Bóc mẽ "cô đồng" có khả năng gọi hồn, nhập vong ở Thanh Hóa
Thứ tư, 11/12/2013 08:28

Vong hồn thường nhập những lúc mọi người đang mất tập trung và sau tiếng đập tay của cô mọi người sẽ giật mình.

Cô Định lúc lên đồng, nhập vong mắt mở mắt nhắm để lòe mọi người.

Cô Định lúc lên đồng, nhập vong mắt mở mắt nhắm để lòe mọi người.

Song, sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi đã bóc mẽ được sự thật trần trụi của người đàn bà nhai trầu áp vong gọi hồn này.

Trong thời gian qua, tại mội số địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa lần lượt xuất hiện nhiều ông bà đồng, rồi thánh ông, thánh bà tự xưng có khả năng siêu nhiên, có thể “gọi hồn” những người đã khuất hoặc làm cấu nối giữa người quá cố và con cháu hiện tại, hoặc chữa bách bệnh chỉ với những thang thuốc vô thưởng vô phạt để trục lợi.

Xuất phát từ niềm tin mù quáng này, nhiều gia đình tốn không ít tiền của, thời gian vì phải ăn chực, nằm chờ đến lượt mình, có gia đình vì bất đồng quan điểm, người tin, kẻ không tin dẫn đến gia đình mất hòa khí.

Nhảm nhí chuyện người chết nhập vong nói chuyện với người sống!

Mới đây, hay tin ở Thanh Hóa có một lão bà bà mới nổi, có biệt tài gọi hồn người chết, bà này lại đặc biệt ở chỗ, đã gọi hồn nào thì ngay lập tức linh hồn đó phải có mặt, nên người thân trong gia đình tôi (phóng viên) đã quyết định thuê xe để tìm đến “cô đồng” này để giải tỏa một số thắc mắc của con cháu trong nhà đối với người đã khuất.

“Cô đồng” này tên là Trần Thị Định, 56 tuổi, trú tại xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Nhà cô Định từ chợ Mai Lâm đi vào khoảng chừng 1,5km. Đó là một ngôi nhà cấp bốn, trông rất tuyềnh toàng, tường nhà rêu mốc, loang lổ. Một số vật dụng trong nhà cáu bẩn, trên bàn thờ ba cấp được bố trí vài thứ sơ sài, chỉ có mấy bát nhang là đầy ắp chân hương, tràn cả ra ngoài.

Cận cảnh bàn thờ của thánh cô Trần Thị Định

Thời điểm chúng tôi đến, đã thấy một chiếc chiếu cói được trải giữa nền nhà, trên đó người phụ nữ trạc “ngũ tuần” trong bộ quần áo màu đen, lưng dựa vào tường, miệng liên tục nhai trầu.

Qua sự giới thiệu của người nhà thì được biết, người phụ nữ đó chính là cô Định, và cô đang “lên đồng” để gọi linh hồn cho một người khác, đã đến trước và đặt lễ từ lúc còn tinh sương. Lúc này cô Định đang trò chuyện với một phụ nữ, trong lúc chờ vong về nhập.Trên chiếu còn có một tập giấy màu vàng nhạt để cô “viết sớ” tâu Ngọc Hoàng mỗi khi có gia đình nào đến làm lễ.

Những câu chuyện tản mạn qua lại giữa mọi người lúc gần, lúc xa về, gia đình, cuộc sống, nhưng chủ yếu là xoay quanh việc nắm bắt thông tin của khách từ cô Định. Khi tất cả mọi người đang tập trung nghe “cô” nói thì bất ngờ, “cô” đập tay xuống chiếu một cái thật mạnh, xung quanh ai nấy giật nảy mình.

“Hồn về!”, tiếng của một người trong nhà vang lên. Người phụ nữ đối diện cô cất tiếng chào cha, hai cha con vừa khóc, vừa hỏi chuyện nhau, khoảng chừng 15 phút thì câu chuyện kết thúc, linh hồn người cha nhanh chóng biến mất.

Một người phụ nữ “phụ tá” nhanh chóng lại đỡ, một tay giữ đầu, tay kia xoa ngực trái cho cô dễ thở, đến đây linh hồn đã hoàn toàn “khắc xuất” khỏi cô đồng Định. Xong động tác, cô Định trở lại nói chuyện bình thường và mời người tiếp theo vào đặt lễ.

Vì đã có sự “thỏa thuận” với người nhà “cô đồng” nên gia đình tôi được đặt lễ trước.  

Sự thật trần trụi về khả năng kì lạ

Hôm đó, gia đình tôi thống nhất với nhau sẽ gọi tất cả 6 vong linh của người quá cố và số tiền biện lễ cho mỗi vong linh là 150.000 đồng. Sau khi đặt số tiền lễ lên bàn thờ, “phụ tá” của cô Định dọn dẹp các thứ bánh trái của người làm lễ trước rồi đặt lên chỗ khác để gia đình tôi làm lễ mới. Bao gồm 3 lon nước ngọt, một gói kẹo trái cây và một gói bánh quy nhỏ.

Cô Định yêu cầu người nhà cung cấp thông tin của các vong linh như tên tuổi, ngày tháng năm sinh của người mất. Cô ghi lại những thông tin đó lên giữa một tờ giấy màu vàng nhạt khổ A1 (gọi là giấy viết sớ), trên tờ giấy cô ghi một loại ký hiệu khó hiểu xếp thành hàng dài, ngắn khác nhau, phỏng theo hình bát quái.

