Cá cược ở Việt Nam: 1 tỉ USD/năm chảy ra nước ngoài (Kỳ 2)
Thứ ba, 13/03/2012 08:21

Khi Việt Nam mới có ý nghiên cứu cá cược thì lập tức rất nhiều nhà cái tình nguyện làm “thầy”. Tuy nhiên việc nghiên cứu cứ nghiên cứu, tiền cá độ thì cứ chảy ra nước ngoài…

Trước khi các phái đoàn chính thức của Việt Nam đi học “thầy” để tìm hiểu về cá cược ở châu Âu lẫn châu Á và tham quan nhiều nhà cái có uy tín trên thế giới thì tiền “cá” vẫn chảy từ Việt Nam ra nước ngoài bằng nhiều hình thức.

Sân cỏ Anh “rủ” cá độ ở Việt Nam

Năm 2006, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái đề cập: “Mỗi năm có đến 1 tỉ USD tiền cá cược bị chảy từ Việt Nam ra nước ngoài”. Sau đó không lâu thì những vụ án bị lôi ra ánh sáng liên quan đến các “quan” đánh bạc và cá độ bóng đá làm nhiều người càng giật mình vì chỉ những gì “khui” được thì vài chục đến vài trăm ngàn USD cho một, hai trận bóng là… chuyện nhỏ.

Năm ngoái có lần báo giới Việt Nam xôn xao chuyện các trận bóng được trực tiếp truyền hình trên sân cỏ Anh thỉnh thoảng vẫn chạy dòng chữ bằng tiếng Việt “mời thượng đế” tham gia cá cược. Việc sân cỏ Anh chạy chữ Việt ở những bảng quảng cáo do nhà cái đặt xuất phát từ thống kê các nguồn tiền chơi cược từ nước nào chảy về nhiều thì ngôn ngữ quảng bá của quốc gia đó được ưu tiên.

Việt Nam cấm cá cược nhưng có tổng giám đốc từng thú nhận thua cả triệu USD từ những cái click chuột. Ảnh: GETTY IMAGES

Còn các trang mạng hướng dẫn từng chi tiết bằng tiếng Việt cộng nhiều chiêu khuyến mãi thì nhiều vô kể. Các trang mạng này đưa tất tần tật kèo các giải đấu từ Cúp bóng đá 1.000 năm Thăng Long ở Hà Nội, đến Cúp TP.HCM, Cúp Bình Dương và giải V-League, giải hạng nhất lẫn giải U-21 đều có đủ cùng những tỉ lệ cược được cập nhật rất nhanh. Và điều này lại rất trùng lặp với những hình ảnh thường xuyên thấy trên các sân cỏ Việt Nam mà điển hình là sân Thống Nhất. Ở những khu khán đài A2, A3 và có lúc là khu A1 gần khu vực dành cho báo chí không khó để nhận ra những nhóm người ngồi rải rác dùng điện thoại và các thiết bị nhỏ đi kèm.

Những thông tin và số liệu trên cho thấy các nhà cái rất nhạy trong việc tiếp thị sân chơi và đặc biệt là cả ở nơi đang nằm trong “vùng cấm” nhưng chơi mạnh.

Đi học cách quản lý cá cược

Năm 2007, 2008, Ủy ban TDTT và LĐBĐ VN đã mời Phó Chủ tịch LĐBĐ Singapore kiêm Chủ tịch Công ty cá cược bóng đá Singapore Pools đến Việt Nam để gặp gỡ và trao đổi những giải pháp về việc hợp thức hóa hình thức cá cược bóng đá. Không lâu sau đó, Ủy ban TDTT lại tiếp tục làm việc với ban lãnh đạo Công ty Ladbrokes (Anh) để tìm cơ hội hợp tác, bởi phía Ladbrokes muốn trở thành nhà đầu tư tại Việt Nam như họ đã từng làm tại Trung Quốc, Singapore…

Sau thời gian nghiên cứu này, Ủy ban TDTT đã soạn thảo đề án cá cược bóng đá để trình Chính phủ nhưng rồi những vụ lình xình quanh tệ nạn cá độ bóng đá và đặc biệt là vụ một tổng giám đốc cá độ bóng đá lên đến hàng triệu USD khiến vụ việc trên có lúc “dậm chân tại chỗ”.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty SMS chuyên xử lý phân tích dữ liệu cá cược thuê cho nước ngoài cho biết: “Phải đưa loại hình cá cược bóng đá vào thì mới mong triệt tiêu được tiêu cực. Cứ giấu mãi thế này trong khi người dân chơi cá cược tràn lan làm thất thu ngân sách. Và cũng nên nhớ quốc gia nào khi hình thành cá cược cũng có cách quản lý và cách chống rất hiệu quả và điều đấy dễ làm hơn là cấm cá cược nhưng nhu cầu cá cao quá rồi lo giăng lưới bắt cá cược…”.

Theo nguyên Trưởng chi nhánh phía Nam của Bộ Tài chính Trần Mạnh Phú (từng là thành viên trong ban nghiên cứu đặt cược thể thao của Bộ Tài chính: “Tất nhiên là phải có các loại hình cá cược hợp pháp vì nhu cầu thủ của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Nếu chúng ta cấm thì dân ta sang Campuchia đánh bạc, thất thoát ngoại tệ lớn hơn, chưa kể sinh ra chuyện dở khóc dở cười như dụ dỗ… cầm người, đánh đập nếu không có người thân mang tiền đi chuộc…”.

(Đón đọc số tới: Từ kèo của nhà cái đến kết quả các trận đấu của cầu thủ nội.)

Pháp Luật TP.HCM
Tag: Cá cược , Cá độ , Bóng đá Việt Nam , Bóng đá , Thể thao