Câu chuyện 'hạt cơm - con dòi' của mẹ chồng tôi
Thứ bảy, 03/01/2015 14:36

Cô con gái thành phố hoang tàng là tôi đã bị thay đổi bởi một hạt cơm rơi và bài học từ kinh nhà Phật của mẹ chồng, sau bữa sáng đầu tiên sống đời con dâu.

Câu chuyện 'hạt cơm - con dòi' của mẹ chồng tôi

Câu chuyện 'hạt cơm - con dòi' của mẹ chồng tôi

Tôi – cô con gái thành phố sấp ngửa về làm dâu nông thôn khi vừa tốt nghiệp đại học. Thành thực mà nói, khi đó, thậm chí tôi còn chưa biết một bữa, một người ăn thì nấu bao nhiêu gạo là đủ. Chẳng phải tôi dốt nát, hay vụng về, mà bởi trước đó, hết cơm mẹ nấu thì đến cơm ký túc, những bữa vào bếp của tôi hiếm hoi có thể tính được trên đầu ngón tay.

Về nhà chồng, tôi lúng túng như gà mắc tóc. Sẽ phải nấu cơm như thế nào, cân đối đồ ăn ra sao, bữa cơm nông thôn sẽ có bao nhiêu điều khác biệt với những bữa cơm ký túc của lũ sinh viên… Sốc nhất là trong đêm tân hôn, trước khi về buồng ngủ, tôi được mẹ chồng dặn với theo với đầy vẻ thông cảm: “Mai con không phải dậy sớm, cứ có tiếng chuông nhà thờ đổ dậy là vừa. Gạo mẹ đã để sẵn trong nồi, con chỉ việc vo gạo và cắm cơm thôi…”

Ối, cha mẹ quỷ thần ơi! Chuông nhà thờ đổ là 5h sáng, lúc đó, với những cô nàng thành phố thì chỉ vừa bắt đầu đi vào giấc ngủ sâu. Dẫu sao, tôi cũng tự biết mình phải chấp nhận đời làm dâu, lụi cụi đi đặt cả chuông đồng hồ, hẹn giờ cả trong điện thoại. 

Rất may, tôi đã không cần đến sự trợ giúp của chúng, bởi chưa thấy tiếng chuông đã nghe tiếng lạch cạch ngoài nhà của mẹ chồng tôi. 

Ngồi trong căn bếp đậm bản sắc của đồng bằng Bắc bộ với những chiếc nồi đầy nhọ nồi, bóng điện vàng vọt bám màu khói rơm, người đàn bà gần 70 tuổi, lưng còng rạp đầy dấu vết nhọc nhằn của thời gian nhẩn nha khơi ngọn lửa trò chuyện. Dường như biết đôi mắt đầy dấu hỏi của tôi khi phải dậy từ lúc mờ đất, bà bảo: Cũng chả phải vì thói quen, hay vì cái nỗi người già không ngủ được. Mà rằng là ngày thì ngắn lắm, nếu chờ đến lúc sáng trời mới biết rằng ngày mới đã đến thì phí mất bao nhiêu thời gian… Rằng con gà, con lợn cần được cho ăn, rằng cái sân, cái nhà cần được gọn gàng lỡ có khách đến sớm… 

“Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày” – bà thủ thỉ với chính mình, như nhắc nhở, răn dạy con dâu.  

Bữa cơm sáng đã trôi qua khá dễ dàng với vài cọng rau nhặt vội quanh vườn, đĩa thịt rang mặn từ bữa trước, và một ấm trà xanh đặc như có thể cắm cây tăm vào là có thể đứng yên… Xong bữa, tôi dọn đồ, mang bát đi rửa. Khi những cái bát vừa úp ráo tay, tôi quay ra, sững sờ khi thấy mẹ chồng đang cẩn trọng nhặt từng hạt cơm lẫn trong nước rửa bát tôi vừa đổ. Hạt cơm trắng lúc đó, sao nổi bật một cách lạ lỳ giữa nền đất nâu khiến tôi thực sự thấy ái ngại. 

“Nhà có con gà, con lợn, con nhớ gạn cơm thừa để cho chúng ăn, không có thì cũng hất ra ao cho cá. Ngọc thực để phí thế này thật là phải tội. Kinh nhà Phật dạy rằng để phí một hạt cơm, kiếp sau sẽ biến thành con dòi”, tôi như chết lặng sau lời nói của bà.

Cũng may, người đàn bà mau mồm mau miệng ấy đã phá vỡ khoảng "đứng hình" của tôi bằng một câu chuyện à ơi khác. Nhưng cũng từ đó, mỗi khi nhìn thấy hạt cơm rơi, tôi không ngừng bị ám ảnh bởi câu nói của bà. Không phải tôi sợ kiếp sau mình sẽ bị sống kiếp con dòi, mà quả thật, tôi đã bị ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ già lưng còng ngồi nhặt từng hạt cơm trắng giữa nền đất nâu ẩm thấp. 

