Thực hiện lệnh cấm loại hình vận tải taxi trong các khung giờ cao điểm từ 3/1/2012 với mục đích giảm ùn tắc giao thông. Trên thực tế, do các tài xế taxi luôn tìm cách đối phó nên tình trạng ùn tắc không vì thế mà giảm sút, còn phiền phức và bất cập.
|
Cấm đường chính thì đi vòng
Lệnh cấm taxi bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày 20/1/2012 vào các giờ cao điểm sáng từ 6h – 8h30 và chiều từ 16h – 19h được áp dụng trên các tuyến phố Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn; Xuân Thủy - Cầu Giấy; Láng Hạ; Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Thái Hà; La Thành (từ Giảng Võ đến Ô Chợ Dừa); cầu Chương Dương.
Ngay sau khi lệnh cấm đường có hiệu lực, đã nhận được sự phán ứng kịch liệt của các lái xe taxi. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hưng, lái xe taxi hãng Mai Linh cho biết: “Vào khung giờ cấm cũng trùng với cao điểm người dân đưa đón con đi học. Đặc biệt những ngày vừa qua, thời tiết mưa rét nên nhu cầu đưa đón con cái bằng taxi tăng mạnh, nhưng tổng đài cũng đành xin lỗi những khách gọi tại các khu vực cấm”.
Trong khung giờ cao điểm cấm một số tuyến phố chính, taxi chuyển sang đi đường vòng, ngõ ngách...
Anh Hưng cũng chia sẻ thêm, có rất nhiều khách đi xe taxi vào nội thành, để đi đến điểm mà khách muốn đến thì phải đi qua các tuyến đường cấm. Nên các lái xe đành chấp nhận xin lỗi khách hàng của mình.
Và cũng có nhiều trường hợp, khách hàng yêu cầu đi xe, lái xe phải đi đường vòng qua các ngõ ngách, tuyến đường phụ, đường nhỏ để chở khách.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu thì đến khung giờ cấm từ 16h đến 19h, rất nhiều lái xe đang chở khách buộc phải trả khách, để khách đứng giữa đường hoặc rẽ đường khác. Nếu trót đi vào những tuyến đường cấm mà không thoát ra kịp, các xe taxi buộc phải đỗ 2 – 3 giờ nên thường cứ đến giờ cấm là nhấn ga bán sống, bán chết để thoát đường cấm hoặc đi sang đường nhánh.
Theo nhiều lái xe cho rằng, việc cấm taxi hoạt động tại một số tuyến đường cũng không giải quyết được nhiều tình trạng ùn tắc, cấm đường chính thì cánh taxi lại đi đường vòng hoặc dồn vào ngõ hẻm nên đường chính cấm thì thông thoáng, đường ngách, đường phụ lại tắc.
Lý giải về việc này, lái xe hãng taxi Thanh Nga cho hay: Vào giờ cấm tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy không thấy bóng dáng chiếc taxi nào và đường cũng có phần thông thoáng hơn, nhưng muốn chở khách đi từ cầu vượt Phạm Hùng về Kim Mã và ngược lại, các lái xe đã chuyển sang đi tuyến đường Bưởi – Nguyễn Khánh Toàn – Trần Quốc Hoàn, hoặc chuyển sang đi vào khu dân cư đường Hoa Bằng – Trần Thái Tông – Duy Tân.
Việc cấm một tuyến phố Xuân Thủy – Cầu Giấy đã khiến cho rất nhiều tuyến phố khác lại trở nên ùn tắc vì taxi phải “né” các tuyến phố cấm. Nỗ lực giảm ùn tắc của các cơ quan quản lý cần ghi nhận, nhưng cấm taxi cũng chỉ là giải pháp “nắm thằng có tóc”, vì thực tế những con đường bị cấm, ùn tắc vẫn nặng nề dù đã vắng bóng taxi.
Theo ghi nhận, trong giờ cao điểm, việc taxi liên tục xuất hiện trong ngõ đã khiến người dân xung quanh gặp rất nhiều bất tiện. Từ mùi xăng xe đến tắc đường, tắc chợ, cộng thêm xe rác cũng đi vào ngõ nhỏ tại cùng thời điểm, tất cả làm không khí trở nên ô nhiễm hơn, mang lại nhiều khó chịu mà không thể tránh được.
Người dân gặp nhiều trở ngại
Việc cấm taxi đi vào một số tuyến phố vào giờ cao điểm khiến một số người dân thường sử dụng xe taxi là phương tiện đi lại gặp nhiều phiền phức.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Phương Linh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Tôi không biết đi xe máy, nên tôi thường sử dụng loại hình taxi là phương tiện đi lại hàng ngày. Bình thường, tôi đi xe từ Ngã tư Xuân Thủy – Nguyễn Phong Sắc về ngã tư Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh để làm việc. Trước kia khi chưa cấm taxi đi vào giờ cao điểm tôi đi đến công ty làm việc với giá bình quân là 35.000 đồng. Nhưng từ khi việc cấm đường diễn ra, tôi đi làm từ nhà đến công ty phải chi thêm khoảng 20.000 đồng vì lái xe phải đi đường vòng theo hướng Nguyễn Khánh Toàn – Đường Bưởi”.
Không riêng chị Linh gặp phiền phức mà rất nhiều người dân khác coi Taxi là phương tiện đi lại gặp nhiều khó khăn. Chị Nga (nhà ở Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) tâm sự: “Hàng ngày tôi từ nhà đến nơi làm việc trên đường Thái Hà bằng taxi chỉ mất khoảng 30 phút. Nhưng từ khi lệnh cấm đường thực thi, lái xe taxi phải đi vòng quanh qua các tuyến đường nhỏ mới có thể đưa tôi đến nơi làm việc. Bên cạnh đó tôi phải đi bộ mất một đoạn gần 300m mới tới văn phòng. Từ khi lên xe taxi và đến khi tới nơi làm việc tôi phải mất gần 1 giờ đồng hồ”.
Bên cạnh những người thường xuyên đi taxi gặp phiền phức, những người không bao giờ đi xe taxi cũng gặp nhiều bức xúc. Cô Hải, một người dân sống trên phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy) bức xúc nói: “Trước kia trên tuyến phố này thỉnh thoảng với thấy chiếc taxi đi qua. Từ ngày cấm đường vào giờ cao điểm, xe taxi nối đuôi nhau đi trên phố, nhiều lúc cả tuyến phố bị ùn tắc hàng giờ vì xe taxi.”
Đồng cảm với cô Hải, anh Sang, một người dân sống trên phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy) nói: “Hàng ngày tôi đi làm vào lúc 7h30, nhưng từ khi cấm taxi đi một số tuyến phố chính, lái xe taxi đi vào phố Hoa Bằng để đi ra đường Phạm Hùng và ngược lại khiến nhiều hôm cả tuyến phố Hoa bằng bị ùn tắc, người dân sống trên tuyến phố gặp nhiều khó khăn khi đi lại”.
Ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng: “Nếu cấm thì taxi phải đi vòng, tuyến đường dài, người dân có nhu cầu vẫn phải chọn đi taxi, chấp nhận tốn thêm tiền. Nhưng cấm taxi liệu có giảm được ùn tắc giao thông không? Ùn tắc là bệnh nan y của cả Hà Nội, tắc tuyến này sẽ phình ra tuyến khác”.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%