Cậu bé bất hạnh nửa đêm bị cha đẻ hết bạo hành lại đem núi vứt bỏ đó là câu chuyện của em Nguyễn Kiệt Đông mới 3 tháng tuổi đã phải sống trong bi kịch gia đình.
Số phận mỉm cười với cậu bé bất hạnh nửa đêm bị cha đẻ hết bạo hành lại đem núi vứt bỏ (ảnh minh họa) |
Khi mới 3 tháng tuổi, em Nguyễn Kiệt Đông (SN 2004, ngụ xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã phải sống trong bi kịch gia đình khi cha mẹ ly hôn.
Đắng cay hơn, sau chuỗi ngày bị bạo hành, em còn bị chính cha đẻ nhẫn tâm mang lên núi vứt bỏ giữa đêm khuya...
Chơi vơi một thân phận
Cậu bé Đông đáng thương ngày nào giờ đã lên 10 tuổi, hiện em đang sống cùng cha mẹ nuôi là vợ chồng bà Đặng Thị Đào và ông Lê Xuân Thạnh (cùng SN 1961, ở thôn Trà Thung, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Đã 4 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, bà Đào và mọi người đều không khỏi xót xa. “Thằng Đông mấy hôm nay được nghỉ hè rồi nên hàng ngày đi chăn bò phụ giúp cha mẹ, mặt trời lên cao tới ngọn dừa rồi chắc cháu cũng sắp lùa bò về đấy!”, bà Đào nhìn ra đầu ngõ trông ngóng đứa con nuôi.
Giọng bùi ngùi, bà Đào kể lại câu chuyện thương tâm xảy ra cách đây nhiều năm. Nỗi bất hạnh của Đông bắt nguồn từ bi kịch gia đình đổ vỡ. Cha mẹ đẻ của em là ông Nguyễn Văn Quý và bà Nguyễn Thị Hiệp (ngụ thôn An Giang, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ). Hai người lấy nhau chẳng bao lâu thì đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Cố ràng buộc nhau một thời gian vì con cái nhưng khi Đông được 3 tháng tuổi, mâu thuẫn vợ chồng đến đỉnh điểm khiến hai người dắt nhau ra tòa. Gia đình tan vỡ, chị gái Đông về sống cùng mẹ còn Đông thì được người cha nhận nuôi.
Sau vài tháng sống cảnh “gà trống nuôi con”, ông Quý lấy người phụ nữ khác làm vợ. Người dì ghẻ thấy Đông tội nghiệp đã hết mực yêu thương trong khi chính ông Quý lại đối xử tệ bạc với con trai. Từ ngày lấy vợ hai, ông Quý thường xuyên rượu chè, cờ bạc. Mỗi lần say xỉn, người cha lại trút hết bực tức lên đứa con vô tội. “Mới 6 tuổi đầu nhưng ngày nào thằng Đông cũng bị chính cha ruột mình đánh đập thậm tệ dù chẳng làm gì nên tội. Mọi người can ngăn nhưng ông Quý vẫn không thôi bạo hành con trai. Thậm chí có lần ông Quý dùng dây thừng trói, nhốt con trong nhà để đánh đập”, bà Đào chua xót kể lại.
Câu chuyện của người phụ nữ bỗng nhiên ngắt quãng khi có một cậu bé mặt mày lem luốc, mái tóc khét nắng lon ton chạy vào nhà. Vừa thấy khách lạ, cậu bé vòng tay chào rồi chạy đến nấp sau lưng bà Đào, đó chính là Đông. Nghe mọi người nhắc về mình, Đông ngồi lặng lẽ với đôi mắt thoáng buồn. “Lúc con 6 tuổi, cứ chiều tối cha say rượu về nhà là lại chụp đầu con ra đánh đấm. Vừa đánh cha vừa chửi mắng con tại sao không làm ra tiền cho bố uống rượu. Có lần con bị đánh gãy mấy cái răng phải nhập viện, may mà sau này nó mọc lại...”, cậu bé hồn nhiên kể lại.
Bị cha mang lên núi vứt bỏ
Thế nhưng những trận “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” vẫn không tàn ác nhẫn tâm bằng việc người cha đem vứt bỏ con lên núi. Theo lời Đông kể lại, một buổi tối năm 2010, ông Quý say rượu rồi đùng đùng chở em đi lên núi Mỹ Trinh (cách nhà khoảng 15km). Khi mang con trai lên tới đỉnh núi, ông Quý bảo Đông xuống xe rồi nói rằng: “Mày đứng đây lát nữa có người đến chở về. Nếu không ai chở về thì mày tự lo liệu đi, sống hay chết thì mặc xác mày”. Đông thơ dại không hiểu chuyện gì, còn ông Qúy vội vàng quay xe, rồ ga bỏ đi.
Giữa đêm tối ở chốn rừng núi hoang vu, cậu bé ngồi co ro sợ hãi nhưng đợi mãi vẫn chẳng thấy ai đến đón. “Lúc đó cháu nghe tiếng chim thú kêu thì sợ quá nên dò dẫm theo đường mòn xuống núi. Cháu đi bộ mấy giờ liền mới tìm được xóm có nhà ở nhưng lúc đó mọi người đều đã đi ngủ hết nên liều vào hè một ngôi nhà ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, chủ nhà thấy cháu đói rét nên cho ăn cơm rồi chở ra chợ An Giang để tìm cha mẹ. Khi mọi người gọi cha cháu ra đón về thì ông ấy giận dữ mắng cháu rằng: “Mày vẫn chưa chết à. Sao lại sống dai như vậy”. Rồi ông bỏ đi mà chẳng quay lại nhìn cháu một lần”, cậu bé vẫn còn nhớ kể.
Bị cha bỏ rơi một lần nữa, người mẹ cũng chẳng thèm ngó ngàng, Đông chẳng biết đi đâu về đâu nên đành ở lại chợ xin ăn. Nhiều người thấy Đông đáng thương nên có gì cho nấy để cậu bé không phải chết vì đói. Tối đến Đông khoanh mình nằm trong căn chòi của những người họp chợ. Sống lay lắt được một tháng, Đông trôi dạt ra thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). Đông nhớ lại: “Ban ngày thì cháu đi xin ăn. Đến đêm thì tìm nhà hoang hay gầm cầu để ngủ, nhiều khi ở nơi vắng vẻ không tìm được chỗ ngủ thì cháu đào một cái hố rồi dùng đất, lá cây lấp lên người để ngủ cho đỡ lạnh”.
Ảnh minh họa
Sau nhiều ngày lang thang, Đông lại dạt về chợ Bình Dương (thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ). Tại đây, cậu bé lại tiếp tục sống cảnh ban ngày lăn lóc xin ăn, ban đêm ngủ bờ ngủ bụi. Sức cùng lực kiệt vì đói rét, Đông chỉ còn da bọc xương, toàn thân ghẻ lở. Nhìn cậu bé rách rưới, bẩn thỉu, người lở loét, nhiều người xa lánh, xua đuổi. “Có lần đói quá cháu trộm mấy trái ổi thì bị đánh đến ngất xỉu. Khi mở mắt ra thì thấy mình nằm ở trên giường bệnh. Cô bán hàng đưa cháu đi cấp cứu sau đó còn cho cháu tiền. Nghe cô ấy bảo ăn trộm là không tốt nên từ đó cháu không ăn cắp nữa”, Đông kể lại.
Niềm hạnh phúc có mẹ có cha
Vừa rời giường bệnh, Đông lại tiếp tục sống lay lắt ngoài đường. Số tiền ít ỏi mà người bán hàng trái cây cho chẳng giúp Đông no bụng được bao lâu. Trong cảnh bơ vơ lạc lõng không biết sống chết lúc nào, số phận đã mỉm cười với Đông khi em gặp được người phụ nữ tốt bụng, là mẹ nuôi em bây giờ. Đó là vào một đêm mưa gió bão bùng tháng 9/2010, bà Đào đạp xe về đến ngã tư đường thì thấy một cậu bé ngồi run rẩy dưới gốc cây, mặt mày tái nhợt, thân hình gầy nhom ướt như chuột lột. Thấy tội nghiệp, bà Đào chở cậu bé về nhà cho ăn cho mặc rồi cho ngủ lại.
“Tôi mang quần áo cho mặc, cho ăn xong là cháu lên giường rồi ngủ thiếp đi. Lúc đó tôi mới biết là cháu bị sốt cao. Lúc ngủ cháu cũng còn rên rỉ trong khi khắp người ghẻ lở, khẽ trở mình là đau đớn. Tôi thấy vậy thương cháu lắm nhưng cũng không biết được vì sao Đông lại ra nông nổi như vậy. Lúc đó, vợ chồng tôi cũng không nghĩ là mình sẽ giữ cháu ở lại làm con nuôi vì chúng tôi nhà nghèo lại có 3 đứa con trai”, bà Đào tâm sự.
Ngày hôm sau trước khi Đông đi, bà Đào mới biết được hoàn cảnh đáng thương của em. Nghĩ đến cảnh Đông lại làm “ăn mày” ở đầu đường xó chợ, bà Đào không đành lòng nên ngỏ ý với chồng nhận nuôi Đông. Dù cảnh nhà khó khăn, đôi vợ chồng nghèo vẫn chấp nhận che chở cậu bé “mồ côi”. Thế là chuỗi ngày bơ vơ lay lắt của Đông kết thúc từ đó. Chẳng những có mái ấm, một tuần sau đó Đông còn được cắp sách đến trường học con chữ.
Ông Thạnh tâm sự: “Nuôi thêm thằng Đông, vợ chồng tôi phải vất vả nhiều hơn. Vậy mà, người mẹ ruột của Đông không biết nghĩ sao mà còn cho rằng chúng tôi “ăn không ngồi rồi” bóc lột cháu. Chúng tôi nghĩ rằng gặp cháu cũng như cái duyên cái số nên vợ chồng bỏ ngoài tai hết những lời đàm tiếu, thị phi để yêu thương Đông như con ruột vậy”.
Ngót nghét thế mà đã 4 năm trôi qua, cậu bé Đông chẳng những chăm học mà còn học rất giỏi. Năm học vừa qua Đông đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn trường, được thầy bạn yêu mến. Chia sẻ về ước mơ của mình, Đông cho biết em muốn trở thành bác sỹ để giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh như mình trước đây. Chúc cho ước mơ của cậu bé bất hạnh sẽ trở thành hiện thực. Đó cũng là một cái kết có hậu cho câu chuyện.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%