Bóc mẽ chiêu 'câu trộm' tinh vi 'xài chùa' 47 triệu tiền điện
Thứ bảy, 29/03/2014 23:04

Vị Phó Giám đốc đánh giá: “Để nghĩ ra “kế” này, đối tượng phải có kiến thức và tay nghề, hiểu biết rất cao về lĩnh vực điện”.

Ông Nghiêu cho biết con trai mình đã nghĩ ra trò câu móc điện tinh vi

Ông Nghiêu cho biết con trai mình đã nghĩ ra trò câu móc điện tinh vi

Đúc một trụ bê tông trong đó giấu một sợi dây điện rồi dùng sợi dây này đấu nối vào đường dây điện chính của Điện lực Bồng Sơn để kéo điện về nhà mình sử dụng, từ tháng 6/2011 đến nay, gia đình một ông lão đã vô tư xài điện “chùa” một cách phung phí, tiêu thụ tổng cộng 17 ngàn KWh, gây thất thoát hơn 47 triệu đồng.

Ba năm, “xài chùa” 47 triệu tiền điện

Ngày 27/2/2014, qua kiểm tra, nhân viên Công ty Điện lực Bình Định đã phát hiện gia đình ông Nguyễn Nghiêu (71 tuổi, ngụ thôn Đệ Đức, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn) đã có hành vi chôn cáp đồng đôi có tiết diện khoảng 3.0mm đi ngầm dưới đất dài khoảng 40m. Sau đó, gia đình ông Nghiêu dùng cách đi âm dây cáp điện bên trong trụ bê tông tự đúc để câu móc trực tiếp vào hệ thống điện của Điện lực Bồng Sơn quản lý, sau đó tô kín bằng bê tông, mắt thường không nhìn thấy, để lấy cắp điện phục vụ sinh hoạt cho hai gia đình.

Sau một thời gian dài theo dõi, đến khi xác định chính xác, Điện lực Bồng Sơn đã đục cột, bắt quả tang, lập biên bản. Ông Nghiêu thừa nhận mình lấy cắp điện từ tháng 6/2011 đến khi bị phát hiện.

Ngày 19/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ăn trộm điện của ông Nghiêu với tổng tiền phạt bằng với số điện năng đã tiêu thụ quy ra tiền, đồng thời tịch thu tang vật là 40m dây điện. Ông Thái Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Điện lực tỉnh Bình Định cho biết, đến nay Sở này đã thu hồi được toàn bộ số tiền 47 triệu đồng, tương ứng với 17 ngàn kwh mà ông Nghiêu đã ăn trộm. Vị Phó Giám đốc đánh giá: “Để nghĩ ra “kế” này, đối tượng phải có kiến thức và tay nghề, hiểu biết rất cao về lĩnh vực điện”.

Để tìm hiểu sự việc, Xa lộ Pháp luật đã tìm đến nhà ông Nghiêu. Ông lão phân bua: “Tôi già rồi, biết gì về điện đóm đâu. Vì nhà nghèo, thằng con tôi mỗi lần đi biển về nó thấy ba má khổ quá mà phải tốn đủ thứ tiền chi phí cho gia đình nên nó mạo hiểm nghĩ ra cách lấy điện này. Bây giờ sự việc đã đổ vỡ thì gia đình tôi chấp nhận chịu phạt”. Hỏi: “Nếu sự việc không bại lộ thì gia đình ông tiếp tục thực hiện hành vi trộm điện này đến bao giờ?”, ông lão im lặng không trả lời.

Hành vi đáng truy tố nhưng chỉ xử lý hành chính

Ông Huỳnh Văn Hải, Tổ trưởng tổ Kiểm tra và Giám sát mua bán điện (Điện lực Bồng Sơn), cho biết: “Chúng tôi thường xuyên giám sát, kiểm tra việc sử dụng điện, ngăn chặn sự tác động của khách hàng vào hệ thống đo đếm, tăng cường tuyên truyền sử dụng điện, thực hiện công tác phúc tra chỉ số công tơ, theo dõi và cập nhật kịp thời những biến động của khách hàng trong từng khu vực, thành lập bộ phận chuyên trách về kiểm tra sử dụng điện. Tuy nhiên, tình trạng trộm cắp điện vẫn diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, rất khó nhận biết”.

Ông Hải chỉ ra một số thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để trộm cắp điện: Dùng nam châm vĩnh cửu loại có cường độ từ trường rất mạnh để gần công tơ làm cho bộ phận ghi chỉ số điện tiêu thụ hoạt động không chính xác, không đo đếm hoặc đo đếm ít hơn sản lượng điện năng mà khách hàng sử dụng; nới vít điện áp; đấu tắt trong, ngoài công tơ; cắt nguội trước công tơ lấy nguội ngoài; dùng thiết bị quay ngược công tơ; gắn chíp điện tử; dùng thiết bị điều khiển từ xa để điều khiển tác động vào hệ thống đo đếm...

Cán bộ điện lực cũng cho hay, hiện các nhà quản lý điện đang đau đầu về vấn đề bất cập trong điều tra, phát hiện, xử lý các trường hợp trộm cắp điện. Theo Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ về xử lý phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, trường hợp trộm cắp điện với số lượng trên 3.000KWh, ngành điện sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 138 Bộ luật Hình sự về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, thời gian qua chỉ có một số trường hợp trộm cắp điện được đưa ra xét xử hình sự, còn lại là xử lý bằng hình thức khác như xử phạt hành chính, dẫn đến chưa đủ tính răn đe, kịp thời ngăn chặn các hành vi trộm cắp điện.

Còn có một số quy định gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp trộm cắp điện. Ví dụ như nhân viên điện lực không có thẩm quyền khám nhà của khách hàng nên rất khó bắt quả tang hành vi gian lận. Trong quá trình tác nghiệp, nhân viên điện lực thường xuyên bị khách hàng vi phạm làm khó dễ. Theo quy định, mọi hành vi gian lận đều phải được bắt quả tang. Các trường hợp khách hàng cắt niêm phong chì, đục lỗ công tơ điện để gian lận điện, nếu không bắt tận tay thì cũng chỉ có thể xử phạt khách hàng về việc không bảo quản tốt công tơ điện.

Ông Trương Văn Cường, Giám đốc Điện lực Bồng Sơn, nói: “Như để xử lý trường hợp của gia đình ông Nghiêu, phải mất cả một quá trình dài theo dõi điều tra. Hiện nay tình trạng trộm cắp điện diễn ra ngày càng phổ biến, trường hợp của gia đình ông Nghiêu chỉ là con số nhỏ so với thực tế hiện nay”.

Lợi Phan (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Câu trộm điện , ăn cắp điện , Bình Định , 3 năm ăn cắp điện , xài chùa điện