Buổi hội chẩn cuối cùng qua lời kể êkip phục vụ Đại tướng
Thứ ba, 08/10/2013 22:01

"Chúng tôi đứng quanh Đại tướng và chia sẻ những phút giây gần gũi với ông. Nhưng trong lòng bắt đầu cảm nhận được sự mất mát lớn” - 1 điều dưỡng đã chia sẻ.

Là phó chủ tịch Hội đồng tư vấn sức khỏe trung ương, giáo sư - anh hùng lao động Phạm Gia Khải là người có mặt trong tất cả buổi hội chẩn liên quan đến sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bác sĩ đã làm hết sức mình

GS Phạm Gia Khải kể: “Ngay cả lúc 15h chiều dù sức khỏe đã suy kiệt lắm rồi nhưng Đại tướng vẫn còn rất tỉnh táo. Tôi còn nhớ mỗi lần đến thăm ông trước đây, dù ông phải mở khí quản vì thở khó khăn nhưng lần nào ông cũng bắt tay tôi và cười rất đôn hậu. Nhưng trong lần gặp cuối cùng ấy, ông không bắt tay tôi nữa, nhưng khi chúng tôi chào thì trên gương mặt ông đã biểu lộ cảm xúc. Sau những giờ phút thăm bệnh Đại tướng lần cuối cùng, 4 người con của đại tướng cùng toàn bộ êkip bác sĩ của Bệnh viện 108, bác sĩ riêng của Đại tướng đã gắn bó với sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được mời xuống phòng hội chẩn dưới tầng 1.

Sau khi nghe các bác sĩ báo cáo tình trạng tim mạch, huyết áp, nước tiểu, hồng cầu, tiểu cầu… từ kíp trực bệnh và các bác sĩ cũng đưa ra nhận định, đánh giá về sức khỏe của Đại tướng.

Sau đó bác sĩ hỏi ý kiến lần lượt các người con của Đại tướng rồi giáo sư Phạm Gia Khải mới đưa ra kết luận cuối cùng.

“Lúc ấy tôi đã nói rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là bệnh nhân mà ông còn là biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Nhưng Đại tướng đã 103 tuổi, cơ thể cũng đã già nua và tất cả phương tiện hiện đại không thể chống chọi lại được với sự suy giảm này. Dù rất đau lòng nhưng chúng tôi phải chấp nhận thực tế ấy. Và các con của Đại tướng cũng thống nhất quan điểm đối với đội ngũ các bác sĩ” - giáo sư Phạm Gia Khải kể về buổi hội chẩn cuối cùng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp như thế.

"Khi tôi đến còn gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh đến thăm, lúc tôi sắp ra về thì gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đến thăm cụ. Buổi hội chẩn kéo dài hơn so với rất nhiều buổi hội chẩn khác” - giáo sư Khải kể.

Chỉ còn 37 nhịp

Sau khi buổi hội chẩn kết thúc, một số giáo sư ra về, lúc này là 17h chiều. Toàn bộ người thân và các bác sĩ Bệnh viện 108 đã có mặt bên giường bệnh của Đại tướng. Ngay từ lúc này, những người thân của Đại tướng đã đến hết không thiếu một ai, cả dâu rể, cháu nội ngoại, điều dưỡng, hộ lý, bác sĩ của khoa cũng đã tề tựu đông đủ.

“Chúng tôi đứng quanh Đại tướng và chia sẻ những phút giây gần gũi với ông. Nhưng trong lòng bắt đầu cảm nhận được sự mất mát thật lớn” - một điều dưỡng đã chia sẻ như vậy khi nói về những giây phút cuối cùng bên đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những chiếc máy đo nhịp tim, huyết áp của Đại tướng cứ lúc cao lúc thấp, buổi sáng có lúc huyết áp đã tụt xuống thấp nhưng buổi chiều thì lại trồi sụt thất thường hơn. Và mạch của Đại tướng cũng thế. Chừng 17h30 chiều, mạch của Đại tướng chỉ còn 37 nhịp/phút, rồi 36, 39, rồi 35, 29 và 27 và cứ giảm dần, giảm dần.

Tất cả những người có mặt bên giường bệnh của Đại tướng đã không tránh khỏi xót xa, những tiếng nấc nghẹn, những cái quệt tay chùi nước mắt của người thân, điều dưỡng và cán bộ bệnh viện.

“Dù biết giây phút ấy rồi cũng sẽ đến nhưng đội ngũ cán bộ y tế gắn bó với người cảm thấy rất đau đớn” - thượng tá, bác sĩ Vũ Phi Hải, phó chủ nhiệm khoa A11, vẫn còn thảng thốt khi nói về tình cảm của những người ở lại đối với Đại tướng.

Và nhịp tim của Đại tướng đã dừng lại lúc 18h09 chiều 4/10/-2013.

Những tiếng khóc vỡ òa ngay tại căn phòng tầng 2 nơi Đại tướng nằm.

Tuoitre.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Đại tướng Võ Nguyên Giáp , Người dân vào viếng Tướng Giáp , Người lính cựu chiến binh , Tướng Giáp , Võ Nguyên Giáp , Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần , Cuộc đời đại tướng Võ Nguyên Giáp