Theo đánh giá của nhiều trường, mặt bằng điểm thi đại học năm nay tương đương hoặc cao hơn năm ngoái.
Thí sinh tham dự kỳ thi Đại học 2012 (Ảnh minh họa) |
>> Thí sinh xem điểm thi và điểm chuẩn TẠI ĐÂY
Thí sinh cũng bất ngờ
Tại trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), có 126 thí sinh có điểm thi các môn Ngữ văn, Địa lý cao hơn từ 0,25-3,5 điểm so với điểm thi những môn này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tại ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), có 79 thí sinh có điểm thi ĐH cao hơn điểm thi tốt nghiệp từ 0,25-2 điểm ở cùng một môn. Tại ĐH Hồng Bàng, con số này là 49 thí sinh trong tổng số khoảng 200 thí sinh được đối chiếu. Tương tự với ĐH Văn hóa TP. HCM là 150 thí sinh.
Cá biệt có những thí sinh chỉ đạt 5 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp nhưng lại đạt tới 8-8,5 điểm trong kỳ thi đại học ở cùng môn thi đó.
Trả lời Tuổi trẻ, một số thí sinh có điểm thi ĐH cao hơn điểm thi tốt nghiệp cũng thừa nhận đã khá bất ngờ khi điểm thi ĐH cao hơn dự đoán. Một thí sinh thi vào ĐH Hồng Bàng đạt 7,5 môn văn khối D chia sẻ: “Tôi làm bài thi được hai tờ giấy đôi. Sau khi thi ĐH xong, dò đáp án tôi chỉ đoán mình được khoảng 5-6 điểm. Tôi cũng không biết sao điểm thi của tôi cao như vậy. Học lực môn văn của tôi chỉ đạt mức trung bình và thi tốt nghiệp THPT được 4,5 điểm”.
Trong khi đó, một thí sinh khối C thi vào ĐH Văn hóa TP. HCM cũng rất bất ngờ khi điểm thi cao hơn dự đoán tới 3 điểm.
Những môn thi ĐH có điểm cao bất thường so với điểm thi tốt nghiệp theo khảo sát của Tuổi trẻ hầu hết là các môn tự luận, những môn thi theo hình thức trắc nghiệm hầu như không xảy ra hiện tượng này. Ví dụ, ở khối D Trường ĐH Lạc Hồng có 113 thí sinh có môn văn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, hai môn còn lại là Toán và tiếng Anh đều có điểm thấp hơn thi tốt nghiệp THPT. Hiện tượng tương tự cũng diễn ra với 45 thí sinh dự thi khối D vào Trường ĐH Hồng Bàng.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát ở trường ĐH thuộc tốp trên là ĐH Quốc gia TP. HCM, có tới 84,3% thí sinh có điểm thi môn văn thấp hơn từ 0,25-7 điểm so với kỳ thi tốt nghiệp. Điều này cũng đúng ở môn Toán và môn tiếng Anh.
Có chỉ đạo “chấm thoáng”?
Ông Trịnh Hữu Chung – thanh tra tuyển sinh của ĐH Hồng Bàng cho biết: “Trường chấm thi đúng theo barem của Bộ GD-ĐT và tổ chức hai vòng chấm thi độc lập. Trong quá trình chấm thi có thanh tra Bộ GD-ĐT vào kiểm tra. Mọi việc chấm thi đều được đảm bảo theo quy trình chứ trường không có chủ trương chấm “thoáng” cho thí sinh”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Duy Kha - trưởng phòng khảo thí Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho rằng: “Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH có tính chất khác nhau. Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là xác nhận trình độ phổ thông của người học. Kỳ thi ĐH là tuyển người có năng lực vào học ở bậc cao hơn. Cho nên đề thi ở hai kỳ thi rất khác nhau về độ khó, độ phân hóa nghiêng về kỳ thi ĐH. Do đó, mặt bằng điểm thi ĐH bao giờ cũng thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT ở cùng môn thi. Việc thí sinh có điểm thi tuyển sinh ĐH cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT ở môn thi tương ứng rất ít khi xảy ra”.
