Cảnh báo nguy hiểm rò rỉ khí gas dịp tết
Thứ sáu, 20/01/2012 11:07

Có tới 30% số bình gas trên thị trường hiện nay là giả, điều đó đồng nghĩa với việc 30% số hộ gia đình hằng ngày đối mặt với nguy hiểm từ việc rò rỉ khí gas. Điều này càng đáng báo động khi mà nhu cầu đun nấu ngày tết tăng cao.

Kinh doanh gas đủ điều kiện: 50%

Trao đổi với báo giới, GS-TS Ngô Văn Xiêm - Phó Hiệu trưởng ĐH Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho biết: Bản chất gas là an toàn, song điều đáng báo động hiện nay là việc các cơ sở kinh doanh gas đã vì lợi nhuận mà bất chấp những hậu quả khôn lường. Họ có thể sang chiết gas trong điều kiện không đảm bảo. Sau đó họ lại cung cấp gas cho các gia đình bằng bình gas không an toàn. Cá biệt, hầu hết các cửa hàng gas còn không cung cấp đầy đủ thông tin hướng dẫn an toàn cho các chủ gia đình sử dụng gas... Thậm chí là tạo nên những nguy cơ tiềm ẩn để nhằm tác động đến tâm lý người sử dụng gas trong việc thay van, dây, bếp... hòng trục lợi.


Có tới 30% số bình gas trên thị trường hiện nay là giả (ảnh minh hoạ). Ảnh: Kỳ Anh

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Trí - Trưởng ban Kỹ thuật an toàn (Hiệp hội Gas VN) nói: Theo con số thống kê thì hiện chỉ có khoảng 50% cơ sở kinh doanh gas là đảm bảo điều kiện kinh doanh. Đáng lưu ý hơn là trên thị trường có tới 30% số bình gas là giả, đồng nghĩa với việc 30% người sử dụng gas hằng ngày phải đối mặt với nguy hiểm. Để có thể sang chiết gas và bán cho người sử dụng, các cơ sở kinh doanh thậm chí còn mài logo, sử dụng bình gas quá hạn và không an toàn để bán gas cho khách. Đây thực sự là những “quả bom trong nhà” đối với không ít gia đình.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Gas VN và ĐH PCCC thì trong thời gian qua, theo thống kê thì có khoảng hơn 2.000 vụ cháy nổ khí gas lớn nhỏ trong vòng 5 năm qua và gây thiệt hại trên 500 tỉ đồng vật chất và cướp đi nhiều sinh mạng. Gần đây nhất ngày 3.11.2011 vụ nổ khí gas tại phường Bách Khoa (Hà Nội) đã làm 2 vợ chồng chủ nhà trọng thương và cướp đi mạng sống của 2 cháu nhỏ. Tiếp sau đó, ngày 12.12.2011, vụ nổ khí gas tại cửa hàng gas Phú Vinh ở thôn Vân Trì, Từ Liêm (Hà Nội) cũng khiến vợ và con của chủ cửa hàng thiệt mạng, nhiều người bị thương và hủy hoại nhiều tài sản. Đây chính là những lời cảnh báo về sự nguy hiểm của khí gas khi rò rỉ.

Cảnh báo rò rỉ khí gas

Hiện nay trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... có hàng trăm cơ sở sang chiết, nạp khí đốt hóa lỏng (gas) với trữ lượng lớn. Tại Hà Nội có trên 1.600 cửa hàng kinh doanh khí đốt, trong đó chủ yếu là DN tư nhân (trên 90%). Trước tình trạng đó, để đảm bảo an toàn cháy nổ và quyền lợi của người tiêu dùng, vừa qua UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh gas như việc sang chiết, tồn trữ, đặc biệt đối với những cơ sở không đảm bảo quy định về phòng, chống cháy nổ. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng những biện pháp này là chưa đủ.

Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu như ngày thường, mức độ sử dụng gas khá thấp; trong khi đó ở nhiều hộ gia đình vào ngày tết mức độ sử dụng gas tăng cao đến vài trăm phần trăm. Tuy nhiên điều đáng nói là dù sử dụng nhiều, mật độ dày... nhưng hầu hết chủ nhà đều phó mặc sự an toàn cho chủ cửa hàng gas, còn chủ cửa hàng gas lại phó mặc cho nhân viên giao gas vốn không nhiều kiến thức an toàn và cũng chỉ biết giao gas mà hầu như ít khi hướng dẫn chủ nhà sử dụng gas như thế nào cho an toàn và hợp lý.

Chuyên gia Nguyễn Khắc Trí cho rằng đây là mấu chốt vấn đề. Ông Trí phân tích: Nguyên nhân cháy nổ, chủ yếu do rò rỉ khí gas vì hiện nay rất nhiều người sử dụng bếp gas chưa hiểu biết hoặc không quan tâm và đề cao vấn đề an toàn khi sử dụng cũng như việc thường xuyên kiểm tra bếp như van bình, dây dẫn thường xuyên xem có bị thủng, đứt do chuột cắn hay nguyên nhân khác. Vì thế để an toàn thì chủ nhà cần phải là người hiểu biết cả về sử dụng và biện pháp xử lý khi có vấn đề. Cụ thể, ngoài việc yêu cầu nhân viên giao gas kiểm tra sự an toàn bình gas, van, dây dẫn và bếp... thì trong quá trình sử dụng, người sử dụng cần phải biết biện pháp xử lý.

Các chuyên gia khuyến cáo là nếu phát hiện có mùi gas thì điều cấm kỵ là không được bật các thiết bị điện hay lửa. Do đó cần mở tung cửa, quạt tay quạt bớt nồng độ gas và chỉ bật bếp trở lại sau khi đã xử lý hết mùi gas, kiểm tra và đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, hầu hết các vụ nổ khí gas đều bắt nguồn từ việc khí gas tích tụ nhiều sau 1 đêm bị rò rỉ. Do đó trong dịp tết cũng như ngày thường, tốt nhất là cần khóa van sau khi sử dụng.

Báo Lao động
Tag: Rò rỉ khí gas , Tết Nguyên đán