Cũng từ đó tôi không còn thói quen coi những bát cơm nguội là đồ thừa. Mẹ chồng tôi quý lắm, mỗi khi cuối tuần về quê, con dâu đưa cho bà túm cơm nguội gói ghém dành dụm trong tuần để bà cho gà ăn. Dường như nhận được gói cơm như thế, bà còn vui hơn cả khi được biếu một gói bánh đắt tiền hay mấy chục nghìn mua quà vặt… 

Con cái tôi, tuy không được nghe câu chuyện về “sự tích con dòi” và bài học về hạt cơm mẹ nó lỡ đổ đi, nhưng may mắn, đứa nào cũng biết coi trọng “ngọc thực”. Ngoại trừ những bữa trái gió trở trời, “nuối không nổi”, còn lại, lũ trẻ của chúng tôi luôn vét sạch bát đến hạt cơm cuối cùng. Nếu có lỡ đánh rơi một hạt cơm xuống đất, cũng nhặt lên mâm một cách đầy cẩn trọng. Đời làm dâu của tôi khá ngắn ngủi, nhưng tôi đã được học khá nhiều bài học về tính tiết kiệm của mẹ chồng. Nghe tôi kể chuyện mẹ chồng mình, những đứa bạn tròn mắt ngạc nhiên, những cô con gái thành phố cảm giác như quê chồng tôi là cái xứ sở của vùng mông muội, có những ngôi nhà xây trên chiếc… chân gà, và mẹ chồng tôi là chủ nhân của một căn nhà như thế. Nhưng không, dường như một sợi dây tình cảm nối qua trái tim yêu thương của người đàn ông đã kết nối sự thấu hiếu giữa hai người đàn bà của hai thế hệ, hai lối sống. 

Cũng có thể, tôi đã may mắn cảm được trong sự khắt khe của mẹ chồng tôi là mong muốn về một đời sống đỡ nhọc nhằn hơn từ những thứ gần nhất trong khả năng mình, đó là sự tiết kiệm. Có không ít những câu chuyện được coi là khó tin của bà, đã khiến tim tôi như mềm nhũn. 

Đó là khi bà dúi vào tay tôi một nắm tiền khá lớn so với một bà lão lưng còng chỉ quanh quẩn với mấy luống rau, vào thời điểm tôi sắp ở cữ. Bà bảo: mỗi ngày dăm nghìn, ba nghìn, bà bán mớ rau, mớ quả cho hàng xóm. Bà cất nó dưới vỏ áo gối, chờ ngày đưa cho con dâu sắm tã cho đứa cháu đầu lòng. Tôi trào nước mắt trước tấm lòng của người mẹ. 

Dăm nghìn, ba nghìn, thậm chí là 10, 20 nghìn với lũ chúng tôi, nhiều khi bị bỏ qua vì không thể mua được một chén nước trong quán café tán gẫu với bạn bè. Cái lý thuyết gom gió thành bão, không phải tôi không biết, nhưng từ những lá rau dại trong vườn có thể vun thành những chiếc tã ấm áp, một món quà đầy ý nghĩa cho đứa cháu nội đầu lòng, quả là một bài học khiến tôi khắc cốt ghi tâm. 

Bài học của tôi còn là khi bà tỏ mặt giận dữ bởi tôi ngỏ ý sẽ mua biếu bà cái áo len mặc Tết, thay chiếc áo đã sờn hết ở khuỷu tay. Bà nói, chiếc áo len này quý giá với bà hơn bất cứ chiếc áo đẹp đẽ, đắt tiền nào. Lần đi công tác vào Nam, ông đã mua cho bà  những cuộn len. Bà đã đan nó thành áo cho chị đầu, cho chồng tôi. 

Những chiếc áo đó đã lần lượt mặc hết từ con lớn, đến con bé. Khi chẳng còn ai có thể mặc vừa, bà tháo ra, bỏ đi những đoạn đã quá sờn, và đan lại thành tấm áo đầy kỷ niệm của mình. Bà bảo khi mặc nó, bà thấy có ông, bà thấy có hơi ấm của những đứa con bà thời thơ ấu…

“Thì mẹ cứ giữ lấy nó làm kỷ niệm, nhưng cũng cần có những chiếc áo lành lặn hơn” – chồng tôi nói. Bà nguây nguẩy từ chối. Trong đôi mắt của bà lúc ấy, tôi hiểu, đó không chỉ là để cố giữ lại một chiếc áo theo bà là đầy kỷ niệm, mà bởi người phụ nữ giản đơn ấy sợ rằng mua áo cho mình, con bà sẽ phải bỏ ra một món tiền, món tiền được tính bằng hàng chục, hàng trăm bó rau của bà, được tính bằng giấy bút, sách vở của cháu bà… 

Và khi đó, nó quả thật không còn nhỏ, chứ không như cách so sánh của chồng tôi với một chai rượu đắt tiền, hay một bữa nhậu trong nhà hàng sang trọng với bạn bè. Cái áo len rách khuỷu của mẹ dường như đã hằn sâu trong tiềm thức chồng tôi, và chúng tôi chỉ giật mình nhận ra khi đã 6 năm chồng không có một chiếc áo sơ mi mới, chỉ bởi một lẽ: những chiếc áo sơ mi cũ chưa có cái nào bị rách. 

Ngày rỗi rãi, tôi lôi những chiếc áo đã quá cũ của chồng ra cắt lại thành những món đồ mặc nhà cho con. Ngày mai, con tôi sẽ có những chiếc áo mới sực nức hơi ấm của bố, chồng tôi cũng sẽ có cơ hội để mua những chiếc áo mới mà không bị ám ảnh vì một chiếc áo len đã sờn của mẹ. 

Có lẽ, tôi sẽ phải kể cho con về chiếc áo len của bà, để con thấy yêu hơn bộ quần áo mới được may từ một món đồ đã cũ của papa!

Baophapluat.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: me chong , chuyen me chong , cau chuyen me chong , tin , bao