TS Vũ Thị Phương Anh - phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập – cho rằng có thể xảy ra hiện tượng chấm thi “không đều tay” ở môn thi tự luận. “Cũng bài thi đó nhưng người này chấm 7 điểm, người khác chấm 8 điểm và người khác nữa có thể chỉ chấm 6 điểm. Đề ĐH thường khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT. Nếu như cùng một giám khảo thì rất khó có điểm ĐH cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT” - TS Phương Anh nói.
Một số thầy cô từng tham gia chấm thi cho rằng thường thì chấm thi tốt nghiệp THPT sẽ “thoáng” hơn chấm thi ĐH. Thi tốt nghiệp, người chấm sẽ tìm ý để cho điểm, trong khi thi đại học sẽ chấm theo khả năng, năng lực tư duy, diễn giải, trình bày… Chính vì thế, mặt bằng điểm thi ĐH sẽ thấp hơn điểm thi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, một số giám khảo khác cho rằng với cách chấm như hiện nay, nếu muốn giám khảo có thể dễ dàng “chấm thoáng” cho thí sinh. “Khi chấm thi tuyển sinh ĐH, các thầy cô trong tổ chấm sẽ thống nhất với nhau dựa trên đáp án của Bộ GD-ĐT. Thầy cô muốn “lấy” điểm cho thí sinh có thể thống nhất với nhau. Chẳng hạn như quy định để đạt 0,5 điểm cần phải có 4 ý nhưng các em đạt 3 ý cũng đã có thể cho điểm. Chuyện này tự hội đồng thi thống nhất thôi” – một giám khảo tiết lộ.
Cũng đồng tình với ý kiến đó, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, nhận định việc chấm thi các môn tự luận “hết sức thiếu khách quan”. Ông cho rằng: “Chỉ cần có chỉ đạo nhẹ tay, cho điểm rộng để tăng số lượng thí sinh trên điểm sàn nhằm tăng số thí sinh tuyển vào trường thì kết quả sẽ được nâng lên một cách dễ dàng”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: “Sau khi điểm thi tập hợp hết về Bộ GD-ĐT, Bộ sẽ so sánh và biết ngay thí sinh nào có điểm thi bất bình thường. Chẳng hạn một thí sinh có hai môn thi điểm rất thấp nhưng môn còn lại điểm cao vọt lên sẽ chấm lại. Những trường hợp này bộ sẽ yêu cầu trường gửi bài thi ra hoặc thanh tra sẽ đến trường chấm lại. Trường chấm xong rồi, thanh tra chấm lại, nếu không đúng vẫn xử lý bình thường, chứ không phải đậu vào trường là xong”.
“Điểm sàn không thấp hơn!”
Trả lời PV, ông Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho rằng điểm sàn của Bộ chỉ có ý nghĩa với các trường dân lập và một số đại học vùng và không ảnh hưởng tới điểm chuẩn của các trường tốp trên.
Ông Sơn và ông Bùi Đức Hiền – trưởng phòng đào tạo ĐH Điện lực đều đồng quan điểm rằng không nên hạ điểm sàn so với năm ngoái. Bởi “điểm sàn khối A 13 điểm đã là quá thấp vì nếu học sinh vùng khó khăn được cộng điểm ưu tiên nhiều tới 3,5 điểm như vậy chưa đến 10 điểm đã đỗ đại học, khó đảm bảo chất lượng” – ông Hiền đánh giá.
Ông Sơn đề nghị nên tăng điểm sàn lên một chút và “cũng không nên để điểm sàn phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh mà nên coi trọng chất lượng, chứ không để tình trạng năm nay tăng, năm sau giảm điểm sàn”.
Nhận định về điểm sàn năm 2012, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Điểm sàn năm 2012, không thấp hơn năm trước và sẽ tăng lên khoảng 0,5 điểm với khối C, D. Căn cứ vào điểm thi năm nay của thí sinh, dự kiến điểm sàn khối A, A1 và B giống năm 2011. Cụ thể khối A, A1: 13; khối B: 14. Với khối C, D, dự kiến sẽ tăng lên 0,5 điểm ở khối C: 14,5; khối D: 13,5”.
Sáng 8/8, Hội đồng điểm sàn 2012 của Bộ GD-ĐT sẽ họp và công bố điểm sàn chính thức.
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành