn ngã, đầu đập xuống hè, bất tỉnh. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng vì chấn thương sọ não quá nặng nên ông Bốn đã tử vong.
Trong căn nhà này, Nguyên đã rất nhiều lần phải chứng kiến cảnh bố đánh đập, hành hạ mẹ
Nỗi đau kéo dài
Sau khi chôn cất cho chồng xong, ngày 20/2/2012, bà Kỳ cùng với ông anh chồng đưa Nguyên ra Công an đầu thú. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và cho kết quả đều trùng khớp, phù hợp với lời khai của Nguyên, cũng như của bà Kỳ. Vụ án đã làm chấn động vùng quê nghèo suốt một thời gian dài, người dân ở Phúc Thọ không khỏi bàng hoàng và thương cảm cho cái bi kịch mà mẹ con bà Kỳ phải gánh chịu.
Ngày 19/6/2013, TAND TP Hà Nội đã đưa Nguyễn Phú Nguyên ra xét xử với tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Trước vành móng ngựa, Nguyên đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Nguyên bảo: “Bị cáo cũng không thể nhớ hôm đó là lần thứ bao nhiêu bố đánh mẹ nữa, vì nó xảy ra quá nhiều rồi. Gần như tuần nào, tháng nào mẹ cũng bị bố đánh. Đến hàng xóm, láng giềng cũng quá quen với việc mẹ bị cáo chạy ra đường kêu cứu với các vết thâm tím đầy người. Nhiều đêm bố đi uống rượu về, chả cần có lý do cũng dựng mấy mẹ con dậy rồi đánh. Mẹ sợ quá phải trốn ngoài vườn suốt cả đêm…”. Lời khai của Nguyên khiến những người tham dự phiên tòa hôm ấy phải rơi nước mắt.
Còn mẹ, chị gái và những người thân của Nguyên ngồi phía dưới cũng chỉ biết khóc từ đầu đến cuối phiên tòa. Thấy mẹ ngồi khóc phía dưới, chốc chốc Nguyên lại ngoảng mặt xuống, mắt cậu đỏ hoe. Khi được hỏi, không chỉ mẹ và chị gái Nguyên, mà ngay cả những người thân ruột thịt của ông Bốn cũng xin HĐXX xem xét đến hoàn cảnh phạm tội để giảm nhẹ hình phạt cho Nguyên.
Khi được nói lời sau cùng, Nguyên quay mặt về phía những người thân, nức nở: “Cháu biết tội của mình rồi, giờ chỉ xin mọi người trong gia đình, dòng họ tha thứ. Mẹ cháu cả đời cam chịu, chỉ xin các cô, các bác, các chú ở nhà cố gắng đùm bọc, giúp đỡ để mẹ cháu khỏi buồn tủi…”. Nghe Nguyên nói vậy, cả hội trường như lặng đi, nước mắt lặng lẽ lăn trên khuôn mặt những người tham dự phiên tòa.
Với tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, Nguyễn Phú Nguyên bị HĐXX tuyên phạt 3 năm tù. Khi Nguyên bị dẫn giải về phía xe bít bùng để trở lại trại giam, bà Kỳ cuống quýt đuổi theo cố gắng nắm tay con. Xe trở Nguyên đi khuất, bà vẫn ngồi phủ phục dưới sân Tòa. Chồng mất, con đi tù, nỗi đau quá lớn khiến người đàn bà quê mùa, lam lũ ấy gần như hóa đá…
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar