Bóng bàn Việt Nam sau giải Cây vợt vàng 2012: Vẫn là nỗi lo muôn thuở
Thứ ba, 06/11/2012 11:03

Một giải đấu quốc tế nhưng đã chỉ ra không ít tồn tại của bóng bàn Việt Nam.

Phía sau Việt Linh ở ĐTQG vẫn là một khoảng trống hun hút vì chưa có người kế thừa xứng đáng. Ảnh: V.V

Phía sau Việt Linh ở ĐTQG vẫn là một khoảng trống hun hút vì chưa có người kế thừa xứng đáng. Ảnh: V.V

Và có lẽ không ít thì nhiều những nguyên do đó đã và đang khiến bộ môn thể thao này tuột dốc không phanh trong vài năm đổ lại đây.

Giải bóng bàn Cây vợt vàng là giải đấu quốc tế lớn nhất trong năm của bóng bàn Việt Nam. Nhờ giải này, không ít tay vợt chủ nhà có được cơ hội cọ xát bổ ích khi không phải bỏ tiền túi sang những quốc gia khác để học hỏi kinh nghiệm.

ĐT bóng bàn Việt Nam đã có cơ hội cọ xát lý tưởng với những đối thủ mạnh đến từ nhiều quốc gia khác và đã đạt được một số thành tích đáng khen ngợi. Đó là việc Tuấn Quỳnh là người góp công lớn đem về cho ĐT Việt Nam một chiếc HCĐ đồng đội nam và một tấm HCĐ đơn nam. Đặc biệt, ĐT nữ TP.HCM đã lập nên một chiến tích chưa từng có trong lịch sử 26 lần giải đấu này được tổ chức ở Việt Nam khi lọt đến trận chung kết và giành HCB.

2 HCĐ và một HCB, xếp thứ 3 trong tổng số 8 đội dự giải, đấy không phải là thành tích tồi nhưng nếu nhìn rộng ra thì thấy tương lai của bóng bàn Việt Nam rất đáng lo ngại.

ĐT Việt Nam đã chấp nhận nhường 2 VĐV hàng đầu của bóng bàn Việt Nam là Mai Hoàng Mỹ Trang và Nguyễn Thị Việt Linh về cho TP.HCM để tạo cơ hội cho các VĐV trẻ có dịp cọ xát trong màu áo ĐT Việt Nam, nhưng điều đó lại cho thấy, các VĐV kế cận của bóng bàn Việt Nam đang có trình độ thua xa những người đi trước. Về nữ, ĐT Việt Nam toàn thua và bị loại ngay vòng bảng.

Ở nội dung đơn nữ, ngoài Mỹ Trang và Việt Linh lọt đến vòng tứ kết, các tay vợt khác đều bật bãi ngay vòng loại. Điều tương tự đó cũng lặp lại ở các đồng nghiệp nam. Ngoại trừ Tuấn Quỳnh, VĐV sinh năm 1983 đã luống tuổi nhưng vẫn giữ được kinh nghiệm già dặn để góp công lớn vào 2 chiếc HCĐ nội dung đơn nam và đồng đội nam cho ĐT Việt Nam tại giải vừa qua (Tuấn Quỳnh cũng đoạt luôn danh hiệu tuyển thủ xuất sắc nhất giải), thì những đàn em của Tuấn Quỳnh vẫn còn rất non nớt.

Người được kỳ vọng thay thế đàn anh Đoàn Kiến Quốc sau khi giã từ ĐTQG là Đào Duy Hoàng đã thất bại ngay ở vòng loại. Tương tự, tay vợt số 2 Đinh Quang Linh cũng nói lời chia tay sớm với giải ở nội dung đánh đơn.

Ông Từ Nhân Luân, HLV trưởng đội bóng bàn TP.HCM, cho biết: “Ở cấp độ tôi nắm là đội TP.HCM thì những tay vợt kế cận như Yến Nhi, Trần Thị Phát còn non nớt về trình độ lẫn kinh nghiệm hơn rất nhiều so với đàn chị Mỹ Trang. Còn khi nhìn rộng ra cấp độ ĐTQG thì so với những quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia thì bóng bàn Việt Nam cần phải xem xét lại nhiều thứ, ví dụ như khâu đầu tư và nhiều điều kiện khác làm sao cho đúng với bộ mặt quốc gia…”.

Có thể vì sự thiếu đầu tư như nhận định của ông Luân mà bóng bàn Việt Nam đã có dấu hiệu đi xuống thấy rõ trong thời gian qua. Không nhìn đâu xa, trên đất Lào mới đây, ĐT bóng bàn Việt Nam chỉ giành được 2 HCB và 6 HCĐ ở giải bóng bàn vô địch ĐNÁ. Sau rất nhiều năm ĐT bóng bàn Việt Nam mới không có nổi một HCV ở giải đấu “ao làng”, một kết quả thất bại với bóng bàn Việt Nam.

Nhưng sự xấu hổ chưa dừng lại ở đó. Hình ảnh ĐTQG đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi 2 thành viên ĐTQG xô xát đến đổ máu trên đất bạn. Sự cố trên khiến HLV trưởng Lê Xuân Phong đã bị thôi nhiệm vụ dẫn dắt ĐT bóng bàn QG, và thay vào vị trí đó là trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT Nguyễn Đức Long.

Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn rất ngạc nhiên là trong các trận đấu của ĐT Việt Nam ở giải cây vợt vàng vừa qua, HLV Lê Xuân Phong vẫn là người đứng sau chỉ đạo các học trò mà không thấy HLV mới dẫn dắt. Dù đã mất cương vị HLV trưởng ĐT bóng bàn Việt Nam nhưng với thâm niên gắn bó với các VĐV, phải chăng HLV Lê Xuân Phong vẫn chưa thể thất nghiệp vì không có nhiều chuyên gia có chuyên môn có thể thay thế ông Phong ở vị trí này?!

Một chi tiết đáng chú ý ở giải Cây vợt vàng vừa qua là việc ĐT nữ Việt Nam đã 2 lần để thua các cô gái Nhật Bản tại vòng bảng và trận tranh vô địch. Trao đổi với những thành viên đến từ xứ sở mặt trời mọc thì càng bất ngờ hơn, khi Nhật Bản chỉ sang Việt Nam lần này với một đội hình toàn các học sinh trung học và không có ai theo con đường VĐV chuyên nghiệp.

Chẳng trách nhiều người ngơ ngác nhìn nhau không hiểu tại sao các VĐV Nhật Bản lại có gương mặt non choẹt, dễ thương và tính cách còn khá trẻ con. VĐV lợi hại nhất của Nhật Bản ở giải này là Ayami Narumoto (HCV đồng đội nữ và đơn nữ) cho biết: “Chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm như các VĐV Việt nam nhưng có lẽ, những kỹ năng đã được học từ tiểu học cộng với động lực hỗ trợ từ các đồng đội và HLV sau lưng nên chúng tôi đã vượt qua sức ép để có được kết quả cao nhất”.

Và những học sinh của Nhật Bản đã đăng quang giải này một cách đầy thuyết phục khi đánh bại cả ĐKVĐ ĐNÁ Thái Lan ở vòng bán kết. Và đến chung kết, họ lại buộc chủ nhà TP.HCM đo ván chóng vánh với tỷ số 3-0.

Có thể với những dẫn chứng trên, người ta sẽ hiểu tại sao bóng bàn Việt Nam đang dần đi thụt lùi ngay cả trong ao làng Đông Nam Á.

TT&VH
Tag: Bóng bàn , Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng , Thể thao , Việt Linh , Tuấn Quỳnh