Hàng ngàn học sinh vùng sâu, vùng xa của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum hàng ngày phải lội sông, lội suối, vượt qua nhiều hiểm nguy rình rập để đến trường. Thế nhưng vượt lên những khó khăn, nhiều học sinh vẫn bám trường lớp, theo đuổi ước mơ con chữ…
|
Nét mặt còn vương nét căng thẳng sau khi bước sang cầu Ja Dun, thuộc thôn Đak Sút, xã Đak Ang, huyện Ngọc Hồi, em Y Lam (11 tuổi), học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Kim Đồng tâm sự: “Ngày nào đi học em cũng qua lại cây cầu này. Nhưng mỗi lần qua cầu là em lại thót tim. Sợ lắm nhưng phải đi vì không còn con đường nào khác”.
Chống chọi cùng dòng nước. Ảnh: Ngọc Vũ
Chứng kiến cảnh từng tốp học sinh đứng xếp hàng, chia nhỏ chờ đến lượt mình đi qua cầu mới thấy được hết những nguy hiểm mà các em đang phải trải qua. Chiếc cầu Ja Dun có mố cầu bị hư, rung từng nhịp, lung lay và “chênh vênh” có thể bị cuốn phăng đi lúc nào không biết. Một em học sinh nói: Những lúc nước lớn, qua sông rất nguy hiểm nên tụi em phải nghỉ học ngồi nhà “chờ” nước rút. Ông Nguyễn Văn Châu-một người dân sinh sống nơi đây cho biết, ông từng đưa nhiều học sinh qua sông đi học. Cho đến nay, tuy chưa có em nào chết đuối nhưng không ai đảm bảo sẽ không xảy ra những chuyện đau lòng nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn”.
Cùng tâm trạng, thầy Đinh Văn Truyền- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền nói: “Trường có 418 học sinh theo học, trong đó chiếm 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Hiện tại trường có 3 điểm. Dù được Nhà nước và thầy cô tạo điều kiện, nhưng cứ mỗi năm học qua đi, sĩ số các lớp học lại giảm đáng kể vì nhiều nguyên nhân. Trong đó tỷ lệ bỏ lớp cao nhất là các em học sinh làng Đak Blái, làng Đak Rơme (xã Đak Ang), muốn đến trường các em phải đi bộ gần 10 km, rồi lội sông, lội suối. Ngày nào các em cũng tới trường trong tình cảnh quần áo ướt sũng.
Gian nan đường đến trường. Ảnh: Ngọc Vũ
Những ngày mưa lớn, đứng bên làng Đak Blái, Đak Rơme nhìn con suối chảy qua làng Long Zôn, nhìn các học trò nhỏ bé chống chọi với dòng nước xiết để qua bờ lấy chữ mà rớt nước mắt. Thấy bơi qua sông nguy hiểm, nhiều em học sinh đã nghỉ học ở nhà làm nương rẫy phụ gia đình. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, hầu hết học sinh ở đây học hết lớp 8, 9 rồi đồng loạt… nghỉ học. Số học qua lớp 9 này chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Do con đường quá gian nan, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên các học trò nơi đây đành ngậm ngùi từ bỏ ước mơ.
Thầy Phan Xuân Lý- giáo viên Trường THCS Ngô Quyền cho hay: “Hơn 8 năm dạy học, khi chứng kiến cảnh nhiều học sinh của mình sáng sáng nhịn đói, lội suối đến trường, chiều về đi vô rừng hái măng phụ giúp gia đình, xót lắm. Thỉnh thoảng, thầy cô trích đồng lương ít ỏi của mình mua con cá khô, vài kg gạo, muối cho các em học sinh nghèo để ấm lòng đến lớp”.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Thư- Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết: “Sau cơn bão số 9 năm 2009, hàng chục cây cầu bị nước lũ cuốn trôi, gây cản trở các em học sinh đến trường, đặc biệt là ở vùng sâu. Ước muốn có con đường mới không chỉ là nỗi niềm của học sinh ở huyện Ngọc Hồi mà còn nhiều học sinh ở các huyện Tu Mơ Rông, Kon Rẫy… Phần lớn các em đến trường trên những cây cầu là những thanh gỗ bắc qua sông rất mong manh. Dù các ban ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực khôi phục lại những cây cầu, nhưng nguồn lực còn hạn chế nên chúng tôi rất cần sự chung tay của các tổ chức, những tấm lòng của cá nhân trong và ngoài tỉnh, để đường đến trường các em luôn rộng mở”.
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?
- Hà Nội sắp có tuyến đường sắt trên cao đến sân bay Nội Bài
- Ông Trump phát biểu mừng chiến thắng