Cặp vợ chồng có 14 người con sống gần nghĩa địa ở Hà Nội
Thứ ba, 18/02/2014 06:37

Không có điều gì chắc chắn rằng sẽ không có sự xuất hiện của đứa con thứ 15, bởi chị Hải không hề có ý định đi làm “kế hoạch”, lý do đơn giản - như chị bảo: “Bận”.

Bữa cơm đạm bạc của cả gia đình

Bữa cơm đạm bạc của cả gia đình

Nằm giữa ao đồng cùng bãi nghĩa địa là một căn lều chắp vá từ những mảnh ghép của bao tải, bạt xanh và vài tấm gỗ. Đây là tổ ấm của cặp vợ chồng có tới 14 người con giữa thủ đô.

Gia đình “kỷ lục”

Gia đình anh Ngô Doãn Năm và chị Đặng Thị Hải có địa chỉ tại tổ dân phố số 2 thôn Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội. Mang tiếng là ở phố, nhưng căn lều làm nơi trú chân cho cả gia đình nằm tách biệt so với con đường lớn dẫn vào trong thôn.

Gia đình anh chị quá nghèo, nghèo đến độ không dám ở nơi đông người. Kỷ lục nghèo nhất thôn gia đình chị Hải đã giữ cả vài chục năm nay. Rồi gia đình anh cũng nhận “kỷ lục” gia đình đông con nhất thủ đô.

Ngày 21/12/2013, chị Hải đã sinh đứa con thứ 14 và đứa trẻ này bị đẻ rơi trên triền đê khi chị còn đang mải mê… cắt cỏ. Túp lều của anh chị tạm bợ, hoang sơ và rách nát đến cùng cực. Cả gia đình chỉ nằm trên 2 tấm phản ghép lại chừng chưa đầy 10m2 với vài cái chăn bông đã cũ.

Cái nghèo cái khổ hiện rõ trên từng khuôn mặt nhem nhuốc, xanh xao của những đứa trẻ thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Bởi mẹ chúng còn phải lăn lội kiếm ăn cho gia đình từng bữa và bận… đẻ, còn bố thì ốm đau quanh năm, bệnh tật như quấn vào người.

Không “kế hoạch” vì... bận!

Tiếp xúc với vợ chồng anh Năm, chị Hải, không có điều gì chắc chắn rằng sẽ không có sự xuất hiện của đứa con thứ 15, bởi chị Hải không hề có ý định đi làm “kế hoạch”, lý do đơn giản - như chị bảo: “Bận”.

Vì sinh quá nhiều con, đất đai chỉ là ao cá và mảnh đất đủ dựng túp lều, anh Năm lại đau ốm quanh năm, nên một tay chị Hải túi bụi gánh vác kinh tế và chăm lo cho 14 người con. Hiện chị Hải đã có một người con trai và hai người con gái lập gia đình. Người con trai cả là người học cao nhất trong gia đình, nhưng đến lớp 11 cũng phải dừng.

Sau khi lập gia đình, anh con trai này bị bệnh tràn dịch màng phổi, đau ốm quanh năm, cuộc sống đói khổ, cũng chẳng giúp gì cho bố mẹ. Cô con gái tên Ngô Thị Hà lấy chồng được một thời gian lại quay về túp lều sống chung với bố mẹ và các em vì vợ chồng không hạnh phúc. Thêm vào đó, người con trai thứ tư bị tai nạn mấy năm nay, nên dù đã lớn cũng không làm gì giúp gia đình được, lại cũng thường xuyên đau ốm, thuốc thang.

Ngoài con trai cả học đến lớp 11, các con chị Hải chưa ai học qua cấp THCS, hiện có 6 cháu đang theo học, nhưng do không có giấy khai sinh và thất lạc hộ khẩu nên việc học hành bị gián đoạn. Nhà đông con, đói ăn là chuyện thường xuyên bởi cả gia đình 16 miệng ăn chỉ trông chờ vào ao cá chưa đầy 1 hécta nhưng không có vốn đầu tư nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Chị Hải tâm sự: “Làm ra đã khó mà còn lại mất mát đủ đường. Xung quanh nhà toàn ao với nước nên dễ bị mất trộm lắm, làm cả vụ mà thu được vài chục cân cá. Có con gà, con chó nuôi được thì cũng mất đằng nọ đằng kia. Khổ lắm!”.

Vợ chồng chị Năm vẫn tâm niệm rằng: “Mình không có của nhưng mình có con, đó cũng là lộc trời. Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã sinh nhiều con, mỗi đứa con là một món quà, có chăng tôi hận mình không có đủ sức để lo cho các con có cuộc sống no đủ như những đứa trẻ khác”, chị Hải chia sẻ.

Gia đình chị Hải cũng nhận được đề nghị để cho những vợ chồng hiếm muộn nhận những đứa con của anh chị làm con nuôi, bớt đi gánh nặng phần nào cho gia đình và để số phận những đứa trẻ được đổi thay, thế nhưng anh chị đã từ chối thẳng thừng.

Cái triết lý “con mình rứt ruột đẻ ra, phải yêu thương và nuôi dưỡng” là điều khiến anh chị Năm - Hải không bị lung lay trước rất nhiều điều kiện tốt để “bán” con.

Laodong.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Hà Nội , Nghĩa địa , Gia đình đông con , Mưu sinh , Thủ đô Hà Nội , Lao động ngoại tỉnh