Căn cứ vào đâu để loại 100.000 biên chế?
Thứ năm, 13/02/2014 14:14

Nếu không có tiêu chí rõ ràng, có khi người không làm được việc được ở lại, người làm tốt sẽ phải ra khỏi bộ máy” – Ông Lê Như Tiến nói.

Giảm biên chế nếu không có tiêu chí rõ ràng, có khi người không làm được việc sẽ được ở lại

Giảm biên chế nếu không có tiêu chí rõ ràng, có khi người không làm được việc sẽ được ở lại

Trả lời về Dự thảo đề án tinh giản 100.000 biên chế của Bộ Nội vụ, Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Tinh giản biên chế là cần thiết, nhưng người ta cũng sẽ lợi dụng việc này để tiêu cực, vì nhiều người sẽ chạy để được ở lại biên chế”.

Nếu không có tiêu chí rõ ràng, có khi người không làm được việc được ở lại, người làm tốt sẽ phải ra khỏi bộ máy” – ông Tiến nói.

Không ít ĐBQH và dư luận lâu nay vẫn cho rằng có một bộ phận cán bộ, công chức (CBCC) không làm được việc. Có phải điều này cho thấy tinh giản bộ máy là yêu cầu bức thiết hiện nay?

Dư luận rất bức xúc về chất lượng một bộ phận CBCC hiện nay, một số không làm được việc, thậm chí còn vòi vĩnh, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong một cuộc làm việc là dư luận cho rằng khoảng 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. 

Nhiều người đang lo lắng và tôi cũng băn khoăn, nếu không cẩn thận lại giống như những trào lưu lâu nay chúng ta thấy tiêu cực trong việc chạy chức, chạy quyền, đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng và bây giờ là chạy để được ở lại biên chế. Tức là xã hội sẽ thêm một loại tiêu cực nữa trong nền hành chính”.

Nhưng không phải là chúng ta đang thừa đến 100.000 công chức hay dư thừa 1/3 tổng số công chức, mà có nghĩa là 1/3 số công chức không làm được việc. Trở lại đề án, phải làm rõ chúng ta căn cứ vào đâu để đưa ra khỏi biên chế 100.000 CBCC (?).

Đây là vấn đề hệ trọng, nếu không cẩn thận có khi công chức làm được việc lại phải ra khỏi biên chế, “con ông cháu cha”, lại yên vị. 

Cho nên trước khi có đề án cần có nghiên cứu, đưa ra bộ tiêu chí đánh giá, có căn cứ khoa học. Nếu không đánh giá đúng, không có tiêu chí sẽ làm hỏng đề án. Đề án này có thể rất tốt đẹp, nhưng căn cứ vào đâu để cho rằng cần loại 100.000 biên chế, tại sao không ít hơn hay nhiều hơn – đó là câu hỏi dư luận đang băn khoăn.

Tôi nghĩ, đầu tiên, cần đánh giá thế nào là công chức không làm được việc. Phải căn cứ vào vị trí, yêu cầu công việc của từng cơ quan. Có cơ quan đang thừa nhưng có cơ quan hiện nay vẫn đang thiếu.

Bộ Nội vụ phải xác định chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, cũng như phải có một cơ quan dự báo nhu cầu nguồn nhân lực từ nay đến năm 2015, 2020 và tầm nhìn xa hơn, xem từng cơ quan đơn vị cần bao nhiêu công chức. 

Trên cơ sở đó mới có thể tính toán con số dôi dư trong biên chế. Cái tôi lo ngại là những công chức đang làm tốt sẽ bị loại để lại công chức không làm được việc nhưng có ô dù, bảo kê vì có “5C” (con cháu các cụ cả) như dư luận vẫn nói.

Vậy để đánh giá đội ngũ cán bộ công chức hiện nay cần làm như thế nào để đảm bảo khách quan, công bằng và công tâm, theo ông?

Có vị trí công việc cần nhiều người nhưng có khi có nhiều vị trí chỉ cần một người thôi. Khi xác định thừa bao nhiêu biên chế phải có tiêu chí cụ thể chứ không thể căn cứ vào dư luận, cảm tính, vì sẽ không đảm bảo công bằng, không khách quan. 

Phải có điều tra, khảo sát từ cơ sở lên, các cơ quan phải báo cáo về tình hình biên chế hiện nay thiếu hay thừa, từng vị trí công việc có thể giảm bớt được không, ngược lại có đơn vị thêm chức năng, chia tách, có cần thêm biên chế không. Nếu không điều tra, khảo sát mà cứ đưa ra con số như thế sẽ làm cho xã hội giật mình, tạo ra lo lắng, bất an.

Ngoài bộ tiêu chí về vị trí công việc của từng cơ quan, đơn vị, phải có tiêu chí thế nào là công chức làm được việc, dựa trên hiệu quả, mức độ hoàn thành công việc, từ đó mới có thể đưa ra con số cần tinh giản.

Đây không phải lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề tinh giản biên chế, nhưng sau mỗi lần như vậy biên chế vẫn phình ra, thậm chí còn có tiêu cực hơn?

Tinh giản biên chế là một chủ trương, quyết tâm đúng đắn, tuy nhiên đó cũng là việc rất khó. Thực tế biên chế của chúng ta vẫn cứ phình ra, tăng nhanh, tạo ra gánh nặng ngân sách. Đấy là bài toán phải tính đến, phải thực hiện chủ trương này kiên quyết. Chúng ta cần nghĩ đến việc chi dùng 8.000 tỷ đồng ấy ra sao cho hiệu quả.

Có phải đây là số tiền để chi ra cho người ta về trước thời hạn hay không, vì theo đề án 80% số biên chế đó sẽ về trước tuổi nghỉ hưu, chỉ 20% là ra khỏi bộ máy ngay. Như vậy, có hai vấn đề đặt ra về mặt xã hội đó là tạo áp lực xã hội, khi ra khỏi bộ máy người ta sống bằng gì? 

Ngoài ra, còn vấn đề đào tạo lại. Không phải anh đào tạo, tuyển dụng rồi, không thích thì đẩy người ta ra đường. Nói đơn giản, khi những người này thất nghiệp phải ra khỏi bộ máy sẽ lang thang, cơ nhỡ, gây ra bao hậu quả cho xã hội khó lường.

Chúng tôi cảm giác đây mới là ý kiến chủ quan của Bộ Nội vụ thôi, chưa có sự phối hợp liên ngành, chưa có nhạc trưởng. Đề án này cần được xin ý kiến cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị.

Cảm ơn ông!

onglenhutien

Ông Lê Như Tiến nói: “Nhiều người đang lo lắng và tôi cũng băn khoăn, nếu không cẩn thận lại giống như những trào lưu lâu nay chúng ta thấy tiêu cực trong việc chạy chức, chạy quyền, đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng và bây giờ là chạy để được ở lại biên chế. Tức là xã hội sẽ thêm một loại tiêu cực nữa trong nền hành chính”.

Tienphong.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Giảm biên chế , Công chức nhà nước , Con ông cháu cha , Tiêu chí cắt giảm , Loại 100.000 biên chế