Bi hài chuyện dâng sao giải hạn đầu năm
Thứ năm, 02/02/2012 10:54

"Sao Thái Bạch quét sạch cửa nhà, nên năm nay tôi phải tích cực đi giải hạn cầu phúc nhiều nơi, nhiều chùa thì may ra mới qua được đại nạn này". Đó là khẳng định của chị Ngọc Minh (Ba Đình, Hà Nội) sau khi đi xem tại chùa Phúc Khánh.

Cũng giống như chị Minh, tập tục dâng sao, giải hạn đã trở nên rất phổ biến ở Hà Nội mỗi khi Tết đến Xuân về, hàng vạn người vẫn bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc với hi vọng “mua” được sự an bình trong năm...

Nhốn nháo các bãi trông xe tự phát trước một cổng chùa tại Hà Nội với giá... cắt cổ

Người người giải hạn, nhà nhà giải hạn

Năm nay, được nghỉ Tết tới tận mùng 8 âm lịch, nên chị Hằng (quận Hai Bà Trưng) cùng gia đình về quê ăn Tết, do đó chị không có điều kiện để lên chùa xin dâng sao, giải hạn đầu năm cho cả gia đình. Chị nghĩ không đành và cũng không yên tâm, năm nào cũng giải hạn, năm nay nếu không giải hạn mà nhỡ có chuyện gì xảy ra thì ân hận cả đời.

Nghĩ vậy, nên chị Hằng qua một người bạn giới thiệu đã tìm đến dịch vụ "giải sao trọn gói". Vì là trọn gói nên tất cả các khâu đều phó thác cho nhà chùa, từ viết sớ cho đến lễ vật rồi kêu cầu được tín nhiệm, thân chủ chỉ cần ghi rõ tên tuổi của từng thành viên trong gia đình và nộp tiền cho nhà chùa là xong. Giá cho dịch vụ này không hề rẻ, thông thường thì vài triệu, có nơi lên đến cả chục triệu đồng.

Đầu năm mới, chúng tôi có mặt tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa, HN), hàng nghìn người đang chen lấn, xô đẩy để được vào chùa thắp hương, khấn vái. Trong số đó cũng có hàng trăm người đến để dâng sao giải hạn, số lượng người đông đến nỗi đứng tràn cả ra đường, có nhiều người chậm chân phải vái vọng từ... cầu vượt Ngã Tư Sở. Theo quan sát của PV, ở giữa sân chùa có treo một tờ giấy khổ lớn, trên đó ghi năm sinh và ứng với các sao chiếu mệnh của năm nay. Và những sao xấu như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô đã được nhà chùa đánh dấu cẩn thận bằng cách tô màu hồng, xanh, vàng để người xem dễ dàng phân biệt.

Lễ giải hạn (Nguồn ảnh: Internet)

Đang lúi húi chen vào để xem sao chiếu mệnh năm nay, bỗng nghe người phụ nữ trạc năm mươi tuổi thở dài, thì thầm với người đứng bên cạnh: "Chết rồi, năm nay mình bị sao Thái Bạch chiếu, phải đi giải hạn càng sớm càng tốt", rồi kéo người kia ra góc chùa thì thầm to nhỏ, sau đó cả hai đến bàn đón tiếp đóng tiền và đăng ký làm lễ giải hạn vào tuần sau.

Chị Nga ở quận Hoàng Mai thì cẩn thận hơn, mang hẳn danh sách thành viên gia đình đến chùa để so tuổi sao chiếu mệnh rồi đồng loạt viết danh sách nhờ nhà chùa dâng sao (đối với sao tốt) và giải sao (đối với sao xấu). Chị Nga tâm sự: "Khoảng chục năm trở lại đây, chị thường xuyên đến chùa Phúc Khánh để cầu an và xem sao chiếu mệnh cho cả gia đình, sau đó nhờ thầy dâng sao, giải hạn, mỗi lần giải hạn cho cả nhà cũng hết cả triệu bạc. Nhưng tiền nong là một phần, cái tâm là chính, có thờ có thiêng, có kiêng có lành em ạ"ồ.

Để phục vụ người đến đăng ký giải sao, chùa Phúc Khánh bố trí tới 4 bàn đón tiếp và ghi tên tuổi các thân chủ, thu phí. Đăng ký giải sao tại đây phải nộp phí 100.000 đồng một người. Chùa Phúc Khánh sẽ tổ chức lễ giải sao La Hầu vào ngày 8 tháng Giêng, sao Thái Bạch vào ngày Rằm tháng Giêng, sao Kế Đô vào ngày 18 tháng Giêng.

Một cán bộ công an phường Thịnh Quang đang làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại chùa Phúc Khánh cho biết: "Xác định lễ cầu an và giải hạn đầu năm sẽ rất đông người, tâm lý bất an, hoảng loạn là điều kiện thuận lợi để các đối tượng trộm cắp dễ bề ra tay. Năm nay, chúng tôi đã tập trung lực lượng tối đa, cả công khai và bí mật, huy động cả lực lượng dân phòng để cắm chốt, giám sát nhiều điểm trong và ngoài chùa. Tôi cũng khuyên người đi lễ chùa nên cẩn thận hơn, không nên mang theo nhiều vật dụng đắt tiền, và tránh chen lấn xô đẩy".