Xong thủ tục “viết sớ” cô bắt đầu thắp nhang khấn cầu xin giúp đỡ để các vong hồn sớm hiển linh. Sau màn khấn cầu của cô, những người trong gia đình ngồi xếp một hàng lưng dựa vào tường và mặt hướng lên bàn thờ và chờ đợi vong linh nhà mình sớm về để áp vào cô.

Quá trình chờ đợi của gia đình tôi mất chừng hơn 2 giờ đồng hồ, trong khoảng thời gian chờ đợi là những câu chuyện kim cổ, đông tây được cô Định kể lể, nhiều chuyện chúng tôi cũng không hiểu là chuyện gì và có nội dung như thế nào nhưng chủ yếu là những chuyện về thần thánh.

Đặc biệt, thỉnh thoảng cô nói một ít chuyện liên quan đến tử vi, tướng số và hỏi khá kỹ về các thành viên trong gia đình. Sau này, chúng tôi mới biết đây là một phương thức điều tra theo kiểu moi dần thông tin như công an hỏi cung một cách rất khéo léo, nắm bắt thông tin gia chủ rất điêu luyện của cô. Điều này đã đánh vào tâm lý của những người khi có nhu cầu đi gọi hồn nếu không tỉnh táo sẽ bị các “cô đồng” viện dẫn và cứ tin chắc điều là cô phán là đúng và chính xác trăm phầm trăm.

Cô đồng Trần Thị Định.

Vì gia đình chúng tôi có nhiều người đi, thời gian chờ đợi vong về nhập rất lâu, và đó cũng là khoảng trống thời gian để “cô” có thể dò hỏi, thu thập thông tin của từ gia chủ qua các thành viên trong gia đình.

Vong hồn thường nhập những lúc mọi người đang mất tập trung và sau tiếng đập tay của cô mọi người sẽ giật mình. Khi vong hồn gia chủ nhập vào, cô sẽ tự mình vừa nói và hỏi đủ mọi điều, không cho con cháu hỏi thêm.Đặc biệt hơn, mỗi khi con cháu tập trung vào hỏi cô thì vong hồn lúc này sẽ nhanh chóng chào con cháu để khắc xuất.

Nếu gọi hồn là những vong linh mất khi còn trẻ, khi ứng lên (nhập vào cô), cô sẽ làm bộ khóc lóc, than trách cha mẹ bỏ rơi; đòi đồ chơi, hoa tai, dây buộc tóc, với nhiều cử chỉ rất trẻ thơ như thật. Những vong linh là thanh niên thì sẽ kêu là chưa lập gia đình. Trước đó mọi thông tin đã được gia chủ khai với cô để viết sớ, nên lúc này cô sẽ vận dụng trở lại để kể lại cho con cháu nghe.

Để thử tài của cô, bố tôi đã hỏi linh hồn của ông nội: “Cha có mấy người con trai”? Lập tức cô trả lời gay gắt: “Mày đừng thử tao, con tao chả lẽ tao không biết”. Lần khác, bà bác tôi hỏi lại cũng câu trên, thì cô Định trả lời: “Con trai tao nhiều lắm, tao có sáu, bảy vợ”. Thực chất ông cụ chỉ có một bà vợ và 3 người con trai.

Sau khi đối chiếu thông tin với một số gia đình khác, tôi đã nhận ra sự trùng hợp bất thường. Những gia đình bán nhà đất đi làm ăn xa, khi gọi hồn cha mẹ đều bắt con cái về chuộc lại nhà vườn. Những vong người già đã mất đều hỏi về chiếc áo của cha hoặc của mẹ giờ ai mặc, rồi bảo mua áo giấy đốt để trả lại. Trong lúc trò chuyện giữa linh hồn và con cháu hầu như khuôn mặt của cô đều cúi gằm, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên một mắt mở, mắt còn lại nheo nheo làm bộ; những lúc bí thông tin cô lẩm bẩm vài điều gì đó mà mọi người có mặt tại đó đều không tài nào hiểu được.

Trong khi trò chuyện giữa vong với cháu con cô đều vận dụng “văn vần” cho mọi trường hợp. Cũng chính bởi vậy mà sau buổi chầu chực “cầu hồn” từ 8h sáng đến tận 16h chiều cùng ngày, chúng tôi rời nhà cô Định, một vài người trong gia đình vẫn tấm tắc khen ngợi sự tài giỏi có phần phi phàm hơn người của cô.

Chỉ đến khi về nhà, bật máy ghi âm nghe lại toàn bộ cuộc trao đổi thì mọi người mới vỡ lẽ sự “lừa bịp” tài tình của “cô đồng”. Chính những thông tin mà con cháu đã trao đổi qua lại với cô được cô vận dụng một cách nhuần nhuyễn, đánh mạnh vào tâm lý người nghe nên ai cũng nghĩ sự việc đó là thật và là cô gọi hồn nên mà có.

Trao đổi với ông Lê Quang Trợi – Phó Bí thư Đảng ủy xã Mai Lâm, ông cho biết, việc bà Trần Thị Định hành nghề lên đồng, cầu hồn người chết có dấu hiệu mê tín dị đoan, thậm chí còn động đến tâm linh người đã khuất. Đảng ủy, UBND xã đã làm việc với bà Định, bà này cũng đã hứa sẽ từ bỏ việc làm nhảm nhí này, song bà này vẫn lén lút thực hiện.“Thời gian tới chúng tôi sẽ siết chặt quản lý và mạnh tay xử phạt hơn nếu tiếp tục tái phạm”, ông Trợi cho biết.

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Thanh Hóa , Cô đồng , Trần Thị Định , Mê tín dị đoan , Gọi hồn , Chữa bệnh , Lang băm , Thầy bói , Đời sống