Từ 3h sáng 12/10, một số người dân đã có mặt ở Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Anh La Xuân Định ở Hiệp Hòa - Bắc Giang đi từ 9h tối qua xuống Hà Nội đến để chờ thắp hương Đại tướng |
Mặc dù 7h30 sáng nay (12/10), lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới chính thức bắt đầu nhưng ngay từ sáng sớm, một số người dân đã có mặt tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông để chờ viếng Đại tướng.
Lúc này, tại khu vực nhà tang lễ, không khí vẫn tĩnh lặng, một số vòng hoa được người dân đặt phía cổng nhà tang lễ. Trên tuyến đường Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, các phương tiện vẫn lưu thông bình thường. Công nhân vệ sinh môi trường bắt đầu dọn dẹp trên tuyến đường gần nhà tang lễ.
Ngồi thẫn thờ trước cổng nhà tang lễ, ánh mắt đỏ hoe, anh La Xuân Định, 32 tuổi, ở Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, từ 9h tối ngày 11/10 anh đi xe máy từ quê xuống Hà Nội để viếng Đại tướng. “Tôi khâm phục tài năng lãnh đạo của Đại tướng qua chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh… Đại tướng mất đi tôi vô cùng đau xót. Biết là sáng nay (12/10) sẽ đông người dân nên tôi từ quê xuống Hà Nội ngay trong buổi tối chỉ mong được vào viếng Đại tướng để tỏ lòng thành kính”, anh Định nói.
Anh Định được nghe cha mình kể về kỷ niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như tài cầm quân của người trong cuộc kháng chiến chống Pháp. “Sáng ngày 6/10, khi nghe tin Đại tướng mất và xem tư liệu về Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ tôi đã bật khóc. Tôi quyết tâm sẽ xuống viếng Đại tướng cho dù phải nghỉ một ngày làm việc”, anh Định cho biết thêm.
Cũng có mặt từ 3h sáng, bà Nguyễn Thị Mão, 78 tuổi, ở quận Đống Đa Hà Nội không khỏi xúc động khi nhớ về Đại tướng. Ánh mắt buồn rầu hướng về phía trong nhà tang lễ, bà Mão nói: “Buổi tối ngày 11/10, nghĩ đến lễ viếng của Đại tướng, tôi đã không thể chợp mắt, nước mắt tôi cứ ứa ra. Thức đến gần 3h sáng, tôi ra ngoài nhà tang lễ sớm mong được vào viếng Đại tướng”.
Bà Mão cho biết, năm 40 tuổi, bà được gặp Đại tướng một lần ở Quảng Trường Ba Đình, Hà Nội. Bà ấn tượng, khâm phục Đại tướng bởi tài cầm quân cũng như tâm lòng nhân hậu của người đối với chiến sĩ, nhân dân. “Đại tướng là vị tướng tài ba của dân tộc. Người mất đi lòng tôi đau giống như mất đi người thân. Sáng nay tôi chỉ muốn đến thật sớm để được vào viếng Đại tướng”, bà Mão nghẹn ngào.
Đứng trầm ngâm nhìn vào Nhà tang lễ Quốc gia, ông Nguyễn Bá Đệ (71 tuổi, Đông Hưng - Thái Bình) nhớ lại những ngày chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Đi xe ô tô chuyến cuối cùng lên Hà Nội vào cuối giờ chiều qua, ông có mặt ở Nhà tang lễ từ 4h sáng. Là cựu chiến binh, từng chiến đấu dưới sự lãnh dạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi nghe tin Đại tướng qua đời, ông Đệ không khỏi đau đớn. Không kịp lên viếng Đại tướng ở nhà riêng 30 Hoàng Diệu, ông đã chuẩn bị khăn tang trắng với mong muốn được để tang người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Khi nhắc về những ngày tháng thanh niên lên đường nhập ngũ, hình ảnh Đại tướng luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ông Đệ, đôi mắt ông ngấn lệ, nghẹn ngào. “Đại tướng từ trần để lại cho tôi cũng như nhiều người sự mất mát lớn lao. Tôi đã mua khăn tang, tới đây từ sáng sớm mong được vào vĩnh biệt người lần cuối. Bởi hình ảnh, tiếng nói, những quyết định, sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng luôn ở trong tôi. Trong những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, Đại tướng là hình ảnh để tôi luôn cố gắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc”, ông Đệ nói.
Ông Nguyễn Bá Đệ (71 tuổi, Đông Hưng - Thái Bình) cầm khăn tang trắng đến viếng Đại tướng.
Trong số đội ngũ hậu cần chuẩn bị cho lễ viếng sáng 11/10, có khá đông các bạn sinh viên tình nguyện đến từ nhiều trường Đại học khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, không ít người từng tham gia công tác tình nguyện trong những ngày gia đình Đại tướng mở cửa đón đồng bào tới viếng. Từ 4h30 sáng, các sinh viên tình nguyên bắt đầu nhận nhiệm vụ. Bạn Nguyễn Đức Hiếu (Sinh viên Đại học Tài Nguyên – Môi trường) chia sẻ: “Chúng tôi tham gia tình nguyện đã mấy ngày nay nhưng hôm nay tôi vẫn muốn được tiếp tục hoạt động này. Tôi muốn góp một phần sức lực nhỏ của mình trong lễ viếng Đại tướng để tỏ lòng thành kính đối với người”.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?
- Hà Nội sắp có tuyến đường sắt trên cao đến sân bay Nội Bài
- Ông Trump phát biểu mừng chiến thắng