Biến thuốc gây nghiện thành thuốc thông thường
Thứ hai, 02/04/2012 11:38

Những ngày gần đây, dư luận lại hoang mang về các phát ngôn của Bộ Y tế về thuốc gây nghiện, thuốc thông thường. Nguyên nhân chính là do Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản khó hiểu.

Bộ Y tế liên tục phát ngôn trái chiều

Tháng 12/2011, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an (C47) khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện và các chất ma túy khác" xảy ra tại Stada VN và Imexpharm".

Trước khi 2 doanh nghiệp này bị khởi tố vụ án, ngày 21/12/2011, Bộ Y tế bất ngờ ban hành Văn bản 1028/TB-BYT để thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có liên quan đến thuốc gây nghiện.

Sản phẩm thuốc Nucofed Cap do Imexpharm sản xuất.

Thế nhưng, văn bản này đã bị Thanh tra Chính phủ phản đối và nhận định rằng văn bản này của Bộ Y tế "đã nhắc lại không đầy đủ một số quy định quan trọng của văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn các hoạt động liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc".

Theo đó, ngày 11/1/2012, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế làm rõ, xử lý cá nhân, tập thể liên quan đến việc ban hành văn bản này. Thanh tra Chính phủ cho rằng việc nhắc lại không đầy đủ này là có ý thay đổi các thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng thành các thuốc thông thường.

Mới đây, ngày 20/3, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế lại có Văn bản số 21/BYT-PC gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng 10 loại thuốc cảm cúm, cảm ho, sổ mũi (đây là những thuốc do 2 hai doanh nghiệp Stada VN và Imexpharm sản xuất- PV) mà trong thành phần có chứa chất gây nghiện, chất hướng tâm thần và tiền chất chỉ là thuốc thông thường, bán không cần đơn ngoại trừ Nucofed cap là thuốc kê đơn (do Imexpharm sản xuất - PV).

Cần phải nói rõ rằng, trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã nhiều lần ban hành văn bản, nhiều lần phát ngôn "tréo ngoe" nhau. Lúc thì cho rằng thuốc có chứa chất gây nghiện, tiền chất là thuốc gây nghiện; lúc lại khẳng định không phải thuốc gây nghiện.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BV Pharma cho biết: "Trước đây, ông Cao Minh Quang phát biểu trên Báo Tuổi Trẻ, sản phẩm thuốc cảm cúm, cảm ho, sổ mũi của BV Pharma là Activenose, Biviflu - night (có thành phần tương tự 10 loại thuốc ở trên) là thuốc gây nghiện, vì có tiền chất pseudoephedrine, trong bài "Đường đi khó hiểu của chất gây nghiện pseudoephedrine". Thế nhưng sau đó, Bộ Y tế đã khẳng định đó không phải là thuốc gây nghiện".

Cần xem xét năng lực quản lý của Bộ Y tế

Vì sao lại có việc có quá nhiều phát ngôn, nhiều văn bản "tréo ngoe" nhau như vậy? Người tiêu dùng, nhà sản xuất biết dựa vào đâu để thực hiện? Năng lực quản lý trong lĩnh vực này của Bộ Y tế như thế nào mà để xảy ra tình trạng này? Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ.

Chỉ biết rằng, đến thời điểm này, Bộ Y tế cũng đang tỏ ra rất lúng túng. Xin trích một đoạn trong văn bản của Bộ Y tế gửi Bộ Công an ngày 20/3 vừa qua: "Việc xác định 10 loại thuốc có phải thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Bộ Y tế nhận thấy, đây là vấn đề rất quan trọng, phức tạp, cần phải giải quyết hết sức thận trọng…".

Sau đó nhiều cuộc họp đã được diễn ra với thành viên là nhiều cán bộ lãnh đạo của Bộ Y tế, thế nhưng: "Do còn có nhiều ý kiến khác nhau trong cách hiểu, giải thích và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật giữa các thành viên tham dự các cuộc họp trên, do vậy Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng tư vấn xác định loại thuốc gây nghiện và gây nghiện dạng phối hợp"- văn bản này cho biết.

Với cả một bộ quản lý nhà nước với nhiều nhà lãnh đạo, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều chuyên gia mà còn "nhiều ý kiến khác nhau" như vậy thì thử hỏi người dân, nhà sản xuất còn biết tin ai?

Ngay trong văn bản ký ngày 20/3 của Bộ Y tế vẫn còn lẫn lộn lúc thì cho rằng Nucofed Cap là thuốc kê đơn, lúc lại cho là thuốc không kê đơn.

Quay trở lại việc khởi tố 2 doanh nghiệp dược, C47 khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện và các chất ma túy khác" xảy ra tại Công ty Stada VN và Imexpharm là vì 2 doanh nghiệp này đã có hành vi xuất khẩu thuốc thành phẩm có chứa thành phần chất gây nghiện Codein base ra nước ngoài mà không có giấy phép xuất khẩu của Bộ Y tế.

Ngày 12/1/2012, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về việc thực hiện quản lý nhà nước về dược của Bộ Y tế và cho biết đã chuyển hồ sơ vụ Công ty Imexpharm có dấu hiệu buôn lậu dược phẩm gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất qua biên giới không đúng đối tượng cho cơ quan điều tra xử lý.

Trong một diễn biến khác, ngày 30/1/2012, Stada VN đã có Văn bản số 12/2012/CV-Sta gửi Sở Y tế TP. HCM kiến nghị giải quyết khó khăn của công ty. Trong văn bản này, Stada VN cho biết, các đoàn thanh tra đã phát hiện thiếu sót của công ty là có 4 lần xuất khẩu thuốc có hoạt chất gây nghiện và thuốc có tiền chất dưới mức quy định của Bộ Y tế trong khoảng thời gian 3 năm, từ năm 2009 đến năm 2011.

Trước đó, ngày 19/1/2012, Sở Y tế TP. HCM đã có Văn bản số 313/SYT-QLD trả lời Stada VN về thuốc Partamol - Codein. Theo đó, đối với thuốc Partamol - Codein của Stada thì được miễn thực hiện một số điều khoản của thuốc gây nghiện trừ điều khoản về nhãn thuốc, báo cáo xuất nhập khẩu... Như vậy, việc xuất khẩu thuốc có thành phần chất gây nghiện của Stada VN phải lập báo cáo để xin phép Bộ Y tế, nhưng Stada VN không làm thì rõ ràng là sai pháp luật.

Dân Việt
Tag: Thuốc gây nghiện , Chất ma túy , Thuốc Nucofed Cap , Bộ Y tế