Nằm ở trung tâm Thủ đô, chùa Quán Sứ cũng thu hút khá đông người đến đăng ký dâng sao, giải hạn đầu năm. Khác với Phúc Khánh thu phí theo đầu người, chùa Quán Sứ thu phí 300.000 đồng mỗi gia đình, không hạn chế số người. Nhà chùa tổ chức giải sao, cầu an vào ngày mùng 4 và mùng 9 Tết.

So với các chùa khác, chùa Trấn Quốc có mức chi phí dâng sao, giải hạn thấp hơn, nhà chùa thu mỗi gia đình 200.000 đồng, không hạn chế số người. Chính vì thế, số lượng khách viếng thăm và xin giải hạn đông nghìn nghịt, bãi đỗ xe kín cả vỉa hè đường Thanh Niên.

Cô Nguyễn Ái Linh, cho biết, nhà cô tận Xuân Mai nhưng khoảng 5 năm lại đây, cứ ra Tết là cô lại cùng với gia đình đến chùa Trấn Quốc để dâng sao, giải hạn. Theo cô Linh, thì việc dâng sao, giải hạn không phải do mê tín dị đoan, mà làm như vậy để thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm từ chính thiện tâm của mình. "Mỗi năm đến ngày dâng sao, giải hạn, thầy viết sớ, đọc sớ, đốt sớ và thực hiện nghi lễ phóng sinh. Đi giải hạn đầu năm, tôi thấy như được học một khóa tu đầu năm, lòng thanh thản, nhẹ nhàng, cũng là làm điều phúc", cô Linh chia sẻ.

Trái với giáo lý nhà Phật

Theo các nhà nghiên cứu về Phật học, thì việc dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Sao hạn được tính căn cứ trên "học thuyết" ngũ hành xung khắc. Theo sự luân chuyển của ngũ hành, mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người, còn hạn là niên hạn, là cách thức riêng với sao chiếu mạng là tốt hay xấu.

Xem sao chiếu mệnh nở rộ ở một số chùa

Trao đổi với phóng viên, một thượng tọa trong Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hải Phòng cho biết: "Việc dâng sao giải hạn là trái với giáo lý nhà Phật. Nếu bản thân có suy nghĩ và hành vi xấu thì có tốn kém công sức, tiền của bao nhiêu cũng không cắt được sao xấu, không giải được hạn. Phần lớn các chùa ở Hải Phòng đều không nhận làm công việc này".

GS Hoàng Tuấn, chủ tịch Hội Văn hóa Á Đông, cũng cho rằng, chữ " Tinh" trong văn  hoá Á Đông không chỉ có nghĩa là sao mà là tinh thần của cuộc sống, là tinh túy của trời đất. "Đạo Phật luôn hòa hợp với dân, tạo tâm linh cho con người, song nhà chùa cúng bái không phải để giải hạn cho dân. Nếu người dân tin tưởng rằng giải sao là giải hạn được thì đó là mê tín dị đoan", ông Hoàng Tuấn bày tỏ.

Hòa thượng Thích Thanh Dương (chùa Quán Sứ) cho rằng: Người dân mong muốn gặp may mắn, an bình, công việc làm ăn thuận lợi, do vậy mới có những lễ nghi để bày tỏ tấm lòng rung động đến Phật thánh. Giải sao không có trong giáo lý nhà Phật mà là tín ngưỡng của người dân Việt từ xa xưa. Khi Phật giáo vào Việt Nam gặp nghi lễ tốt đẹp của nhân dân nên hòa quyện vào nhau, nhà chùa giúp dân bày tỏ nguyện vọng nơi cửa chùa.

Cũng theo thầy Dương, mỗi người đều có một sao chiếu mệnh, người biết năm hạn của mình thì sẽ cẩn thận hơn những năm trước. Tuy nhiên, không nên dựa hẳn vào những lễ nghi giải sao mà con người phải có ý thức phấn đấu. Nghi lễ dâng sao để họ có thêm nghị lực trong cuộc sống, yên tâm làm những việc khó khăn trong năm.  

Phúc - họa là ở mỗi người

Thượng tọa Thích Thanh Duệ, trưởng ban Nghi lễ Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, việc dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, và không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc hay mang tai họa. Chính vì thế mà không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Phật dạy chúng ta về nhân quả, không có quả nào từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất hiện lên, mà đều do hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Nhà Phật có câu: "Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai của chúng ta ra sao cứ nhìn cái nhân mà chúng ta đang gieo hiện tại".

 

Người Đưa Tin
Tag: Giải hạn , Lễ chùa đầu năm , Sao Thái Bạch